Trên số trước, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết “Băn khoăn với cáo buộc hiệu trưởng ở Cà Mau tham ô 10,7 triệu đồng”. Bài viết ghi nhận quan điểm của các chuyên gia, cho rằng việc bản án sơ thẩm tuyên ông Trần Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Giang Tây (Cà Mau) phạm tội tham ô tài sản với số tiền 10,7 triệu đồng, là thiếu thuyết phục.
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu góc nhìn pháp lý của Luật sư Đặng Kim Chinh (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vụ án này.
Luật sư Đặng Kim Chinh, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Cần ghi nhận công lao động của bị cáo
Việc HĐXX phúc thẩm ghi nhận bị cáo tự bỏ khoản tiền 2.332.000 đồng dùng mua 02 thùng nước sơn để sửa chữa bồn hoa cho nhà trường là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, cần xem xét thêm việc ghi nhận tiền công lao động của bị cáo, nếu bị cáo trực tiếp thực hiện việc sơn sửa bồn hoa, hoặc khoản tiền mà bị cáo đã chi trả cho người khác để thực hiện công việc này (nếu có).
Việc này nhằm bảo đảm xác định đúng giá trị tài sản mà bị cáo thực sự chiếm đoạt (nếu có), từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc định tội và áp dụng khung hình phạt trong tội tham ô tài sản.
Hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra trong một bối cảnh khá đặc biệt. Mặc dù giữ chức vụ Hiệu trưởng, bị cáo đồng thời là người có tay nghề thợ hàn giỏi, nên thay vì thuê dịch vụ bên ngoài hoặc mua sản phẩm đã hoàn thiện, bị cáo đã tự thực hiện việc mua vật tư để cùng với một giáo viên khác (ông Ngô Minh Tân) trực tiếp tiến hành sửa chữa, hoàn thiện một số thiết bị phục vụ cho hoạt động của nhà trường, như một công việc làm thêm.
Mặt khác, theo nhận định của Tòa, trong quá trình công tác, bị cáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Những tình tiết này cần được cân nhắc thấu đáo khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như cách thức xử lý phù hợp đối với bị cáo.
Một số vật dụng, thiết bị mà ông Tâm và một giáo viên khác tự tay làm đang được sử dụng trong trường. Ảnh: TV
CQĐT đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tòa sơ thẩm nói không
Tại trang 5 của Kết luận điều tra, Cơ quan điều tra đã ghi rõ: “Quá trình điều tra, bị can thành khẩn khai báo, có thái độ ăn năn hối cải nên đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự”.
Tuy nhiên, tại trang 9 của Bản án sơ thẩm, HĐXX lại nhận định: “Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo chưa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Từ đó, Tòa không ghi nhận cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ nói trên.
Đây là một mâu thuẫn rõ rệt, bởi chính Cơ quan điều tra – chủ thể trực tiếp ghi lời khai, đánh giá thái độ khai báo của bị can – lại xác định bị can có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, trong khi Tòa án sơ thẩm lại kết luận hoàn toàn ngược lại. Việc đánh giá không nhất quán này cần được xem xét kỹ lưỡng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo và tính đúng đắn của Bản án.
Mặt khác, cần đặt ra giả thiết rằng: Nếu tại phiên tòa, bị cáo có trình bày lại sự việc với cách diễn đạt khác, hoặc bổ sung những tình tiết mới có lợi cho mình – những tình tiết chưa được nêu hoặc chưa được đánh giá đầy đủ trong quá trình điều tra, truy tố – thì việc bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại tính chất, mức độ hành vi, thậm chí cả tội danh, không thể đương nhiên bị coi là chưa thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
Trong tình huống như vậy, HĐXX cần đánh giá toàn diện các lời khai, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như các diễn biến tại phiên tòa, để bảo đảm quyền tự bào chữa của bị cáo và nguyên tắc xét xử công bằng.
Chỉ dựa vào sự khác biệt giữa lời khai tại phiên tòa và giai đoạn điều tra để phủ nhận tình tiết giảm nhẹ mà Cơ quan điều tra đã ghi nhận, là một nhận định chưa thuyết phục.
Tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với bị cáo trong vụ án này. Bởi lẽ, bị cáo đã được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ tự nguyện khắc phục hậu quả theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.
Nếu bị cáo tiếp tục được ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS, thì bị cáo sẽ đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS, từ đó có thể được Tòa án xem xét quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đang được áp dụng.
Ngoài ra, tại trang 9 của Bản án sơ thẩm, Tòa án ghi nhận “bị cáo đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác” và coi đây là căn cứ để áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo (tình tiết giảm nhẹ khác).
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, trong trường hợp bị cáo được tặng thưởng một trong các danh hiệu hoặc hình thức khen thưởng, như: Huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo, hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị, hoặc nhiều năm liên tục được công nhận là chiến sĩ thi đua, thì tham khảo Mục 6.2.1.20 Sổ tay thẩm phán 2024, HĐXX phải ghi nhận tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác” được quy định tại điểm v khoản 1 Điều 51 BLHS.
