Vụ lùm xùm kẹo rau củ Kera (sản phẩm bị tố chứa hơn 33% Sorbitol- chất nhuận tràng, thay vì chất xơ như quảng cáo), đã khiến Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cùng một số người liên quan bị khởi tố. Một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội từng bảo vệ sản phẩm này nhanh chóng xóa bài, lên tiếng đính chính, xin lỗi. Trong khi đó, thái độ của TikToker có tên Dược sĩ Tiến lại khiến dư luận băn khoăn: "Liệu người này có đang thách thức dư luận lẫn luật pháp?"
Thông tin sai lệch vẫn được lan truyền
Dược Sĩ Tiến, với nền tảng là cử nhân Đại học Y Dược Cần Thơ, từng xây dựng hình ảnh một TikToker có kiến thức, chuyên chia sẻ thông tin y khoa dễ hiểu. Đáng chú ý, từ ngày 7-3 đến 13-3, người này đăng tải nhiều video phân tích và bảo vệ kẹo Kera.
Điển hình, video đăng tải ngày 7-3, người này nói về kẹo Kera như sau: "Đây là một sản phẩm đơn thuần bổ sung các loại chất xơ, các loại bột rau… cái quý của các loại bột này là làm từ rau tươi".
Trong các số video khác, người này nói hiện tượng tiêu chảy sau khi dùng kẹo Kera là do Inulin – một loại chất xơ hòa tan và cho rằng vấn đề chỉ nằm ở cách quảng cáo sai lệch của Công ty Chị Em Rọt (CER Group), chứ sản phẩm không có hại.
TikToker có tên "Dược sĩ Tiến" đăng bài về kẹo Kera
Ngày 6-4, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã bị bắt tạm giam. Cơ quan chức năng công bố kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm có thành phần chính là Sorbitol chứ không phải Inulin. Trong bối cảnh này, nhiều TikToker từng bênh vực kẹo Kera đã xóa video và thừa nhận sai lầm.
Ngược lại, Dược Sĩ Tiến đăng vài dòng ngắn gọn trên TikTok, với đại ý: "Ai sai, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". Các video gây tranh cãi, bao gồm đoạn video bảo vệ kẹo Kera đăng ngày 7-3 càng nhanh chóng đạt lượt tiếp cận "khủng", đến hơn 1,5 triệu lượt xem. Cho đến nay (7-4), các video này vẫn nằm nguyên trên kênh của anh, không kèm lời xin lỗi hay giải thích rõ ràng.
Dư luận phẫn nộ vì nguy cơ "biến sai thành đúng"
Với hơn nửa triệu người theo dõi trên TikTok, các video của Dược Sĩ Tiến có sức ảnh hưởng đáng kể. Điều này khiến dư luận dấy lên lo ngại rằng các video này có thể sẽ tiếp tục định hình nhận thức của người xem, đặc biệt là những người chưa nắm rõ thông tin về vụ lùm xùm kẹo Kera rằng đây là sản phẩm an toàn hoặc có lợi như quảng cáo ban đầu.
Thậm chí, dù sản phẩm đã bị phanh phui nhưng các video này vẫn có thể góp phần duy trì sự tò mò hoặc nhu cầu mua sắm từ một bộ phận người tiêu dùng chưa cập nhật thông tin mới. Hoặc người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghĩ rằng sản phẩm đã được "minh oan" bởi một người có kiến thức?
Cộng đồng mạng không giấu nổi bức xúc. Các bình luận dưới video của Dược Sĩ Tiến tràn ngập yêu cầu gỡ nội dung sai lệch, thậm chí kêu gọi tẩy chay.
Nhiều người đặt câu hỏi, sự thách thức của người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội này là vô tình hay cố ý?
Trần Thái