Vụ cướp máy bay kỳ bí nhất trong lịch sử hàng không dân dụng - Kỳ 1

Vụ cướp máy bay kỳ bí nhất trong lịch sử hàng không dân dụng - Kỳ 1
16 giờ trướcBài gốc
Ảnh phác họa Cooper. Ảnh: FBI
Vào buổi chiều ngày 24/11/1971, ngay trước Lễ Tạ ơn, một người đàn ông trên chuyến bay từ Portland đến Seattle đã đe dọa sẽ kích nổ một quả bom nếu hắn ta không nhận được một khoản tiền chuộc lớn. Sau khi nhận được tiền, tên không tặc đã thả tất cả hành khách và ra lệnh cho phi hành đoàn bay đến Mexico. Trên đường đi, với tiền mặt trong tay, hắn ta đã nhảy dù từ máy bay. Đây là vụ cướp máy bay duy nhất chưa được giải quyết trong lịch sử hàng không thương mại.
Người đàn ông này được biết đến với cái tên D.B. Cooper. Sau hơn 50 năm điều tra của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), danh tính, nơi ở và động cơ của hắn ta vẫn chưa được xác định. Thậm chí không ai biết chắc liệu hắn ta còn sống sót sau khi nhảy dù từ máy bay hay không. Tuy nhiên, vào năm 2023, những đứa con của một trong những nghi phạm chính của vụ cướp máy bay, được cho là đã chia sẻ các bằng chứng có thể buộc tội người cha đã qua đời của họ.
Hồ sơ chi tiết của FBI về D.B. Cooper mô tả hắn ta là một người đàn ông da trắng, cao 1,85m, nặng 77 – 79kg, khoảng tầm 45 tuổi, nước da màu ô liu, mắt nâu, tóc đen, cắt theo kiểu truyền thống, rẽ ngôi bên trái. Cooper lên chuyến bay 305 của hãng hàng không Northwest Orient Airlines, ngồi vào ghế lối đi ở phía sau máy bay Boeing 727, châm một điếu thuốc và gọi một ly rượu bourbon và soda. Sau đó, hắn đưa một tờ giấy cho nữ tiếp viên hàng không khoảng 23 tuổi Florence Schaffner với nội dung "Tôi có một quả bom trong cặp. Tôi muốn cô ngồi cạnh tôi".
Cô Schaffner đã làm theo chỉ dẫn của hắn ta. Cooper nói với cô các yêu cầu tiếp rằng, cần chuẩn bị 200.000 USD cùng 4 chiếc dù và giao ngay cho hắn khi hạ cánh tại Sân bay Sea-Tac. Trong khi cảnh sát và nhân viên hãng hàng không trên mặt đất vội vã chuẩn bị khoản tiền trên và dù, các phi công được yêu cầu bay vòng vòng trên bầu trời Seattle. Hành khách được thông báo rằng một vấn đề cơ học nhỏ đã buộc máy bay phải tiếp tục “đốt” nhiên liệu, kéo dài thời gian của một chuyến bay mà thông thường chỉ mất khoảng 30 phút.
Sau ba tiếng rưỡi trên không, chiếc máy bay Boeing 727 cuối cùng đã hạ cánh. Sau khi nhận được tiền và dù, Cooper đã cho tất cả 36 hành khách và hai trong số sáu thành viên phi hành đoàn rời khỏi máy bay. Trong khi đó, máy bay tiếp thêm nhiên liệu và cất cánh đến điểm đến địa điểm tiếp theo như yêu cầu của Cooper lần lượt là tới Mexico, qua Reno và Yuma để tiếp tục tiếp nhiên liệu. Trong chặng bay đầu tiên, khi các thành viên phi hành đoàn đang trong buồng lái, Cooper đã hạ cầu thang phía sau và nhảy dù vào không trung. Vào thời điểm đó đang có một cơn giông mạnh bên ngoài. Kể từ thời điểm đó, không một ai tìm thấy được hắn ta.
FBI đã theo dõi, tìm hiểu hàng ngàn đầu mối để xác định danh tính thực sự của Cooper. Cơ quan này đã tiến hành rà soát hơn 800 nghi phạm trong 5 năm sau sự vụ trên và tập trung vào một số nghi phạm chính.
Nghi phạm Richard McCoy, Jr.
