Như PLO đã thông tin, hành vi đánh đập dã man hai đứa trẻ của chủ tiệm Internet ở phường Tân Thới Hiệp, TP.HCM đã được ghi lại trong đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội.
Theo lời khai của nhân viên thì chủ tiệm hành hung hai đứa trẻ vì chúng không đăng nhập tài khoản của mình mà lấy tài khoản của người khác để sử dụng.
Cách hành xử mang tính bạo lực này khiến công chúng phẫn nộ. Nhiều người yêu cầu xử nghiêm hành vi xâm hại đến thân thể và nhân phẩm của trẻ em.
Vụ hai đứa trẻ bị đánh ở quán Internet khiến dư luận bàng hoàng, yêu cầu xử nghiêm người hành hung.
Sao nỡ nhẫn tâm như vậy?
Bạn đọc Duykhanh...@gmail.com bức xúc: “Tôi không dám xem đến lần thứ hai. Hai đứa nhỏ co rúm người lại, không hề có khả năng chống cự. Dù các cháu có sai đi nữa thì cũng không ai có quyền hành xử như vậy. Tôi đề nghị xử nghiêm người đàn ông này, để làm gương và góp phần hữu ích vào sự nghiệp bảo vệ trẻ em".
Cùng quan điểm, bạn đọc Nguyenmai...@gmail.com chia sẻ: “Không thể để những vụ bạo hành trẻ em tiếp diễn như thế này. Trẻ em ngày nay dễ tổn thương về tinh thần, nếu không được can thiệp sớm, các em sẽ bị ám ảnh suốt đời. Nhiều người chứng kiến cảnh hành hung hai đứa trẻ nhưng cũng không can ngăn. Hành vi đánh đập các em nhỏ không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn phá vỡ chuẩn mực đạo đức xã hội".
“Tôi rùng mình khi thấy cảnh đứa trẻ đã van xin, đã nằm xụi lơ mà người đàn ông vẫn tiếp tục tấn công. Trẻ em bị đánh đập như vậy sẽ mang tổn thương cả đời, không chỉ trên cơ thể mà trong tâm hồn" - bạn đọc Minhtran...@gmail.com bình luận.
“Tôi đã bật khóc khi xem clip. Sao có thể nhẫn tâm đá vào đầu, vào mặt một đứa trẻ yếu ớt đang sợ hãi như vậy? Nếu không xử nghiêm, thì mai này ai dám tin trẻ em được bảo vệ trong một xã hội tử tế?” - bạn đọc Chautran...@gmail.com chia sẻ.
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi đánh trẻ như trong clip có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Theo luật sư Tuấn, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 5-8 triệu đồng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (căn cứ điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021).
Trường hợp có dấu hiệu hình sự, căn cứ Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), nếu tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng người bị hại là trẻ em dưới 16 tuổi, hoặc dùng hung khí nguy hiểm để tấn công gây thương tích cho bị hại thì người thực hiện hành vi vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 6 tháng đến tù chung thân, tùy theo hậu quả và tình tiết.
"Vụ việc liên quan hai đứa trẻ đều chưa đủ 16 tuổi. Dù thương tích nhẹ, người đánh vẫn có thể bị xử lý hình sự do nạn nhân là trẻ em. Việc xử lý phụ thuộc vào mức độ tổn thương, thủ đoạn, tuổi người bị hại và các yếu tố tăng nặng khác" - luật sư Trương Văn Tuấn nhận định.
TRẦN MINH