Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có loạt bài phản ánh vụ việc ông Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển cũ, tỉnh Cà Mau), bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng.
TAND tỉnh Cà Mau đã xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm kết tội ông Tâm tham ô 10,7 triệu đồng (xử 7 năm tù) để điều tra lại. Bạn đọc của báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục chia sẻ những cảm xúc về vụ án này…
Cần nhìn bối cảnh để đánh giá hành vi
Bạn đọc Lê Minh Quân viết: “Một vụ án hình sự, đặc biệt lại liên quan đến danh dự và sự nghiệp của một người thầy thì phải được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo. Ở đây, tòa sơ thẩm chưa đánh giá thấu đáo việc xác định thiệt hại, từ đó đánh giá bản chất hành vi.
Cá nhân tôi nhận thấy nếu ông Tâm thực sự tự bỏ chi phí và công sức để làm ra các vật dụng phục vụ cho nhà trường thì hành vi sử dụng hóa đơn khống, dù sai về thủ tục cũng không đồng nghĩa với việc có hành vi chiếm đoạt tài sản. Hình sự hóa những hành vi chưa rõ thiệt hại cụ thể sẽ dẫn đến nguy cơ xét xử không đúng bản chất vụ việc”.
Tương tự, bạn đọc Vũ Thị Mai Hương nêu: “Tôi đọc nhiều lần nhưng vẫn không thấy rõ ông Trần Văn Tâm “tham ô” cái gì, “chiếm đoạt” ra sao. Điều duy nhất được nêu là ông sử dụng hóa đơn khống để thanh toán khoản chi phí hơn 10 triệu đồng. Nhưng hóa đơn khống là một biểu hiện vi phạm thủ tục kế toán, không tự động cấu thành tội tham ô nếu không có căn cứ cho thấy cá nhân người đó tư lợi.
Việc hủy án để điều tra lại là cần thiết, không chỉ để tránh oan sai, mà còn để củng cố niềm tin của người dân”.
Mong thầy Tâm không bị tạm giam nữa
Bạn đọc Đỗ Hùng Dũng nêu: “Trong trường hợp này, nếu ông Tâm thực sự dùng thời gian, sức lao động và kỹ năng cá nhân làm các sản phẩm phục vụ dạy học thì phần giá trị đó cũng là tài sản đóng góp cho nhà trường. Câu hỏi đặt ra là công sức đó đã được đánh giá và ghi nhận chưa?”.
Bạn đọc Trần Hoàng Nam bày tỏ: “Tôi cho rằng nguyên tắc suy đoán vô tội cần được đặt lên hàng đầu trong những vụ án có nhiều điểm chưa rõ ràng như thế này. Nếu không có bằng chứng thuyết phục về việc chiếm đoạt tài sản, nếu chưa xác định được thiệt hại cụ thể thì chưa thể buộc tội.
Trong môi trường giáo dục, nơi người làm nghề thường phải tự xoay xở trong điều kiện hạn chế thì những sai sót hành chính cần được nhìn nhận trong tổng thể bối cảnh, động cơ và hậu quả”.
Bạn đọc Lê Thị Dũng nói: “Xét về tính chất, hậu quả của hành vi trong vụ này, có thể thấy thiệt hại là không đáng kể (10,7 triệu đồng).
Thầy Tâm có nhân thân tốt, chỉ vì sự nhiệt tình mà rước họa vào thân, thiệt hại trong vụ này không đáng kể. Mong đừng tạm giam thầy nữa! Thầy Tâm có nơi cư trú rõ ràng, thái độ thành khẩn khai báo, có thể được xem xét áp dụng biện pháp bảo lĩnh hoặc các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú... thay vì tạm giam”.
Một số kệ mà thầy Tâm tự tay làm đang được sử dụng trong trường. Ảnh: TV
Thầy Tâm khẳng định mình không tham ô
Ngày 17-7, bà Lê Thị Tuyết (vợ thầy Tâm, là giáo viên) đã chia sẻ với PV những suy nghĩ và cảm xúc về vụ án mà chồng bà bị cáo buộc tham ô 10,7 triệu đồng.
Bà Tuyết cho biết chồng mình đã từng viết “Đơn đề nghị xem xét” từ nhà tạm giữ Công an huyện Ngọc Hiển (cũ), sau khi ông Tâm bị tuyên 7 năm tù.
“Trong đơn gửi TAND và VKSND tỉnh Cà Mau, thầy một lần nữa khẳng định mình không tham ô.
Hơn thế, thầy còn đưa ra một bảng tính chi tiết, cho rằng thầy không những không lấy tiền của trường mà ngược lại, thầy đã bỏ tiền túi ra để lo việc chung và nhà trường còn nợ thầy hơn 20 triệu đồng” - cô Tuyết giãi bày.
Cụ thể, theo “Đơn đề nghị xem xét” của ông Tâm mà bà Tuyết cung cấp cho PV, có nội dung như sau:
Ngoài vai trò hiệu trưởng, ông còn là một thợ cơ khí lành nghề. Tận dụng khả năng này và các mối quan hệ để mua vật tư giá tốt, ông đã trực tiếp nhận làm các hạng mục nhỏ cho trường như tủ đựng thiết bị, ghế thang, giá để tivi... Sau khi hoàn thành, nhờ tiết kiệm và tận dụng vật tư, ông có được một khoản tiền dư lời tổng cộng là 12.335.000 đồng.
Các khoản tiền thầy làm dư lời nêu trên là hợp pháp, đúng quy định và được quyền sử dụng cho mục đích cá nhân, thế nhưng ông đã đưa số tiền này chi trả nợ chung của tập thể nhà trường.
Kèm theo đơn là một bảng kê chi tiết các khoản chi cho nhà trường từ số tiền này và cả tiền túi của ông.
Tổng cộng ông Tâm đã chi 32.762.000 đồng để trả các khoản nợ của trường.
“Như vậy, qua khấu trừ số tiền làm dư và số nợ tập thể trường thì bản thân tôi đã xuất tiền cá nhân là 20.427.000 đồng để trả nợ cho nhà trường” - ông Tâm khẳng định trong đơn. Ông Tâm thừa nhận có sai sót là khi chi các khoản này đã không công khai kịp thời trước hội đồng sư phạm, do cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trường không có phó hiệu trưởng, kế toán lại nghỉ việc, một mình ông phải “gánh vác” quá nhiều việc...
Vì sao ban đầu kêu oan nhưng sau chỉ xin giảm nhẹ hình phạt?
Bà Tuyết cũng thông tin sau khi HĐXX phúc thẩm hủy án, bà có vào thăm thầy và được thầy cho biết vừa nhận quyết định gia hạn tạm giam thêm bốn tháng.
Về việc vì sao ở cấp sơ thẩm ông Tâm kêu oan, nhưng khi đến phúc thẩm ông chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, bà Tuyết giải thích:
“Sau phiên sơ thẩm, tinh thần ảnh suy sụp hoàn toàn. Có người giải thích cho ảnh là chỉ cần tiền của doanh nghiệp chuyển vào tài khoản cá nhân đã là phạm tội rồi, không cần biết có bỏ túi riêng hay không. Ảnh nghe vậy nên tuyệt vọng, nghĩ mình có tội thật nên chỉ xin giảm án để sớm về với gia đình”.
TRẦN VŨ - TUẤN ANH