Hỏa pháo súng thần công bắn "lạc" vào khán giả ở Huế, tối 3-5
Theo báo cáo, chương trình bắn hỏa pháo súng thần công do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, thuê Công ty Việt Giang thực hiện. Loại pháo được sử dụng là “Giàn rồng lửa chữ Z màu vàng sẫm hoặc đỏ F30”, thuộc nhóm “Ống hỏa thuật”, do Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 sản xuất. Đây là loại pháo không thuộc nhóm pháo nổ, pháo hoa.
Tuy nhiên, trong quá trình bắn thử nghiệm tại Kỳ đài Huế, một số quả pháo đã bay lệch hướng, đang trong trạng thái cháy đỏ rực và rơi xuống khu vực đông người ở phía Phu Văn Lâu. Sự cố khiến khán giả, trong đó có nhiều trẻ em, hoảng hốt bỏ chạy trong làn khói và tiếng nổ, tạo nên tình huống hỗn loạn và tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng về an toàn.
Sở Văn hóa và Thể thao TP Huế đánh giá: “Sự kiện tưởng chừng mang tính tôn vinh truyền thống này đã biến thành một tình huống nguy hiểm, gây hoảng loạn cho người dân và du khách".
Hỏa pháo súng thần công bắn "lạc" vào khán giả ở Huế, tối 3-5.
Từ sự việc này, Sở đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương rà soát toàn bộ quy trình tổ chức chương trình, từ chuẩn bị kỹ thuật đến phương án phân luồng khán giả. Các đơn vị phối hợp tổ chức cần đảm bảo cán bộ, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, nắm vững quy trình an toàn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trước khi triển khai.
Đáng chú ý, văn bản nêu rõ: “Không thể tiếp tục vận hành các hoạt động lớn bằng tư duy ‘vừa làm, vừa rút kinh nghiệm’".
Đồng thời, đơn vị tổ chức phải cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc và đặc tính kỹ thuật của loại hỏa pháo sử dụng trong chương trình để phục vụ công tác xác minh của Công an TP Huế.
Hoạt động bắn pháo mô phỏng súng thần công được Trung tâm khởi động trở lại từ ngày 26-4, dự kiến tổ chức định kỳ vào 19 giờ 15 phút thứ bảy hàng tuần. Chương trình sử dụng loại pháo mới được giới thiệu là thân thiện với môi trường, không khói bụi, nhằm tạo điểm nhấn cho không gian văn hóa cố đô.
Tuy nhiên, chỉ trong lần tổ chức thứ hai, vào tối 3-5, đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khi pháo vượt Hộ Thành Hào và rơi xuống khu vực Phu Văn Lâu – nơi tập trung đông người.
Rất may, vụ việc không gây thương tích. Song hình ảnh người dân tháo chạy khỏi khu vực nguy hiểm đã tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều cơ quan báo chí, trong đó có Báo SGGP, đã phản ánh kịp thời vụ việc. Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VH-TT-DL) cũng đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và xử lý theo thẩm quyền.
Doanh nghiệp nhận sai vì dùng ống hỏa thuật cũ gây sự cố
Ngày 10-5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, tại buổi làm việc với đại diện các phòng ban của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, Công an TP Huế và Công ty TNHH Việt Giang – đơn vị phụ trách kỹ thuật chương trình, phía công ty đã có báo cáo giải trình liên quan đến sự cố hiệu ứng hỏa thuật thần công xảy ra trước đó.
Theo giải trình, sự cố xuất phát từ việc hiệu ứng hỏa thuật không đạt yêu cầu kỹ thuật do công ty chưa kịp thực hiện kế hoạch đặt mua vật tư chuyên dụng Z21. Thay vào đó, nhân viên kỹ thuật đã tự ý sử dụng 58 ống hỏa thuật "rồng lửa" còn sót lại từ Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Các ống này đã bị thấm nước, hết hạn sử dụng, và không đảm bảo chất lượng do quá trình lắp đặt gặp thời tiết mưa gió.
Ngoài ra, sự cố còn xảy ra do sơ suất trong lắp đặt: hướng bắn của hỏa thuật bị đặt ngang mặt đất thay vì hướng lên, khiến hiệu ứng bị lệch và bắn về phía khán giả.
VĂN THẮNG