Hàng nghìn người tham gia tìm kiếm nạn nhân trong đêm 19/7. Ảnh: Nguyễn Quý
Chiếc tàu Vịnh Xanh mang số hiệu QN-7105 tham quan vịnh Hạ Long khởi hành lúc 12h55', tham quan tuyến 2 (hang Sửng Sốt - đảo Ti Tốp) trên Vịnh Hạ Long. Đến 13h30’ cùng ngày tàu gặp giông bất ngờ, đến 14h05’ thì mất kết nối tín hiệu GPS. Chiếc tàu sau đó được phát hiện lật úp tại khu vực Hang Đầu Gỗ.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến chiều 20/7, các lực lượng chức năng trục vớt được tàu và tìm thấy 45/tổng số 49 người, trong đó 10 người được cứu sống và 35 người đã tử vong; 4 người mất tích chưa tìm thấy.
Ký ức kinh hoàng của cậu bé 10 tuổi
Trưa 19/7, Hoàng Nhật Minh, 10 tuổi, ở Linh Đàm (Hà Nội) cùng bố mẹ và em (5 tuổi) có mặt trên chiếc tàu Vịnh Xanh mang số hiệu QN-7105 tham quan vịnh Hạ Long. Sau đó thì thảm họa xảy ra, em là một trong số 10 người được cứu sống sau gần 4 tiếng mắc kẹt trong tàu bị đắm.
21h ngày 19/7, trên giường bệnh Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, Minh với khuôn mặt và chân tay đầy vết thương, nhưng vẫn tự cầm cốc cháo xúc ăn. Lúc này, tung tích về bố mẹ và em của Minh vẫn mờ mịt.
“Trước khi tàu bị lật, cả nhà cháu ngồi cạnh nhau, mẹ cháu bế em cháu (5 tuổi). Lúc tàu lật úp xuống, cháu vẫy vùng rồi trôi vào một khoang, không thấy bố mẹ và em cháu đâu nữa. Trong khoang này nước chỉ đến cổ chân cháu, nhưng cháu liên tục bị va đập vào thành tàu, nhiều lần bị uống nước biển và ngộp thở. Cháu cứ ở đó, rất lâu cho đến khi được cứu ra ngoài” - Minh kể lại với PV Đại đoàn kết phút giây hãi hùng vừa trải qua, với giọng nói mạch lạc.
Minh là một trong số 10 nạn nhân trong vụ đắm tàu trên vịnh Hạ Long may mắn sống sót.
Đêm không ngủ của lực lượng cứu hộ
23h ngày 19/7, gió lại nổi mạnh trên vịnh Hạ Long. Ánh sáng từ những chiếc đèn cao áp không đủ soi tỏ mọi góc biển. Trong điều kiện trời tối, các lực lượng chức năng vẫn từng giờ từng phút tích cực tìm kiếm nạn nhân. Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các lực lượng thực hiện công tác trục vớt, tìm kiếm cứu nạn khẩn trương, đảm bảo an toàn trong điều kiện khó khăn.
Gần 1.000 người cùng hơn 100 phương tiện tham gia tìm kiếm trong đêm 19/7. Ảnh: P.V
Đúng 0h ngày 20/7, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh quyết định lật tàu để tìm kiếm người bị nạn. 3 tàu cẩu được huy động từ trước đó, chuẩn bị sẵn sàng chằng níu để lật tàu.
“Bình thường biển Hạ Long vẫn hay có sóng ngầm, thời điểm đó có sóng cấp 4-5 khiến việc tìm kiếm cứu nạn càng khó khăn hơn” – một cán bộ thuộc Hải đội 2 Biên phòng có mặt tại hiện trường, cho biết.
1h ngày 20/7, phía đuôi tàu phát hiện thêm 1 thi thể nạn nhân. Gần 1.000 người thuộc lực lượng của các đơn vị cùng hơn 100 phương tiện tham gia tổ chức tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích. Cùng tham gia tìm kiếm còn có nhiều ngư dân là người địa phương, am hiểu luồng lạch. Lúc này, do thủy triều đang rút, vì thế khu vực tìm kiếm được triển khai mở rộng về hướng Cửa Dứa.
1h15’ ngày 20/7, tàu đã được lật ngang. Công tác cứu hộ được các lực lượng chức năng tiến hành khẩn trương hơn. Đội ngũ làm công tác cứu hộ phải dùng đèn pin để tìm kiếm nạn nhân từ khu vực cửa sổ mạn phải thân tàu. Tất cả đều tập trung cao độ với mong muốn sớm đưa các nạn nhân về với người thân và gia đình của họ. Thêm 2 nạn nhân xấu số được tìm thấy bị kẹt trong khoang tàu.
2h50’ ngày 20/7, tàu được 4 tàu cần cẩu kéo lên, nổi hoàn toàn trên mặt nước. Ngay lập tức đội cứu hộ tiến hành bơm nước ra và tìm kiếm những người mất tích còn lại. Tuy nhiên, không phát hiện thêm người nào mắc kẹt trong các khoang hành khách. Ngay sau đó, tàu được lai dắt vào bờ để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Đến 5h30’ ngày 20/7, sau hơn 13 giờ đồng hồ với sự nỗ lực của hàng nghìn người và hàng trăm phương tiện thuộc các lực lượng, tổng số nạn nhân được tìm thấy và cứu hộ là 45 người. Các lực lượng chức năng đã thu thập các vật dụng còn lại của các nạn nhân để phục vụ xác minh danh tính.
