Vụ khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái): Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng

Vụ khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm tại mỏ Yên Phú (Yên Bái): Gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng
8 giờ trướcBài gốc
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm vụ án cấp phép, khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang xét xử sơ thẩm 27 bị cáo trong vụ cấp phép, khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương (Công ty Thái Dương) và các đơn vị liên quan.
Có 7 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Trong đó, có cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT (cũ) Nguyễn Linh Ngọc; Nguyễn Văn Thuấn, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Lê Duy Phương, cựu chuyên viên Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp và Lê Công Tiến, cựu Giám đốc và cựu Phó giám đốc Sở TN&MT Yên Bái; Bùi Đoàn Như, cựu Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Yên Bái).
Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương bị đưa ra xét xử về 3 tội danh: “vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “gây ô nhiễm môi trường”.
Liên quan tới vụ án cấp phép, khai thác, tiêu thụ trái phép đất hiếm, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan, đối tượng Lưu Đức Hoa (quốc tịch Trung Quốc) được xác định đã mua 2.160.347 kg quặng đất hiếm có hàm lượng 14 - 17% từ Đoàn Văn Huấn, rồi trộn hóa chất nhiệt luyện, thủy luyện, tạo thành hỗn hợp oxalate chứa tinh quặng đất hiếm để che giấu cơ quan chức năng khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, đối tượng này đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, do đó, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra.
Bị cáo Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty Thái Dương bị đưa ra xét xử về 2 tội: “vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam bị truy tố về tội “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo Đỗ Hạnh Hương, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam; Phạm Xuân Hậu, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam; Nguyễn Thanh Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần Thương binh Trường Sơn; Trần Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Dương Liễu Logistics bị đưa ra xét xử về tội “buôn lậu”.
Các bị cáo Đặng Trần Chí, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hợp Thành Phát; Trương Thị Hiển, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam; Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Anh Sơn Phú Thọ; Đoàn Hải Nam, Trưởng phòng vật tư Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương; Đỗ Khánh Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH Atexim… bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Liu Yu (Lưu Vũ, quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Huyhuang bị đưa ra xét xử về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Một số bị cáo khác trong vụ án bị đưa ra xét xử về các tội buôn lậu; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Cựu thứ trưởng thừa nhận sai phạm
Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định, vụ án khởi nguồn từ tháng 5/2011, sau khi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận được hồ sơ xin cấp phép khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của Công ty Thái Dương.
Thời điểm này, Công ty Thái Dương lập và được phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng đất hiếm, được ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép khai thác, với đánh giá hồ sơ đã đủ điều kiện.
Sau khi Luật Khoáng sản (năm 2010) có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2011, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép trên phạm vi cả nước; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo chủ đầu tư lập dự án chế biến sâu đất hiếm để được thẩm định.
Ngày 9/1/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó yêu cầu khai thác khoáng sản nhất thiết phải gắn với chế biến sâu.
Do đó, Công ty Thái Dương phải thay đổi cả về quy mô và tính chất của Dự án so với ban đầu. Dự án mới phải bao gồm 3 dự án không thể tách rời, gồm: Dự án Khai thác, tuyển quặng; Nhà máy Thủy luyện Yên Bái và Nhà máy Chiết tách Hải Phòng.
Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp này chỉ có giấy chứng nhận đầu tư Dự án Khai thác, tuyển quặng cũ (đã hết hạn, chưa được gia hạn hoặc cấp mới); không có chứng nhận đầu tư của 2 nhà máy mới cần bổ sung. Không những thế, vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương cũng không đảm bảo tỷ lệ bằng 30% tổng vốn đầu tư của Dự án (chỉ có 200 tỷ đồng, trong tổng mức đầu tư 1.953 tỷ đồng), vi phạm quy định của Luật Khoáng sản (năm 2010).
Quá trình thẩm định, với vai trò là Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Nguyễn Linh Ngọc và các cấp dưới biết rõ hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp phép, song vẫn thực hiện các quy trình đề xuất, ký duyệt cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương. Các sai phạm này là tiền đề để từ năm 2019 đến năm 2023, Đoàn Văn Huấn và các bị cáo tại Công ty Thái Dương tổ chức khai thác quặng đất hiếm, quặng sắt sai quy định.
Khai báo tại tòa, bị cáo Nguyễn Linh Ngọc thừa nhận trách nhiệm cá nhân và nói rằng, việc ký giấy phép dựa trên tờ trình, biên bản thẩm định kèm theo và được thực hiện trong bối cảnh chính sách định hướng rõ ràng về khai thác gắn với chế biến sâu.
Tiêu thụ quặng đất hiếm trái phép, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng
Tháng 6/2013, Công ty Thái Dương chính thức được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản, để khai thác đất hiếm bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).