Khi đó, kết hợp với tình tiết “tự nguyện khắc phục hậu quả” theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS mà tòa đã áp dụng, bị cáo sẽ đủ điều kiện để áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để tòa án xem xét quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đang được áp dụng.
Cần chứng minh ý chí chiếm đoạt
Ông Tâm bị cấp sơ thẩm kết tội theo điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS với tình tiết phạm tội 2 lần trở lên.
Theo quy định của BLHS và Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30-12-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có thể tình tiết phạm tội 2 lần trở lên là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội từ 2 lần trở lên cùng một loại tội phạm, trong đó, mỗi lần đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu TNHS và chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS và nay các lần phạm tội này được đưa ra xét xử trong cùng một lần.
Luật sư Trần Minh Tín.
Hồ sơ vụ án thể hiện có 2 lần hoàn thành chi nhận tiền.
Lần 1 là vào ngày 29-12-2022 và lần 2 là vào ngày 15-3-2023. Mỗi lần đều đã thanh quyết toán chi xong, số hóa đơn quyết toán 2 lần riêng biệt cách thời gian khá xa và liên quan đến các đồ dùng dạy học khác ngày.
Mỗi quá trình thực hiện, quyết toán, chi xong lấy tiền trên mức 2 triệu là tội phạm đã hoàn thành, tức đã đủ cơ sở xác định phạm tội nhiều lần. Tuy nhiên, để đảm bảo xét xử khách quan và đúng pháp luật, cơ quan điều tra cần:
- Định giá giá trị thực tế của các sản phẩm do ông Tâm làm ra để xác định chính xác số tiền chiếm đoạt (nếu có).
- Làm rõ ý định chủ quan của ông Tâm để xác định yếu tố chiếm đoạt.
- Xem xét tính độc lập của hai hành vi và khả năng áp dụng tội danh khác nếu không đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản.
Vì giả sử, nếu không chứng minh có ý định chiếm đoạt tài sản, hành vi của ông Tâm có thể không đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản, sẽ làm vô hiệu hóa tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên”.
Luật sư TRẦN MINH TÍN, Đoàn Luật sư TP.HCM
YẾN CHÂU ghi
Định giá thế nào cho hợp lý?
Việc định giá phải tuân thủ các quy định pháp luật, trong đó có Nghị định 30/2018/NĐ-CP, Nghị định 97/2019 và các văn bản hướng dẫn về thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Để định giá hợp lý và chính xác hơn, cần xem xét một số yếu tố như:
Thứ nhất, chi phí nguyên vật liệu. Ông Tâm khai sử dụng “vật liệu vụn” để chế tác các sản phẩm. Do đó, cần xác minh cụ thể loại vật liệu, số lượng, và giá trị thực tế của chúng tại thời điểm năm học 2022-2023.
ThS Nguyễn Sơn Phước.
Nếu vật liệu là “vụn” (tức vật liệu tái sử dụng, phế liệu), giá trị có thể thấp hơn so với vật liệu mới. Tuy nhiên, cần có biên bản kiểm kê hoặc hóa đơn mua vật liệu (nếu có) để xác định chi phí thực tế. Nếu không có hóa đơn mua vật liệu, có thể tham khảo giá thị trường của các vật liệu tương tự tại thời điểm đó ở khu vực Cà Mau.
Thứ hai, chi phí lao động. Ông Tâm có tay nghề hàn, do đó công sức lao động của ông cũng cần được tính vào giá trị tài sản. Chi phí lao động có thể dựa trên mức thù lao trung bình của một thợ hàn tại địa phương trong năm 2022-2023.
Thứ ba, giá trị thị trường của sản phẩm. Các sản phẩm (kệ hồ sơ, kệ tivi, bàn ghế học sinh) đã được đưa vào sử dụng tại trường, tức là có giá trị sử dụng thực tế. Cần định giá các sản phẩm này dựa trên giá thị trường của các sản phẩm tương tự tại thời điểm 2022-2023.
Cấp sơ thẩm cho rằng tổng số tiền thanh toán qua hóa đơn khống là 17,9 triệu đồng (11 triệu + 3,45 triệu + 3,45 triệu). Phần chênh lệch (10,7 triệu đồng) được cho là số tiền ông Tâm chiếm đoạt. Nếu định giá cho thấy giá trị thực tế của các sản phẩm (vật liệu + lao động) xấp xỉ hoặc cao hơn 17,9 triệu đồng, thì không có thiệt hại, và hành vi của ông Tâm chỉ là vi phạm thủ tục tài chính, không phải tham ô.
Nếu chỉ định giá dựa trên chi phí nguyên vật liệu mà ông Tâm đã mua (có thể rất thấp vì sử dụng vật liệu vụn) và bỏ qua các yếu tố khác thì chưa hợp lý. Hơn nữa, ông Tâm đã bỏ công sức, kỹ năng hàn để tạo ra các sản phẩm có giá trị sử dụng thực tế, phục vụ lợi ích công, không gây thiệt hại cho nhà trường. Nếu không tính đến công sức lao động của ông Tâm là không công bằng.
ThS NGUYỄN SƠN PHƯỚC, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II
NGUYỄN CHÍNH ghi
Luật sư ĐẶNG KIM CHINH, Đoàn Luật sư TP.HCM