Vũ khí tối mật của châu Âu nhằm đáp trả đòn thuế quan của Mỹ

Vũ khí tối mật của châu Âu nhằm đáp trả đòn thuế quan của Mỹ
42 phút trướcBài gốc
"Công cụ chống cưỡng chế"
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể áp mức thuế nhập khẩu lên tới 30% đối với hàng hóa châu Âu, một số quốc gia thành viên EU đang nghiêm túc xem xét khả năng viện dẫn "Công cụ chống cưỡng chế" (Anti-Coercion Instrument – ACI). Đây là cơ chế được thiết kế nhằm bảo vệ khối khỏi những hành động cưỡng ép về kinh tế từ các đối tác bên ngoài.
ACI cho phép EU áp dụng nhiều biện pháp vượt ra ngoài phạm vi thương mại truyền thống, nhằm đối phó với các hành động gây sức ép từ nước thứ ba. Điều này có thể bao gồm thuế mới đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, hạn chế đầu tư từ Mỹ vào EU, hoặc cấm các công ty Mỹ tham gia đấu thầu hợp đồng công ở châu Âu.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, ACI được coi là một công cụ mang tính “răn đe nhiều hơn là trả đũa”. Việc chỉ cần đe dọa sử dụng ACI cũng đủ khiến các quốc gia phải cân nhắc kỹ trước khi biến thương mại thành vũ khí trong các tranh chấp chính trị.
Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất về ACI vào năm 2021, sau một loạt "lời cảnh tỉnh" – trong đó có chính sách thương mại đối đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu và đặc biệt là vụ Trung Quốc phong tỏa thương mại đối với Lithuania do quốc gia này tăng cường quan hệ với Đài Loan. Những sự kiện đó cho thấy sự dễ tổn thương của EU trước các chiến thuật cưỡng chế kinh tế.
ACI ra đời như một phần trong chiến lược "Tự chủ chiến lược mở" của EU, cho phép khối hành động độc lập trong các lĩnh vực chiến lược quan trọng, trong khi vẫn ưu tiên hợp tác đa phương khi điều kiện cho phép.
Việc sử dụng ACI cần được sự đồng thuận theo hình thức biểu quyết đa số đủ điều kiện: ít nhất 55% quốc gia thành viên (tương đương 15/27 nước), đại diện cho 65% dân số toàn khối. Điều này trao quyền ảnh hưởng lớn cho các nước đầu tàu như Pháp và Đức.
Đầu tiên, EC sẽ mở cuộc điều tra để xác định liệu hành động của nước ngoài có mang tính cưỡng ép hay không. Nếu có, họ sẽ trình đề xuất lên Hội đồng châu Âu. Cơ quan này có tối đa 10 tuần để thông qua hoặc bác bỏ đề xuất.
Đó là hành động sử dụng các công cụ thương mại như thuế quan, hạn ngạch, hoặc biện pháp chống bán phá giá nhằm gây thiệt hại cho một đối tác thương mại vì những lý do nằm ngoài phạm vi các quy tắc thương mại quốc tế. Thay vì điều chỉnh các mất cân bằng thương mại thực sự, cưỡng ép thương mại thường được sử dụng như đòn bẩy trong các tranh chấp chính trị rộng lớn hơn.
Pháp – nền kinh tế lớn thứ hai EU, đang thúc đẩy ý tưởng kích hoạt ACI nếu không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót 1/8, và nếu Trump thực sự áp thuế toàn diện 30%. Tuy nhiên, phản ứng của phía Mỹ cũng không kém phần quyết liệt. Trump cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm vào lợi ích Mỹ sẽ dẫn đến các biện pháp đáp trả cứng rắn hơn – điều này có thể đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một vòng xoáy đối đầu sâu rộng.
Những người ủng hộ ACI trích dẫn tiền lệ gần đây trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 5/2025, khi cả hai bên suýt vượt qua lằn ranh nhưng sau cùng đã rút lui, như một ví dụ cho thấy công cụ răn đe hiệu quả có thể ngăn chặn leo thang.
