Vụ khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ: Những viên đạn bắn vào tiến trình hòa giải

Vụ khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ: Những viên đạn bắn vào tiến trình hòa giải
3 giờ trướcBài gốc
PKK nhận trách nhiệm về vụ khủng bố
Hai chiến binh mang theo súng tiểu liên tự động và thuốc nổ đã tấn công một cơ sở của Công ty Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) hôm 23/10, giết chết 5 người và làm bị thương 22 người khác trong vụ việc mà chính phủ gọi là một cuộc tấn công khủng bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và ông Devlet Bahceli - lãnh đạo đảng MHP, người đề xuất ý tưởng trả tự do cho ông Ocalan nếu thủ lĩnh người Kurd này giải tán PKK. Ảnh: Times of Israel.
Những hình ảnh đăng tải bởi truyền thông địa phương cho thấy, một vụ nổ lớn xảy ra trong khuôn viên khu phức hợp của TAI tại ngoại ô thủ đô Ankara, kèm theo đó là những tiếng súng chát chúa khi các phần tử khủng bố chống trả lực lượng an ninh. Hãng tin Reuters còn chia sẻ hình ảnh ghi được từ camera CCTV cho thấy, hai kẻ tấn công cầm súng tiểu liên và đeo theo ba lô thuốc nổ tiến qua cổng tòa nhà, phía xa là một thi thể nằm bất động trên mặt đất.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết cả hai phần tử khủng bố, một nam và một nữ, đều bị tiêu diệt tại chỗ, đồng thời tiết lộ rằng những người này đã nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ qua ngả Syria. Một nguồn tin từ tờ Washington Post cho hay, hai tay súng kể trên đã đến hiện trường trên một chiếc taxi mà chúng cướp được bằng cách giết chết tài xế.
Ông Ali Yerlikaya nói thêm, người phụ nữ đã tự sát bằng cách kích hoạt một thiết bị nổ sau khi bị thương trong một cuộc đấu súng ở lối vào khu phức hợp của TAI. Tay súng nam thì ném lựu đạn vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ khi bị bao vây, rồi sau đó cũng tự kích nổ bom đeo trên người trong phòng vệ sinh của một tòa nhà vì nhận ra rằng không có lối thoát.
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa khu vực xảy ra vụ khủng bố tại ngoại ô thủ đô Ankara hôm 23/10. Ảnh: France24.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức chính trị bị Ankara đặt ra ngoài vòng pháp luật, đã thực hiện vụ tấn công. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ vì thế lập tức tiến hành một loạt cuộc không kích vào các địa điểm và cơ sở bị nghi ngờ thuộc về PKK ở vùng biên giới với Iraq và Syria. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Yasar Guler, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công 29 mục tiêu của PKK ở miền Bắc Iraq và 18 mục tiêu ở miền Bắc Syria. Báo cáo từ các đơn vị cho biết, 59 chiến binh, bao gồm hai người được cho là “cấp cao”, đã bị “vô hiệu hóa”, một thuật ngữ thường được dùng để chỉ những người bị giết.
Trong khi đó, một viên chức an ninh Iraq nói với Washington Post rằng máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích vào các địa điểm thuộc về PKK và các lực lượng trung thành với tổ chức này ở quận Sinjar, miền bắc Iraq. Những cuộc ném bom dữ dội này nhắm vào các đường hầm, trụ sở và những địa điểm quân sự của PKK cũng như nơi đóng quân của “Đơn vị Bảo vệ Sinjar” bên trong khu vực Núi Sinjar.
Sau những cuộc oanh tạc dữ dội của Thổ Nhĩ Kỳ, đến ngày 25/10, PKK cũng chính thức đứng ra nhận trách nhiệm. Tuyên bố từ nhánh quân sự của PKK cho biết vụ tấn công nhằm vào cơ sở của TAI tại ngoại ô Ankara được thực hiện bởi hai thành viên “Tiểu đoàn bất tử” để đáp những hành động mà PKK mô tả là “cuộc thảm sát” của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực người Kurd. PKK nói thêm, họ nhắm mục tiêu vào TAI vì vũ khí mà công ty này sản xuất đã giết chết “hàng nghìn” người Kurd, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Những tiếng súng phá hỏng nỗ lực hòa giải
Vụ tấn công khủng bố tại Ankara xảy ra đúng vào thời điểm ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy có thể tìm ra con đường đối thoại mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn bốn thập kỷ giữa PKK và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng xã hội giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd đã là một vấn đề trong nhiều thập kỷ. Người Kurd đòi hỏi nhiều quyền văn hóa và chính trị hơn từ chính quyền trung ương, trong khi Ankara thường coi những yêu cầu như vậy là mối đe dọa đối với sự ổn định và toàn vẹn của quốc gia.
Người thân của một nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố hôm 23/10 đau xót trong lễ tang. Ảnh: DW.
Người Kurd chiếm khoảng 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Dù họ sống trên khắp đất nước, nhưng cộng đồng lớn nhất tập trung ở phía đông nam. Các nhóm người Kurd cũng sống ở các quốc gia lân cận là Syria, Iraq và Iran. Ở Iraq, người Kurd nắm giữ địa vị bán tự trị tại Khu tự trị Kurdistan, trong khi ở đông bắc Syria, một số khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd thống trị.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hai lực lượng chính trị chính đại diện cho lợi ích của người Kurd là đảng Dân chủ và Bình đẳng Nhân dân, hay DEM - đảng lớn thứ ba trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - và PKK. Nếu đảng DEM cam kết giải pháp chính trị hòa bình thì PKK đã tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Ankara kể từ năm 1984. Hàng chục ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của tổ chức này và trong các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại các cộng đồng nơi PKK hoạt động.
Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều quốc gia khác coi PKK là một tổ chức khủng bố. Người sáng lập PKK, Ocalan đã bị lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ tại Kenya vào năm 1999. Cùng năm đó, ông bị kết án tử hình vì tội phản quốc. Tuy nhiên, trước khi bản án được thi hành, Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình và vào năm 2002, mức án của Ocalan được chuyển thành tù chung thân.
Ankara trước đây đã tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với PKK nhằm chấm dứt tình trạng xung đột vũ trang, nhưng tiến triển rất ít. Tuy nhiên, tuần trước, một trong những đồng minh chính trị quan trọng nhất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã gợi ý rằng thủ lĩnh PKK, Abdullah Ocalan, có thể được trả tự do và đến phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông từ bỏ cuộc nổi dậy và giải tán PKK.
Ông Devlet Bahceli - lãnh đạo đảng Phong trào Dân tộc (MHP), đã đưa ra đề xuất bất ngờ kể trên trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp hôm thứ Ba (22/10) sau những đồn đoán gần đây của giới truyền thông về nỗ lực mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột mà Ocalan phát động cách đây 40 năm. Đáp lại, Ocalan - người đang thụ án chung thân trên một hòn đảo nhà tù ngoài khơi Istanbul, cũng cho biết trong một thông điệp được cháu trai của ông truyền đạt vào thứ Năm (24/10) rằng ông đã sẵn sàng hợp tác vì hòa bình. Nhưng giờ đây, sự hợp tác ấy đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau vụ khủng bố tại Ankara.
Lặp lại những gì xảy ra năm 2015?
Trao đổi với tạp chí Politico, một một số nhà bình luận am hiểu về Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ tấn công khủng bố hôm 23/10 sẽ làm phức tạp đáng kể những động thái của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các đồng minh đối với người Kurd.
Những chiến binh PKK diễu hành với ảnh của thủ lĩnh Ocalan, người đang thụ án tù chung thân tại một hòn đảo ngoài khơi Istanbul. Ảnh: DW.
Chỉ một ngày sau vụ việc, Tổng thống Erdogan đã trở về từ thành phố Kazan của Nga, nơi ông đến để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, và triệu tập một cuộc họp an ninh tại Istanbul. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan, Bộ trưởng Quốc phòng Yasar Guler, Bộ trưởng Nội vụ Ali Yerlikaya, Tổng tham mưu trưởng Quân đội, Tướng Metin Gurak và Giám đốc Tổ chức Tình báo Quốc gia (MIT) Ibrahim Kalin. Giám đốc truyền thông của Tổng thống Fahrettin Altun, Chủ tịch ngành công nghiệp Quốc phòng của Tổng thống (SSB) Haluk Gorgun, cố vấn của Tổng thống về chính sách đối ngoại và an ninh Akif Cagatay Kilic và người phát ngôn của đảng AK Omer Celik cũng có mặt. Tại đây, các quan chức đều nhắc lại quyết tâm chống khủng bố và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép thành lập một “nhà nước khủng bố” trong phạm vi biên giới của mình.
Chưa rõ cuộc họp khẩn của ông Erdogan có dẫn tới một sự đổi hướng của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người Kurd hay không. Nhưng nhìn lại hơn 4 thập kỷ qua, các nhà quan sát lo ngại rằng, tình hình lần này có thể lặp lại những gì từng diễn ra năm 2015.
Trong giai đoạn 2012-2015, Thủ tướng Erdogan coi ông Ocalan là chìa khóa cho những nỗ lực chấm dứt cuộc giao tranh với các chiến binh người Kurd. Cuối năm 2012, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc đàm phán bí mật với thủ lĩnh người Kurd này về lệnh ngừng bắn. Và rồi, từ phòng giam của mình, ông Ocalan bắt đầu gửi đi những tín hiệu hòa giải.
Những bức ảnh trên truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ gửi đi từ nhà tù cho thấy một người đàn ông tóc muối tiêu, có ria mép và đang mỉm cười hiền lành, trái ngược hẳn với những bức ảnh trước đây của ông Ocalan trong bộ đồ chiến binh, tay lăm lăm khẩu súng trường. “Cuộc đấu tranh kéo dài 40 năm của chúng tôi, vốn đầy đau thương, không hề uổng phí nhưng đồng thời cũng trở nên không bền vững”, ông Ocalan phát biểu trong một tuyên bố gửi tới đám đông tụ tập tại ngày lễ đón chào năm mới của người Kurd vào tháng 3/2015.
Nhưng cuộc đàm phán đó là những gì gần nhất mà các bên đạt được để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Bốn tháng sau, tiến trình hòa giải sụp đổ, với vụ đánh bom Suruc do một nhóm chiến binh cực đoan có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện ngày 20/7/2015 khiến 32 nhà hoạt động trẻ người Kurd thiệt mạng. Một ngày sau, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cánh quân sự của PKK đã giết chết một binh sĩ nước này và bắn trọng thương hai binh sĩ khác ở thành phố Adyaman để trả thù cho Suruc và những gì PKK nói là “sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với IS”.
Kể từ đó, cuộc xung đột lại bước vào giai đoạn dữ dội hơn, khi chiến sự tàn phá các đô thị của người Kurd ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và những vụ khủng bố đáp trả của PKK đôi khi xảy ra ngay tại trung tâm của các thành phố lớn nhất đất nước. Vòng xoáy bạo lực ấy giờ đây đang được tiếp sức bởi những tiếng súng tại Ankara, khi cây cầu hòa giải mong manh mới được tạo ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK, đối diện nguy cơ đổ sụp.
Quang Anh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/vu-khung-bo-tai-tho-nhi-ky-nhung-vien-dan-ban-vao-tien-trinh-hoa-giai-i748730/