Lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Chuyến đi ngắn, khép lại nhiều mảnh đời
Vào khoảng 12 giờ 55 phút ngày 19/7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58, mang số hiệu QN-7105 rời bến với 49 người trên tàu, gồm 46 du khách và 3 thuyền viên. Con tàu đang thực hiện hành trình tham quan tuyến 2 trên vịnh Hạ Long, gồm các điểm đến nổi tiếng như, hang Sửng Sốt và đảo Ti Tốp. Đây là con tàu vỏ gỗ, đóng mới năm 2015, đã được đăng kiểm và cấp phép hoạt động du lịch, hạn kiểm định còn hiệu lực đến ngày 4/2/2026.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 35 phút sau khi xuất bến, vào lúc 13 giờ 30 phút cùng ngày, khi tàu đến khu vực phía đông hang Đầu Gỗ, cách đất liền khoảng gần 3 hải lý (hơn 5 km), một cơn dông lốc mạnh bất ngờ nổi lên kèm theo sấm sét và mưa đá. Chỉ trong vài giây, con tàu Vịnh Xanh 58 đã bị xô nghiêng, lật úp, nhấn chìm toàn bộ hành khách và thuyền viên xuống biển. Con tàu mất tín hiệu định vị (GPS) vào lúc 14 giờ 5 phút, đánh dấu thời điểm xảy ra tai nạn thảm khốc. Số ít hành khách may mắn nhảy xuống biển hoặc tìm lối bơi được ra bên ngoài tàu, còn lại bị mắc kẹt trong cabin hoặc khoang máy, cũng có người kiệt sức bị sóng biển nhấn chìm.
Nhận được thông tin về vụ tai nạn, tỉnh Quảng Ninh khẩn trương kích hoạt báo động đỏ, huy động tối đa lực lượng và phương tiện triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. Gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện, gồm tàu thuyền và thợ lặn chuyên nghiệp được huy động để chạy đua với thời gian, tìm kiếm các nạn nhân xuyên đêm.
Khoảng 30 thợ lặn từ các lực lượng như Cấp cứu mỏ - TKV, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã tham gia công tác tìm kiếm dưới nước, nơi tầm nhìn gần như bằng không trong điều kiện nước biển đục ngầu và nhiều vật dụng lẫn lộn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh đã có mặt tại hiện trường ngay trong tối 19/7, trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ.
Tính đến sáng 20/7, công tác tìm kiếm đã ghi nhận 10 người sống sót. Đáng tiếc, 35 thi thể nạn nhân tử vong đã được tìm thấy, hoàn tất thủ tục pháp y và bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng. Tàu Vịnh Xanh 58 được trục vớt và lai dắt về bờ phục vụ công tác điều tra trong sáng 20/7. Đến trưa 21/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân là bé trai, nâng tổng số người tử vong lên 36 và số người mất tích còn lại là 3.
Bên cạnh công tác cứu hộ, cơ quan chức năng, cộng đồng nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ người bị nạn và gia đình của họ. Tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Sun Group, các cơ sở lưu trú kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần, hỗ trợ phần nào vật chất cho các gia đình có người bị nạn. Các bệnh viện địa phương, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh đã kích hoạt báo động đỏ, huy động toàn bộ y bác sĩ cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân ngay trong đêm. Tất cả chi phí điều trị được miễn phí.
Câu chuyện kỳ diệu giữa lằn ranh sinh tử
Tàu Vịnh Xanh đã được bơm hết nước trong khoang ra ngoài và lai dắt về khu vực nhà máy đóng tàu Hạ Long chờ xử lý.
Trong số những người may mắn sống sót sau vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, những câu chuyện về sự kiên cường và lòng dũng cảm đã mang lại niềm hy vọng giữa đau thương.
Anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1989, trú tại phường Phú Diễn, Hà Nội) là một trong những nạn nhân may mắn sống sót. Anh Tuấn đi du lịch Hạ Long cùng nhóm bạn 12 người. Khi tàu Vịnh Xanh 58 bất ngờ lật úp chỉ trong vài giây, anh Tuấn đã nỗ lực tìm cách thoát ra khỏi con tàu đang chìm. Sau khi vật lộn với sóng dữ và leo lên đuôi thân tàu, anh không ngần ngại quay lại cùng những người khác cố gắng cứu giúp người bị nạn. Anh Tuấn kể lại khoảnh khắc kinh hoàng đó và nỗi đau khi không thể cứu sống được một số người dù đã cố gắng hết sức.
