'Vũ khí' của Mỹ - Trung trên chiến trường bán dẫn

'Vũ khí' của Mỹ - Trung trên chiến trường bán dẫn
một ngày trướcBài gốc
TS Phạm Sỹ Thành (nguyên Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR) chia sẻ tại ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.
Theo khảo sát của TS Phạm Sỹ Thành (nguyên Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR) và TS Nguyễn Tuệ Anh (chuyên gia chính sách công tại Anh), kể từ năm 2020, chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã ban hành hàng loạt chính sách liên quan đến việc phát triển vi mạch tích hợp và công nghệ bán dẫn. Điều này đã củng cố thêm nhận định của các chuyên gia rằng, “cuộc chiến” thế kỷ 21 giữa hai siêu cường này sẽ nhắm vào việc giành lấy quân bài tẩy - công nghệ bán dẫn.
Tại sự kiện ra mắt cuốn sách Chiến trường bán dẫn sáng ngày 29/10, các chuyên gia đã phân tích cuộc chạy đua này còn phức tạp hơn những gì được thể hiện ở bề nổi.
Nguồn lực của Trung Quốc nằm ở nội tại
Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ mạnh mẽ trong cuộc đua công nghệ bán dẫn, nhờ vào sự kết hợp giữa chính sách quốc gia và tài nguyên nội bộ. Một trong những nguồn lực quan trọng nhất của Trung Quốc là chính bộ máy tổ chức của họ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Trung Quốc đã chú trọng xây dựng các chính sách phát triển khoa học công nghệ từ năm 1956, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Nước này đã ban hành hơn 100 văn bản về phát triển công nghệ, trong đó lĩnh vực bán dẫn được xem là trọng tâm hàng đầu.
"Bộ máy tổ chức của Trung Quốc là một dạng nguồn lực vì nó phản ánh quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo trong việc thực thi mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bán dẫn”, TS Phạm Sỹ Thành nhận định.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc đã chuyển đổi tư duy từ việc phát triển công nghệ thuần dân sự sang mô hình kết hợp quân sự - dân sự tương tự như DARPA của Mỹ. Mô hình này đã giúp nhiều công ty bán dẫn Trung Quốc hưởng lợi từ nguồn tài trợ và thúc đẩy sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường mà còn cho quốc phòng.
Tác phẩm Chiến trường bán dẫn.
Ông Phạm Sỹ Thành nhận định: “Sự chuyển dịch từ mô hình dân sự sang mô hình kết hợp quân sự-dân sự là một bước ngoặt quan trọng để Trung Quốc có thể tiến xa hơn trong phát triển công nghệ bán dẫn,” theo đánh giá từ các chuyên gia.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tận dụng tối đa các chính sách về FDI, M&A và chuyển giao công nghệ để xây dựng hệ sinh thái công nghệ của mình. Trong đó, tập đoàn Huawei đóng vai trò quan trọng khi là đầu tàu điều phối toàn bộ chuỗi phát triển và thực thi chính sách bán dẫn.
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là trong việc phát triển thiết bị chế tạo bán dẫn (SME). Để vượt qua khó khăn này, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một chuỗi giá trị bán dẫn hoàn toàn nội địa, nhưng điều này vẫn là một thách thức lớn.
An ninh quốc gia là ưu tiên hàng đầu của Mỹ
Theo TS Nguyễn Tuệ Anh, từ những năm 1947, Mỹ đã chế tạo thành công transistor (một loại linh kiện bán dẫn) đầu tiên. Sự kiện này khẳng định vị thế tiên phong của Mỹ trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng thành tựu này không thể thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ Mỹ thông qua các ủy ban nghiên cứu trong thời chiến.
Nhiều thập kỷ trước, chính phủ Mỹ đã nhận thức rằng giải quyết vấn đề an ninh quốc phòng là ưu tiên hàng đầu và từ đó thúc đẩy các nhà nghiên cứu, đại học và khu vực tư nhân tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo, tạo nên một hệ sinh thái đổi mới bền vững.
Điều này thể hiện qua những chính sách của Mỹ trong việc thúc đẩy phát triển bán dẫn, với Đạo luật CHIPS được thông qua, chính phủ đã đầu tư hàng trăm tỷ đôla để kích thích sáng tạo và phát triển công nghệ bán dẫn cao cấp.
TS Nguyễn Tuệ Anh (ngồi ngoài cùng bên phải) chia sẻ về các chính sách của Mỹ để chạy đua công nghệ bán dẫn.
Tuy nhiên, người Mỹ không đặt mục tiêu đưa toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất chip vào trong nước, vì chi phí có thể lên tới 1.000 tỷ USD, đồng thời đẩy giá thành các sản phẩm điện tử lên đến 65%. Thay vào đó, Mỹ tập trung vào những công nghệ cao cấp phục vụ quốc phòng, đồng thời phân chia chuỗi sản xuất với các quốc gia khác, như Trung Quốc chịu trách nhiệm phân khúc công nghệ chip thấp hơn. Điều này nhằm bảo đảm Mỹ duy trì lợi thế trong các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo trong quân đội và các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe.
Đặc biệt, DARPA, cơ quan nổi tiếng với việc phát triển Internet và GPS, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược nghiên cứu và phát triển công nghệ cho quốc phòng. “DARPA đã hậu thuẫn rất nhiều cho Apple bởi những thành viên đầu não trong hãng từng là cố vấn cho tổ chức này. Đổi lại, chính phủ có thể tận dụng tốt hơn nguồn lực từ khối tư nhân”, TS Nguyễn Tuệ Anh cho biết.
Từ phân tích của hai diễn giả, có thể thấy rằng, Mỹ và Trung đã chạy đua công nghệ bằng cách đưa ra rất nhiều chính sách. Cuộc chiến bán dẫn đang thực sự diễn ra trong lòng lãnh thổ của mỗi nước. Theo các chuyên gia, giữa bối cảnh biến động khó lường, các nước khác hoàn toàn có thể tạo nên sức đề kháng cho riêng mình bằng cách từng bước tham gia và chuỗi giá trị bán dẫn.
Đức Huy
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhung-toan-tinh-cua-my-trung-tren-chien-truong-ban-dan-post1507569.html