Thời gian để kích hoạt ACI có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào mức độ ủng hộ trong nội bộ EU. Việc thuyết phục các quốc gia còn do dự là một bước quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về việc làm trầm trọng thêm mâu thuẫn xuyên Đại Tây Dương.
Ngoài ACI, EU đang chuẩn bị một loạt biện pháp trả đũa bổ sung nếu các cuộc đàm phán thất bại. Trong đó đáng chú ý là gói “thuế quan tái cân bằng” nhắm vào khoảng 72 tỷ euro hàng hóa Mỹ, bao gồm máy bay Boeing, ô tô và rượu bourbon. Gói này đã sẵn sàng được triển khai nếu Washington thực sự đánh thuế EU.
Những mặt hàng nào của EU sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp thuế?
Dù đề xuất thuế quan trả đũa mới nhất của Liên minh châu Âu nhắm mạnh vào các mặt hàng như máy bay, ô tô và thiết bị y tế, các ngành chăm sóc sức khỏe, giao thông và nông sản–thực phẩm vẫn giành được một số thắng lợi trong quá trình vận động hành lang.
Sau khi đã đạt đồng thuận về gói thuế đầu tiên, được cho là gây ảnh hưởng tới khoảng 21 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và dự kiến có hiệu lực từ ngày 6/8, EU tiếp tục đàm phán nhiều tháng qua để hoàn thiện danh sách thuế quan trả đũa thứ hai.
Theo Politico, danh sách mới sẽ tác động đến khoảng 72 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ – thấp hơn đáng kể so với đề xuất ban đầu hồi tháng 5/2025 (ước tính lên tới 95 tỷ euro). Các cuộc vận động hành lang diễn ra gay gắt, khi các đại diện ngành và quốc gia tìm cách loại trừ những mặt hàng thiết yếu khỏi danh sách áp thuế.
Theo kế hoạch mới nhất, phần lớn thiệt hại sẽ rơi vào hàng hóa công nghiệp với gần 66 tỷ euro bị ảnh hưởng. Khoảng 6 tỷ euro còn lại đến từ các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.
Máy bay là mặt hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất, với hơn 10 tỷ euro hàng hóa có nguy cơ bị đánh thuế. Xe chở khách và thiết bị y tế cũng nằm trong nhóm ba sản phẩm chịu tác động nặng nề nhất.
Một số mặt hàng từng nằm trong danh sách trừng phạt ban đầu đã được loại khỏi danh sách mới. Trong số đó có thuốc thử chẩn đoán y tế, tua-bin khí, cũng như nhiều thiết bị chăm sóc sức khỏe như máy chụp X-quang, chỉ khâu phẫu thuật, vật liệu tách mô, xe lăn và xe tay ga cho người khuyết tật.
Trong lĩnh vực nông sản, hạt đậu nành từng nằm trong diện chịu thuế cũng không còn xuất hiện trong danh sách cập nhật.
Dù không hoàn toàn tránh khỏi việc bị áp thuế, một số mặt hàng công nghệ chủ chốt đã được gỡ bỏ, như máy tính (thiết bị xử lý dữ liệu) và các loại máy móc phục vụ sản xuất chất bán dẫn – hai lĩnh vực được xem là sống còn đối với chuỗi cung ứng châu Âu.
Với thời hạn chốt thỏa thuận ngày 1/8 đang đến gần và lời đe dọa mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức thuế bổ sung 30%, các doanh nghiệp châu Âu còn phụ thuộc vào những sản phẩm vẫn nằm trong danh sách phải gấp rút lên kế hoạch ứng phó, hoặc hy vọng vào một đột phá trong đàm phán vào phút chót.
Diệp Thảo/VOV.VN Theo Politico, Reuters
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vu-khi-toi-mat-cua-chau-au-nham-dap-tra-don-thue-quan-cua-my-post1217029.vov