Vũ khí tầm xa của Đức sẽ đến Ukraine cuối tháng 7 này

Vũ khí tầm xa của Đức sẽ đến Ukraine cuối tháng 7 này
7 giờ trướcBài gốc
Thiếu tướng Đức Christian Freuding tại một trung tâm huấn luyện quân sự được sử dụng để huấn luyện quân nhân Ukraine vào ngày 23/2/2024, gần Klietz, Đức. Ảnh: Getty Images
Ukraine sẽ bắt đầu nhận được hàng trăm hệ thống vũ khí tầm xa sản xuất nội địa Đức vào cuối tháng 7 theo một thỏa thuận do Berlin tài trợ. Thông tin này được Thiếu tướng Đức Christian Freuding phát biểu với kênh tin tức ZDF (Đức) vào ngày 11/7.
Vũ khí sẽ được cung cấp với "số lượng lên đến ba chữ số", ông Freuding nói, ám chỉ đến một thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng Ukraine và các nhà sản xuất vũ khí địa phương mà Berlin đã đồng ý tài trợ vào cuối tháng 5.
"Chúng tôi cần các hệ thống vũ khí có thể vươn xa đến tận lãnh thổ Nga - để tấn công các kho vũ khí, trung tâm chỉ huy, sân bay và máy bay", ông Freuding nói, đồng thời cho biết thêm rằng Đức "sẵn sàng cung cấp các hệ thống như vậy".
Vị tướng - người đang chỉ huy lực lượng chuyên trách vấn đề Ukraine tại Bộ Quốc phòng Đức - không nêu rõ Đức đang tài trợ loại hệ thống tầm xa nào.
Ukraine đang phát triển một số năng lực tầm xa, bao gồm tên lửa đạn đạo, thiết bị bay không người lái tầm xa và drone lai giữa UAV và tên lửa để tấn công sâu vào hậu phương Nga trong bối cảnh kho vũ khí tầm xa của phương Tây đang cạn kiệt.
Quân đội Ukraine trước đây đã nhận được tên lửa Storm Shadow/SCALP từ Anh và Pháp, cũng như tên lửa ATACMS từ Mỹ, nhưng cho đến nay Đức vẫn từ chối cung cấp tên lửa hành trình Taurus của họ.
Ông Freuding không xác nhận liệu Berlin có kế hoạch bật đèn xanh cho việc cung cấp tên lửa Taurus hay không khi được phóng viên hỏi.
Phát biểu tại Kiev, vị tướng Đức thừa nhận rằng tình hình chiến trường vẫn "căng thẳng về mặt quân sự", với việc lực lượng Nga nắm giữ thế chủ động trong "vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng", và gia tăng áp lực lên các thành phố lớn của Ukraine từ trên không.
Ông thừa nhận rằng Ukraine đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng trên chiến trường, lưu ý rằng Nga đang đạt được những bước tiến "nhỏ nhưng ổn định", buộc các đơn vị Ukraine phải rút lui về các tuyến phòng thủ sâu hơn. Trên bầu trời, tình hình đã "trở nên tồi tệ hơn trong những tuần gần đây", ông nói, trích dẫn một đêm duy nhất khi Kiev bị tấn công bằng hơn 700 máy bay không người lái và hàng chục tên lửa.
Tướng Freuding cũng cho biết Đức đang trong quá trình đàm phán với Mỹ về khả năng mua và chuyển giao một hoặc hai hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, mô tả các cuộc đàm phán là "đang diễn ra trong nhiều tuần ở tất cả các cấp".
Ukraine đã kêu gọi các đối tác hỗ trợ nước này tăng cường năng lực phòng không, trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công trên không quy mô lớn vào các thành phố của Ukraine, bao gồm cả những nơi xa tiền tuyến.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết hôm ngày 28/5 rằng Berlin sẽ hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất và mua sắm các hệ thống vũ khí tầm xa do Ukraine sản xuất.
Ông Merz đưa ra bình luận này trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Berlin, nơi ông cũng tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động vệ tinh Starlink tại Ukraine.
"Sẽ không có hạn chế nào đối với vũ khí tầm xa", ông Merz phát biểu vào thời điểm đó. "Ukraine sẽ có thể tự vệ hoàn toàn và tấn công các mục tiêu quân sự bên ngoài lãnh thổ Ukraine".
Thủ tướng Merz mô tả thỏa thuận trên là "sự khởi đầu của một hình thức hợp tác công nghiệp quân sự mới giữa hai nước".
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/vu-khi-tam-xa-cua-duc-se-den-ukraine-cuoi-thang-7-nay-20250712185434938.htm