Khách hàng tập trung tại trụ sở Công ty GFDI tại Đà Nẵng để đòi quyền lợi
Sau sự việc khách hàng tập trung đến trụ sở của Công ty GFDI ở Đà Nẵng đòi quyền lợi mà GFDI cam kết trong hoạt động vay vốn, nhiều ý kiến thắc mắc, người cho vay cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Để giải đáp thắc mắc trên, VietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng về vụ việc.
Luật sư Anh Phiệt cho biết theo thông tin ban đầu thì đây là giao dịch dân sự vay tài sản nên người cho vay – khách hàng cần có đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và chờ kết luận. Ngoài ra, trong khi chờ cơ quan chức năng vào cuộc, người cho vay có thể thực hiện quyền của mình tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền là “khởi kiện vụ án dân sự”.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt– Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng
Theo đó, yêu cầu tòa án tuyên bố chấm dứt hợp đồng và xử lý hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, đòi tài sản. Trong quá trình giải quyết dân sự, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện theo thẩm quyền.
Người cho vay cũng có quyền gửi đơn tố cáo hành vi phạm tội, kèm chứng cứ đến cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ hành vi phạm tội nếu có. Căn cứ đơn tố cáo, cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ giải quyết đơn thư theo trình tự pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
"Người dân cũng cần thận trọng khi bày tỏ yêu cầu để tránh các hành vi như gây rối trật tự công cộng, hoặc các hoạt động khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, điều đó có thể gây nguy hiểm cho bản thân", luật sư Anh Phiệt khuyến cáo.
Khách hàng tập trung tại trụ sở Công ty GFDI tại Đà Nẵng để đòi quyền lợi
Cũng theo luật sư Anh Phiệt, vụ việc liên quan đến Công ty GFDI là khá phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô. Theo như hợp đồng giữa Công ty GFDI và khách hàng thì công ty này không huy động vốn theo cách thức thông thường mà thực hiện dưới hình thức một giao dịch dân sự bình thường là “hợp đồng vay tài sản”.
Liên quan tới phản ánh của khách hàng cho GFDI vay số tiền lớn, nhưng không có tài sản đảm bảo, luật sư Phiệt cho rằng, việc cho vay không có tài sản đảm bảo tiềm ẩn rủi ro cao và người chịu thiệt hại có thể là bên cho vay nếu bên vay mất khả năng chi trả.
Luật sư Phiệt cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc thanh kiểm tra các hoạt động, giao dịch của GFDI và khách hàng, nếu phát hiện những dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần chuyển cơ có thẩm quyền điều tra làm rõ, bảo đảo quyền lợi của người dân và ổn định tình hình an tinh trật tự.
Hồ Xuân Mai