Vào ngày 7/4/1972, một người đàn ông đi du lịch dưới một cái tên giả, đã lên chuyến bay từ Newark đến Los Angeles. Ngay sau khi cất cánh, hắn ta đưa một tờ giấy cho một trong những tiếp viên hàng không. Tờ giấy yêu cầu cung cấp khoản tiền 500.000 USD và 4 chiếc dù. Nếu không cung cấp những thứ này, hắn ta sẽ đánh bom, cho nổ tung máy bay. Theo hồ sơ thì hắn là một phi công trực thăng và có nhiều năm kinh nghiệm về nhảy dù. Khi máy bay Boeing 727 hạ cánh và tiếp nhiên liệu, tên không tặc trao đổi hành khách để lấy tiền mặt và dù. Trên đường đến điểm đến tiếp theo, hắn ta đã nhảy từ cầu thang phía sau để thoát thân. Vụ việc trên nghe không khác gì hành động mà D.B. Cooper đã thực hiện.
Và thực tế, vụ đe dọa đánh bom, tống tiền trên xảy ra chưa đầy 5 tháng sau vụ việc D.B. Cooper tiến hành. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ rằng cả 2 vụ án có cùng chung một thủ phạm gây án. Thủ phạm của vụ án tháng 4/1972 là Richard McCoy, Jr., bị kết án 45 năm tù về tội cướp máy bay. Tuy nhiên, vào ngày 10/8/1974, hắn ta và một số tù nhân đang thụ án đã cướp một chiếc xe chở rác và trốn thoát khỏi nhà tù Pennsylvania. Ba tháng sau vụ trốn trại trên, FBI đã truy vết và phát hiện hắn đang ở bang Virginia. Một cuộc đấu súng đã khiến hắn ta phải bỏ mạng.
Kẻ không tặc Richard F. McCoy Jr. bị kết án vì tội cướp máy bay. Ảnh chụp vào năm 1972.
Các con của McCoy là Chanté và Richard III (biệt danh Rick), từ lâu đã tin rằng cha mình có thể là người đứng sau vụ cướp máy bay năm 1971. Và cuối cùng vào năm 2023, họ đã công khai mối nghi ngờ của mình với Dan Gryder - một phi công đã nghỉ hưu, người đã dành 20 năm để điều tra vụ án. Dan Gryder được cho là liên tục tìm các liên hệ để nắm thông tin liên quan đến vụ án. Theo ông Gryder, những người con của McCoy đã bàn giao cho FBI một chiếc dù và dây an toàn được cất giấu trong một nhà kho trên khu đất của gia đình họ ở bang Bắc Carolina.
Ông Gryder nói với tờ Cowboy State Daily, sau khi đã đăng một loạt bài trên YouTube về cuộc điều tra của mình, rằng: "Chiếc dù đó thực sự là một trong một tỉ chiếc".
Ông Gryder phát hành 2 video vào năm 2021 và 2022 trên kênh YouTube Probable Cause của mình, ghi lại những tuyên bố về McCoys. Trong video mới nhất của ông Gryder, được phát hành vào ngày 18/11, ông tuyên bố FBI đã mở lại cuộc điều tra sau khi liên lạc với ông vào cuối năm 2023. Ông Gryder cho biết FBI, cơ quan đang sở hữu chiếc dù của McCoy, đang tìm kiếm mối liên hệ giữa ADN của McCoy và ADN của Cooper để lại trên máy bay.
Được lưu trữ cùng với chiếc dù là một cuốn sổ ghi chép mà con gái của McCoy tuyên bố là đề cập về vị trí của cha họ tại địa điểm xảy ra vụ cướp máy bay. Cả hai người Chanté và Rick nói rằng họ đã đợi cho đến khi mẹ họ qua đời trước khi chia sẻ những vật dụng này với các nhà điều tra. Bằng chứng có thể được xem là cũng cấp những tình tiết mới cho một vụ án mà FBI đã thông báo chính thức đóng lại hồ sơ vào 2016 sau gần nửa thế kỷ điều tra mà không có kết quả. Tuy nhiên, việc có đủ cơ sở để thực sự khép lại vụ án D.B. Cooper không vẫn được bỏ ngỏ.
An Minh/Báo Tin tức (Theo History)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/vu-an-noi-tieng/vu-cuop-may-bay-ky-bi-nhat-trong-lich-su-hang-khong-dan-dung-ky-1-20241222004013634.htm