Ông Bảy trao đổi với phóng viên về việc thu bảo hiểm bằng cà phê.
Liên quan đến việc công nhân phản ứng vì phải đóng bảo hiểm bằng... cà phê mà báo Tiền Phong phản ánh, một lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai cho hay, sau khi có báo chí phản ánh, cơ quan này đã cử cán bộ xuống doanh nghiệp nắm bắt tình hình.
Hiện, Liên đoàn đã đề nghị doanh nghiệp và công đoàn sớm tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động để trao đổi, giải thích thông tin và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân nhằm có hướng tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trịnh Xuân Bảy - Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) giải thích, trong phương án khoán có ghi rõ rằng người lao động và doanh nghiệp cùng đầu tư, phân chia lợi ích, sản phẩm. Do đó, việc doanh nghiệp thu các phần chi phí đầu tư, trong đó có phần chi phí để thực hiện chế độ cho người lao động đã kết cấu và thu bằng sản phẩm.
Về việc khoản chênh lệch sau khi bán sản phẩm, theo ông Bảy, tại thời điểm xây dựng đơn giá là gần 10.000 đồng/kg cà phê (hiện hơn 120.000 đồng/kg). Ông Bảy nói, khi thu của người lao động bằng sản phẩm (cà phê) để đóng thực hiện chế độ, tuy nhiên, khi đóng cho cơ quan bảo hiểm sẽ bằng tiền theo hệ số lương.
“Khoản tiền dư, tức giá cả biến động chúng tôi sẽ hạch toán chung vào chi phí của doanh nghiệp”, ông Bảy nói, đồng thời giải thích thêm, số tiền dư này sẽ "để tạm" ở công ty, năm sau thiếu sẽ lấy bù lại.
Ông Bảy nói thêm, nếu giá cà phê mấy năm nữa tiếp tục tăng lên, doanh nghiệp sẽ tuyên truyền, giải thích rõ cho người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ và những vấn đề khác để tránh hiểu lầm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề mâu thuẫn phát sinh hai bên đều có phương án bàn bạc, thống nhất; nội dung nào đang hợp lý, đảm bảo quyền lợi hài hòa lợi ích đôi bên sẽ phát huy, còn chưa phù hợp sẽ họp lại với người lao động để có phương án tối ưu nhất.
Chưa phù hợp?
Liên quan tới vụ việc trên, luật sư Thảo Nguyên (Đoàn luật sư TPHCM) phân tích, hợp đồng khoán là thỏa thuận dân sự giữa bên khoán và bên nhận khoán.
Theo luật sư Thảo Nguyên, trên cơ sở lương của người lao động, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32%; trong đó người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5% và 2% kinh phí công đoàn.
Luật sư Thảo Nguyên cho rằng, phía người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải nộp lại một phần sản lượng tương ứng với 23,5% để đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn và thu thêm bằng tiền tùy theo bậc lương cho việc đóng bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Bởi theo luật sư, nghĩa vụ nộp 21,5% vào các quỹ bảo hiểm xã hội và 2% vào kinh phí công đoàn là nghĩa vụ của công ty, người lao động chỉ phải đóng 10,5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội.
“Công ty có thể thu 10,5% tiền lương của người lao động để đóng thay người lao động vào các quỹ bảo hiểm xã hội. Còn đối với 23,5% các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn, công ty không được phép thu của người lao động mà phải tự đóng bằng kinh phí của mình”, luật sư Thảo Nguyên nói.
Như Tiền Phong đưa tin, hiện giá cà phê tăng kỷ lục lên đến hơn 120.000 đồng/kg. Theo phản ánh của một số công nhân, họ nhận giao khoán vườn cà phê của Công ty cà phê Ia Sao 1 đã hàng chục năm. Công ty cà phê Ia Sao 1 có khoảng 400 công nhân.
Cụ thể, công nhân nhận giao khoán vườn và chăm sóc, mỗi vụ đóng sản lượng 4 tấn cà phê tươi, số còn lại họ được hưởng. Công ty đứng ra đóng bảo hiểm xã hội thay công nhân và thu lại số tiền này vào cuối năm.
Tuy nhiên, hai năm gần đây giá cà phê tăng cao, công ty yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê ở mức hơn 1,7 tấn/người/năm, công nhân cho rằng mức đóng này quá cao so với số tiền công ty thực đóng cho đơn vị bảo hiểm.
Công nhân thắc mắc nếu tính ở bậc lương cao nhất, tức bậc 6, mức đóng thực tế cho cơ quan bảo hiểm cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, hiện giá thị trường của 1,7 tấn cà phê khoảng 43 triệu đồng, cộng với khoản nộp bằng tiền, giá trị công ty thu của mỗi người trên dưới 50 triệu đồng.
Tiền Lê