Theo quy định, trước khi khai thác, doanh nghiệp phải chấp hành quy định của Luật Khoáng sản (năm 2010), giấy phép và các quy định có liên quan. Cùng với đó, quặng đất hiếm phải chế biến thành oxit đất hiếm riêng rẽ có độ sạch 99,9%, để cung cấp trong nước và xuất khẩu; còn quặng sắt để cung cấp cho các cơ sở luyện gang thép trong nước.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến năm 2023, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Dương, Đoàn Văn Huấn đã chỉ đạo Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc; Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc điều hành mỏ và các nhân viên tiến hành khai thác trái phép khi chưa đủ điều kiện.
Cơ quan tố tụng xác định, doanh nghiệp này không lập thiết kế mỏ và nộp cho Sở TN&MT Yên Bái, nên chưa đủ điều kiện xây dựng, khai thác mỏ, song vẫn tiến hành khai thác trái phép, vi phạm hàng loạt quy định pháp luật có liên quan.
Thêm vào đó, theo dự án khai thác đã được Bộ Công thương thẩm định năm 2013, Công ty Thái Dương sẽ hợp tác với các đối tác Sumitomo Corporation và Shin - Etsu Chemical Co.,Ltd để xây dựng nhà máy chế biến sâu đất hiếm. Song, Đoàn Văn Huấn lại hợp tác với Liu Yu (Lưu Vũ, quốc tịch Trung Quốc) để xây dựng nhà máy thủy luyện.
Hoạt động này không đảm bảo điều kiện chế biến sâu, mà chỉ sơ chế quặng đất hiếm, tạo ra sản phẩm là tổng oxit đất hiếm có độ sạch 18 - 20%, không thể chế biến, chiết tách tinh chế để tạo ra các oxit đất hiếm riêng rẽ có độ sạch 99,9% như điều kiện được nêu trong giấy phép khai thác, vi phạm Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Không những thế, sau khi sơ chế quặng đất hiếm, doanh nghiệp này đã tiêu thụ tinh quặng đất hiếm trái phép; còn quặng sắt cũng được bán cho doanh nghiệp thương mại, không phải là các cơ sở tinh luyện trong nước theo quy định.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty Thái Dương đã tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú với tổng giá trị gần 865 tỷ đồng, qua đó tiêu thụ trái phép, thu lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng. Quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu giữ số quặng đất hiếm và quặng sắt còn tồn, chưa được tiêu thụ trị giá hơn 128 tỷ đồng.
Trình bày trước Hội đồng Xét xử về các hành vi vi phạm của mình, bị cáo Đoàn Văn Huấn thừa nhận, thực tế Dự án khai thác phải hợp tác với đối tác Nhật Bản để xây dựng nhà máy chế biến sâu. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy phép, bị cáo lại tự ý hợp tác với Liu Yu để xây dựng nhà máy thủy luyện, không đảm bảo điều kiện chế biến sâu như điều kiện được nêu trong giấy phép.
Bị cáo Huấn cho rằng, bản thân không “chạy giấy phép”, hay tác động đến cá nhân nào để thúc đẩy quá trình cấp phép, bởi thời điểm những năm 2010, không ai biết đất hiếm là gì, cũng không ai quan tâm đến đất hiếm. “Bị cáo xây dựng từng nhà máy theo quy trình, từng giai đoạn chứ không xây dựng cùng lúc, bởi vì cần công đoạn nào thì mới xây dựng. Bị cáo có làm chứ không phải không làm”, Chủ tịch Công ty Thái Dương khai.
Cũng theo lời khai tại tòa, bị cáo Đoàn Văn Huấn cho rằng, sau khi khai thác được quặng đất hiếm và quặng sắt, bị cáo đã chế biến và bán cho một số đối tác trong nước. “Nhà nước quy định không xuất khẩu đất hiếm khi chưa đạt độ tinh chế 99,9%, chứ không cấm bán trong nước”, bị cáo Huấn nói.
Trước cáo buộc xả hàng trăm ngàn tấn thải thạch cao và bùn thải quặng đuôi từ quá trình thủy luyện quặng, gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Công ty Thái Dương cho rằng, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, do “đang làm thì bị bắt, chưa làm xong, chứ không phải không làm”.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Công ty Thái Dương thừa nhận toàn bộ sai phạm; đồng thời khẳng định, thời điểm nhận chỉ đạo của bị cáo Huấn, bản thân hoàn toàn nhận thức được việc đất hiếm chưa đủ điều kiện để bán.
Huệ Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/vu-khai-thac-tieu-thu-trai-phep-dat-hiem-tai-mo-yen-phu-yen-bai-gay-thiet-hai-cho-nha-nuoc-hon-736-ty-dong-d283354.html