Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra 1 vụ việc kinh doanh sữa có dấu hiệu vi phạm
Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với quy mô lớn, doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả này. Trong gần 600 loại sữa làm giả gồm sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai...
Ai chịu trách nhiệm quản lý?
Sau khi vụ việc bị phát hiện, dư luận quan tâm đến việc Bộ ngành nào cấp phép, khâu quản lý ra sao mà để đường dây phạm pháp nói trên hoạt động suốt 4 năm không bị phát hiện, xử lý?
Ngày 15-4, lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế thông tin, vụ việc đang trong quá trình điều tra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn, nhằm đảm bảo có đủ căn cứ pháp lý để xử lý đúng người, đúng tội; truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Cục ATTP, Bộ Y tế thường xuyên phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong xử lý các hành vi liên quan đến thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm...
Về việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, đại diện Cục ATTP cho biết, quy trình này được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 - quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Theo đó, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố, riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Việc trao quyền công bố cho doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố, cũng như chất lượng, độ an toàn của sản phẩm…
Các quy định hiện hành đã gắn rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ điều kiện ATTP, từ sản xuất đến lưu thông sản phẩm.
Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể; đồng thời làm rõ vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Cũng theo Cục ATTP, trước vụ việc lực lượng Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lên tới hàng trăm nhãn hiệu, Bộ Y tế đã có động thái khẩn trương nhằm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng tương tự trong tương lai.
Ngày 15-4, Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản gửi Sở Y tế các địa phương yêu cầu rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện ATTP cũng như các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn.
Bộ Y tế yêu cầu nếu các doanh nghiệp trong đường dây sữa giả từng công bố sản phẩm tại địa phương, phải cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm, đồng thời rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Các đơn vị chức năng cũng được yêu cầu báo cáo lại các hoạt động thanh tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý, xác minh các lỗ hổng trong giám sát hậu kiểm và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục lọt lưới thị trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất sữa giả
Đã nhận được thông tin về nhiều người nổi tiếng quảng cáo sữa
Về xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, lãnh đạo Cục ATTP cho biết: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo" đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Liên quan đến việc nhiều người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm, Cục ATTP cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin phản ánh về việc một số nghệ sỹ nổi tiếng đang tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng qua các kênh truyền thông.
Qua việc kiểm tra hạ tầng thông tin và các bài đăng trên mạng xã hội, Cục ATTP đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng với công dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm về chất lượng và công dụng sản phẩm.
Cục ATTP đã đề nghị các cơ quan liên quan, đặc biệt là các Cục Văn hóa cơ sở, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp để kiểm tra thông tin và xử lý các hành vi vi phạm quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân nổi tiếng, những người đã tham gia quảng cáo các sản phẩm vi phạm, theo đúng quy định của pháp luật…
Cục ATTP khuyến cáo người dân, để tránh bị lừa dối, nên tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, không tin vào những quảng cáo quá đà, cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Quan trọng nhất, sản phẩm phải được mua từ các nguồn uy tín, có đầy đủ nhãn mác và chứng nhận.
Duy Tiến