Nét mới đáng gờm của đội tuyển U-23 Việt Nam ở giải U-23 Đông Nam Á là khả năng tận dụng bóng bổng đang nổi lên như một vũ khí lợi hại, giúp thầy trò HLV Kim Sang-sik có thêm phương án tấn công hiệu quả ở những trận đấu khó khăn phía trước.
Bài đánh không chiến đa dạng
Điều dễ nhận thấy trong trận thắng mở màn của U-23 Việt Nam là lối chơi có phần chắc chắn, không quá vội vàng nhưng vẫn thể hiện được sự chủ động và bản lĩnh. Dù chưa bung hết bài vở, đội bóng áo đỏ vẫn ghi được ba bàn thắng, trong đó gồm hai pha lập công đến từ những tình huống cố định, cho thấy hiệu quả của các bài bóng bổng mà ban huấn luyện đã dày công rèn giũa trong thời gian qua.
Nguyễn Hiểu Minh là cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau trận đấu, không chỉ vì cú đúp bàn thắng mà còn bởi cách anh làm chủ khoảng không trong vòng cấm đối phương. Pha đánh đầu dũng mãnh sau quả phạt góc của Đình Bắc và cú sút quyết đoán ở bàn thứ ba cho thấy trung vệ của PVF-CAND vừa giỏi phòng ngự, vừa là mũi nhọn nguy hiểm trong các tình huống không chiến. Đây là điều mà bóng đá trẻ Việt Nam hiếm khi có được trong quá khứ.
Hiểu Minh (4) và đồng đội có chiến thắng đẹp ở trận ra quân để rộng đường vào bán kết. Ảnh: CCT.
Cần biết U-23 Việt Nam hiện sở hữu dàn cầu thủ có thể hình vượt trội so với mặt bằng chung trong khu vực. Có ít nhất tám cầu thủ trong đội hình cao từ 1m80 trở lên. Trong đó, thủ môn Trần Trung Kiên cao tới 1m91, các trung vệ như Lê Văn Hà, Hiểu Minh hay Lý Đức đều cao trên 1m82, cùng với những tiền vệ giàu thể lực như Lê Viktor hay Văn Trường. Đây là một lợi thế lớn, đặc biệt trong các giải trẻ nơi mà sự chênh lệch thể hình thường tạo ra khác biệt rõ rệt.
Bên cạnh đó, U-23 Việt Nam còn đang sở hữu những chân tạt bóng chất lượng. Thủ quân Khuất Văn Khang tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong vai trò nhạc trưởng, đặc biệt là trong các pha bóng chết. Hơn nữa, những quả tạt của Văn Khang luôn có độ xoáy và điểm rơi khó lường. Các chân sút Đình Bắc, Văn Trường, Thái Sơn hay Phi Hoàng cũng là những cầu thủ có khả năng tạo ra đột biến từ hai biên, góp phần giúp các bài bóng bổng của U-23 Việt Nam có thêm nhiều phương án triển khai.
Một điểm sáng khác là sự bài bản trong các pha dàn xếp phạt góc. Khác với hình ảnh “chạy loạn” thiếu tổ chức trước đây, U-23 Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang-sik đã bắt đầu hình thành các mô hình cố định rõ ràng. Từ việc phân vai người chạy cột gần, cột xa, đến vai trò “chim mồi” thu hút hậu vệ đối phương để tạo khoảng trống cho người dứt điểm, tất cả đều cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản.
HLV Kim Sang-sik an tâm với hàng công U-23 Việt Nam với những bài đánh đa dạng. Ảnh: CCT.
Những dấu hiệu tích cực kể trên cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam đang chuyển mình theo hướng hiện đại và thực dụng hơn. Tất nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng U-23 Lào không phải là đối thủ đủ mạnh để kiểm nghiệm toàn diện sức mạnh không chiến của U-23 Việt Nam. Đội bóng xứ Triệu voi có chiều cao hạn chế và phòng ngự bóng bổng còn khá lỏng lẻo.
Mở cửa vào bán kết
Những gì U-23 Việt Nam thể hiện là tiền đề quan trọng để phát triển lối chơi này trong các trận đấu khó hơn. Như trận đấu tiếp theo gặp U-23 Campuchia vào đêm 22-7 là một bài kiểm tra sát thực hơn. Đội bóng xứ Chùa tháp sở hữu thể hình khá tương đồng với U-23 Lào, nhưng lại có lối chơi nhanh, tổ chức tốt hơn và đặc biệt không ngại tranh chấp tay đôi. Điểm yếu cố hữu của họ vẫn là khả năng phòng ngự các tình huống cố định và bóng bổng.
Yếu huyệt của Campuchia lại là điểm mạnh của các học trò HLV Kim Sang-sik. Khi bế tắc, bài đánh không chiến là giải pháp chiến thuật hữu hiệu để U-23 Việt Nam giải quyết trận đấu. Trong các buổi tập gần đây, HLV Kim Sang-sik vẫn duy trì tần suất luyện bài không chiến khá đều đặn, bên cạnh các bài tập về kiểm soát bóng và tấn công nhanh, các tình huống phạt góc, đá phạt treo bóng được rèn giũa kỹ lưỡng.
Đội tuyển trẻ Việt Nam đặt mục tiêu vô địch Đông Nam Á làm bàn đạp tấn công vòng loại U-23 châu Á và SEA Games 33. Ảnh: CCT.
Ông thầy người Hàn Quốc không giấu tham vọng biến bóng bổng thành một mũi nhọn chiến lược, thay vì chỉ là giải pháp tình thế như trong các thế hệ trước. Ông hiểu rằng, trong một giải đấu ngắn ngày, nơi đối thủ thường chơi phòng ngự lùi sâu, việc tận dụng các tình huống cố định và bóng bổng chính là chìa khóa để mở ra thế trận.
Tuy nhiên, để không chiến thực sự trở thành vũ khí chủ lực, U-23 Việt Nam cần thêm thời gian để mài giũa sắc bén hơn. Việc phối hợp giữa cầu thủ tạt bóng và người dứt điểm phải đạt độ nhuần nhuyễn cao hơn. Các cầu thủ cần học cách “đánh hơi” khoảng trống và di chuyển một cách thông minh hơn.
U-23 Việt Nam khổ luyện để ngày càng tốt hơn. Ảnh: CCT.
Ngoài ra, U-23 Việt Nam cũng cần có sự đa dạng hơn trong các bài đá phạt, từ treo bổng đến phối hợp ngắn hay chuyền dài. Đặc biệt, trước các đối thủ mạnh hơn ở vòng knock out như Thái Lan hay Indonesia có thể hình và tổ chức phòng ngự tốt hơn nhiều, hiệu quả của bóng bổng sẽ phát huy nếu được tính toán tỉ mỉ, khai thác đúng thời điểm.
Việc đội tuyển U-23 Việt Nam bước đầu thành công với lối chơi không chiến là một dấu hiệu đáng khích lệ, giúp các tuyển thủ trẻ có thêm chiều sâu và sự linh hoạt trong cách tiếp cận trận đấu. Chỉ cần hòa Campuchia, thầy trò ông Kim mở cửa vào bán kết với ngôi nhất bảng B, nhưng U-23 Việt Nam cần làm nhiều hơn thế.
GIA HUY - NHƯ QUỲNH