Chiều 20/7, công tác tìm kiếm 4 người đang mất tích còn lại vẫn tiếp tục được triển khai trên diện rộng. Đặc biệt, các đơn vị Quân khu 3 và Trung tâm Viettel triển khai thiết bị flycam tích cực tìm kiếm nạn nhân. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã sẵn sàng cho các phương án tìm kiếm trong trường hợp điều kiện thời tiết chuyển biến xấu do bão số 3 Wipha.
Sẻ chia hoạn nạn
Ngay từ tối 19/7, đã có 22 khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đăng ký hỗ trợ miễn phí chỗ nghỉ cho thân nhân các nạn nhân trong vụ đắm tàu trên vịnh Hạ Long. Trong đó, nhiều khách sạn cũng bố trí toàn bộ phòng hiện có, đồng thời, huy động nhân lực, tình nguyện viên trực 24/24 giờ để đón tiếp, hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân.
4 tàu lớn được huy động đến hiện trường để hỗ trợ công tác trục vớt và lai dắt tàu bị nạn vào bờ. Ảnh: P.V
Nhiều khách sạn còn hỗ trợ suất ăn miễn phí. Một số tổ chức, cá nhân và nhóm thiện nguyện đã hỗ trợ phát cháo, đồ ăn nhẹ, nước uống, sữa và nhu yếu phẩm cho gia đình nạn nhân.
Ngay trong đêm 19/7, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã đến thăm hỏi, động viên nạn nhân đang cấp cứu, hồi sức tại bệnh viện. Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người.
Sẻ chia những mất mát với gia đình người bị nạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.
Có mặt tại Bệnh viện Bãi Cháy sáng 20/7 để thăm hỏi, động viên nạn nhân trong vụ đắm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc trước những mất mát của các nạn nhân cùng gia đình; đồng thời động viên gia đình và các nạn nhân cố gắng ổn định tinh thần, tích cực phối hợp với y, bác sĩ để điều trị, vượt qua hoạn nạn. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng có các biện pháp hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ đắm tàu, bao gồm cả hỗ trợ về mặt tinh thần và vật chất.
Ông Nguyễn Bá Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thông tin: Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 9 người trong vụ tai nạn. Đến nay tình trạng sức khỏe của các nạn nhân cơ bản đã ổn định, không có ai nguy kịch.
Theo ông Việt, ngay sau chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế, bệnh viện xác định đây là tình huống khẩn cấp quy mô lớn. Đơn vị đã kích hoạt báo động đỏ, huy động 5 xe cứu thương và 150 cán bộ y tế, gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, tham gia sơ cứu tại hiện trường và tiếp nhận bệnh nhân. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa, các bệnh nhân được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Hiện tại, đội ngũ y bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng các bệnh nhân, đồng thời hỗ trợ họ ổn định tâm lý và vượt qua cú sốc. Bệnh viện cũng phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh danh tính nạn nhân và liên hệ với người nhà trong thời gian sớm nhất.
Chiếc tàu đắm là tàu du lịch Vịnh Xanh 58, mã hiệu QN 48-7105. Tàu Vịnh Xanh 58 là loại tàu vỏ sắt đóng năm 2015, do ông Đoàn Văn Trình (trú tại phường Hà An, tỉnh Quảng Ninh) làm chủ, khởi hành lúc 12 giờ 55 phút ngày 19/7 để tham quan tuyến 2 (Hang Sửng Sốt-Đảo Titop).
Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, tàu gặp giông bất ngờ và mất kết nối tín hiệu GPS vào lúc 14 giờ 05 phút. Trên tàu có 46 khách du lịch và 3 thuyền viên.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động tối đa gần 1.000 người và 100 phương tiện tàu, xuồng các loại từ Bộ Chỉ huy Quân sự, Biên phòng, Công an, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, Kiểm ngư, Đặc công nước, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và sự tham gia tích cực của ngư dân địa phương.
Đến 2 giờ ngày 20/7, tàu Vịnh Xanh 58 đã được trục vớt và lai dắt về bờ.
Huy động mọi nguồn lực tìm nạn nhân trước khi bão số 3 về
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường đêm 19/7. Ảnh: P.V
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 115/CĐ-TTg của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 tại tỉnh Quảng Ninh.
Công điện nhấn mạnh, tiếp theo Công điện số 114/CĐ-TTg của Thủ tướng về việc lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 (QN 7105) tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, để bảo đảm khẩn trương, hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn và hỗ trợ các nạn nhân, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung chỉ đạo, huy động mọi phương tiện, lực lượng, thiết bị cần thiết và huy động sự tham gia của nhân dân để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần quyết tâm cao nhất, cố gắng tìm kiếm hết các nạn nhân, cẩu, lai dắt tàu gặp nạn vào bờ ngay trong đêm nay, trước khi bão số 3 ảnh hưởng đến vùng biển nước ta.
Thủ tướng yêu cầu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên thân nhân các gia đình người bị nạn, hỗ trợ tổ chức tang lễ chu đáo cho các nạn nhân, bố trí điều kiện y tế tốt nhất để cứu chữa người bị thương.
Nguyễn Quý