Hay anh Đinh Đức Hiệp (sinh năm 1995), tại khu Hà Trung 4 (phường Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh) may mắn thoát nạn, cứu được mẹ ruột và 3 người khác đi cùng.
Một câu chuyện khác đầy cảm động là của cháu Hoàng Nhật Minh (sinh năm 2015, Hà Nội) - nạn nhân cuối cùng thoát ra khỏi tàu và giành giật lại được sự sống với tử thần.
Cháu Minh đi du lịch cùng gia đình. Khi tàu bị lật, cháu được bố hỗ trợ tìm đến được khoang có không khí và sống sót nhưng đáng tiếc bố, mẹ, em gái của Minh đã không qua khỏi.
Câu chuyện của cháu Minh là minh chứng cho bản năng sinh tồn mạnh mẽ của con người. Những lời kể chân thực từ các nạn nhân sống sót không chỉ giúp tái hiện lại diễn biến vụ tai nạn mà còn là lời nhắc nhở về sự mong manh giữa lằn ranh sinh tử trước hiểm họa bất ngờ của thiên nhiên.
Nâng cao kỹ năng an toàn và ứng phó thiên tai
Lan can của tàu Vịnh Xanh 58, mã hiệu QN 48-7105 có đoạn bị cong, gãy.
Trước thảm họa thiên nhiên mọi thứ đều trở nên nhỏ bé, khó lường. Vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 là sự cố không ai mong muốn. Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh đắt giá, đặt ra nhiều vấn đề cần được nhìn nhận và giải quyết một cách nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho du khách trên vịnh Hạ Long nói riêng, các khu du lịch biển nói chung.
Mặc dù tàu Vịnh Xanh 58 đã được đăng kiểm và cấp phép hoạt động nhưng vụ tai nạn vẫn xảy ra do tình huống bất ngờ và tốc độ dông lốc quá mạnh khiến thuyền viên không kịp phản ứng. Điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu các quy định an toàn hiện hành có đủ chặt chẽ để đối phó với những diễn biến thời tiết cực đoan, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng gia tăng. Cơ quan chuyên môn cần rà soát, đánh giá lại quy định về an toàn hàng hải, bao gồm tiêu chuẩn về khả năng chống chịu thời tiết của tàu, quy trình kiểm soát việc xuất bến trong điều kiện thời tiết xấu và năng lực ứng phó của thuyền viên.
Vụ tai nạn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức và kỹ năng thoát hiểm cho du khách ở các tình huống cụ thể khi đi du lịch bằng tàu biển.
Hiệp hội Tàu du lịch, các đơn vị lữ hành và chủ tàu cần tăng cường thêm những buổi hướng dẫn an toàn đến thuyền viên, nâng cao kỹ năng ứng phó thiên tai, tình huống bất ngờ phát sinh. Cần đưa thành những bài hướng dẫn bắt buộc cho du khách các kỹ năng sử dụng áo phao, vị trí lối thoát hiểm và kỹ năng cơ bản giữ an toàn ở từng hoàn cảnh cụ thể trong trường hợp khẩn cấp.
Liên quan đến công tác ứng phó và cứu nạn, mặc dù tỉnh Quảng Ninh triển khai nhanh chóng, quy mô lớn song việc có tới 36 người tử vong, 3 người mất tích đến thời điểm hiện tại cho thấy những thách thức lớn trong công tác cứu nạn. Nên chăng cần tiếp tục đầu tư vào trang thiết bị cứu hộ hiện đại, nâng cao kỹ năng và khả năng phối hợp của các lực lượng cứu nạn. Ngoài ra, việc duy trì hệ thống thông tin liên lạc hiệu quả giữa các tàu và cơ quan quản lý cũng là yếu tố then chốt để có thể ứng phó kịp thời khi có sự cố.
Có thể nói, vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 là “vết sẹo” trên bức tranh du lịch vịnh Hạ Long nhưng đồng thời cũng là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự cần thiết của việc đặt an toàn lên hàng đầu. Chỉ khi những bài học đắt giá này được ghi nhớ và chuyển hóa thành hành động cụ thể, chúng ta mới có thể đảm bảo những chuyến đi trên vịnh di sản luôn là những trải nghiệm an toàn và đáng nhớ.
Bài và ảnh: Thanh Vân (TTXVN)