Giữa thảm kịch ấy, lòng nhân ái đã trở thành điểm sáng sưởi ấm trái tim bao người. Nhiều ngư dân am hiểu luồng lạch đã tình nguyện cùng lực lượng cứu nạn, cứu hộ tham gia tìm kiếm người mất tích, bất chấp hiểm nguy. Nhiều nhà hàng, khách sạn tại Hạ Long và Bãi Cháy kêu gọi nhau cung cấp bữa ăn, chỗ ở miễn phí cho người nhà nạn nhân và lực lượng chức năng…
Việt Nam - với bờ biển dài hơn 3.200 km và hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ - sở hữu tiềm năng phát triển kinh tế biển vô cùng to lớn. Trong đó, du lịch biển là một ngành mũi nhọn, đóng góp ngày càng lớn vào GDP quốc gia. Thế nhưng, "mặt trái" của lợi thế này là chúng ta phải thường xuyên đối mặt với thiên tai, từ bão, áp thấp nhiệt đới đến giông lốc bất thường.
Chỉ cần một chút bất cẩn trong khâu dự báo, truyền tin hoặc quy trình ứng phó là chúng ta có thể đánh đổi thiệt hại về sinh mạng, tài sản, uy tín và cả tương lai của ngành du lịch biển Việt Nam. Thiên tai không đợi ai, dự báo cũng không thể chậm trễ.
Thực tế hiện nay cho thấy hệ thống cảnh báo khí tượng - thủy văn của chúng ta còn thiếu tính cập nhật theo thời gian thực, thiếu sự phân vùng rủi ro cụ thể theo địa lý và theo loại hình tàu thuyền. Điều này không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề quản trị rủi ro. Dự báo khí tượng không chỉ phải "đúng" mà còn phải "đúng lúc, đúng nơi và đúng đối tượng", đặc biệt là đối với ngành du lịch biển - nơi mỗi sơ suất đều có thể phải trả giá đắt bằng sinh mạng con người và tài sản.
Từ thực tiễn vận hành hơn 100.000 chuyến tàu du lịch trên các vịnh Hạ Long, Lan Hạ, Nha Trang, Phú Quốc suốt 20 năm qua, chúng tôi nhận thấy một nghịch lý: Công nghệ thông tin đang tiến rất nhanh nhưng khả năng ứng dụng nó để cảnh báo thiên tai một cách hiệu quả lại quá chậm. Bản tin thời tiết thường được phát theo khung giờ định kỳ, nội dung nhiều khi chung chung, không phân biệt giữa vùng biển ven bờ và vùng vịnh kín, giữa tàu đánh bắt xa bờ và du thuyền vỏ gỗ chuyên chở du khách...
Vì vậy, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái dự báo khí tượng - không chỉ là một bản tin. Chúng ta cần thay đổi tư duy: Không chỉ cảnh báo cho ngư dân, mà phải cảnh báo cho tất cả những ai sinh sống và làm việc trên biển. Cũng không thể đánh đồng rủi ro, không thể có một tiêu chuẩn chung cho tất cả tàu thuyền. Một chiếc tàu cá vỏ gỗ, một tàu chở khách và một du thuyền vỏ thép 5 sao - mỗi loại có cấu trúc, khả năng chịu sóng, thiết kế phao cứu sinh và thiết bị an toàn khác nhau.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp - Môi trường nên xây dựng ngưỡng cảnh báo riêng cho từng loại tàu thuyền (dựa theo chiều dài, trọng tải, vật liệu đóng, mục đích sử dụng…), từ đó quyết định cho phép phương tiện hoạt động hay không vào thời điểm hay khu vực cụ thể, một cách rõ ràng, minh bạch...
Chúng ta không thể làm thay đổi thiên tai, song chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với nó. Trong bối cảnh Việt Nam phải thường xuyên đối mặt nhiều cơn bão hằng năm, trước mắt là bão số 3 đang ảnh hưởng đến nước ta, việc này càng trở nên cấp thiết.
TS PHẠM HÀ - Chủ tịch LuxGroup