Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: Doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến bồi thường hơn 14 tỉ đồng

Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: Doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến bồi thường hơn 14 tỉ đồng
8 giờ trướcBài gốc
Tổng số tiền bảo hiểm liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 dự kiến khoảng 14,27 tỷ đồng
Căn cứ báo cáo nhanh từ các doanh nghiệp bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) báo cáo lãnh đạo Bộ về tình hình thiệt hại, bồi thường và chi trả bảo hiểm liên quan đến vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Quảng Ninh.
Theo đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết cập nhật tới 11 giờ ngày 22/7, tổng số tiền bảo hiểm liên quan đến thiệt hại về người và của do lật tàu Vịnh Xanh 58 dự kiến khoảng 14,27 tỷ đồng.
Thứ nhất, đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm dự kiến khoảng 4,2 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: (i) bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách và bảo hiểm tai nạn thuyền viên do Bảo Long triển khai, với số tiền bồi thường dự kiến là 1,2 tỷ đồng, (ii) 2 tỷ đồng tiền bồi thường đến từ bảo hiểm tai nạn hành khách do Bảo Việt đồng bảo hiểm cùng PTI, MIC và BSH và (iii) Bảo hiểm tín dụng do Công ty AAA triển khai với số tiền bồi thường dự kiến là 1 tỷ đồng.
Thứ hai, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng số tiền bảo hiểm chi trả dự kiến là 10,07 tỷ đồng, trong đó Generali là công ty dự kiến có mức chi trả lớn nhất lên tới 4,2 tỷ đồng, 3,02 tỷ tiền bồi thường đến từ Manulife, Bảo Việt chi trả khoảng 2 tỷ đồng. Cuối cùng là Dai-ichi, Prudential và AIA với mức chi trả lần lượt là 0,7 tỷ đồng, 0,1 tỷ đồng và 0,05 tỷ đồng.
Tổng số tiền bồi thường, trả bảo hiểm dự kiến trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 khoảng 14,27 tỷ đồng bao gồm 4,2 tỷ đồng đến từ bảo hiểm phi nhân thọ và 10,07 tỷ đồng đến từ bảo hiểm nhân thọ.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Theo đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên hệ với gia đình người bị thiệt hại để tiến hành bồi thường và trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, dựa theo thông tin từ các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay, nạn nhân và gia đình nạn nhân vẫn chưa thực hiện các thủ tục nhận quyền lợi bảo hiểm do đang trong quá trình điều trị thương tật, mai táng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn tiếp tục chủ động rà soát thông tin khách hàng và sẽ thực hiện ngay các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm nhằm đảm bảo việc bồi thường được nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết.
Liên quan vụ việc này, vào ngày 21/7, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ban hành công văn số 896/QLBH-PNT gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của tổ chức, các nhân tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, cần thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Đồng thời, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đề nghị Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Phương Linh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/vu-lat-tau-tren-vinh-ha-long-doanh-nghiep-bao-hiem-du-kien-boi-thuong-hon-14-ti-dong.htm