Vụ NSƯT Vũ Linh: Cách tính công sức đóng góp phải thể hiện sự công bằng

Vụ NSƯT Vũ Linh: Cách tính công sức đóng góp phải thể hiện sự công bằng
4 giờ trướcBài gốc
Vấn đề về cách tính công sức đóng góp cho em gái của cố NSƯT Vũ Linh trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế mà TAND TP.HCM vừa tuyên án chiều 7-1 tiếp tục nhận về nhiều ý kiến bình luận, phân tích của giới luật sư (LS). Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu các ý kiến này.
Tôn trọng công sức của người có đóng góp
Khi tuyên án, HĐXX sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến tại phiên tòa, cũng như toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, áp dụng các quy định pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của đương sự trong vụ án.
LS Phạm Thị Ngọc Thương, Đoàn LS TP.HCM
Đối với các tranh chấp liên quan đến vấn đề thừa kế thì khi tư vấn cho khách hàng, LS luôn cố gắng để làm sao phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng nhưng cũng không làm mất đi tình thân, tình người.
Hiện nay pháp luật chưa quy định chi tiết về tỉ lệ chia di sản thừa kế cho người có công sức đóng góp, quản lý, trông coi di sản nhưng theo quy định tại Điều 6 BLDS 2015 thì tòa án có quyền xem xét phân chia dựa trên lẽ công bằng, Án lệ 05/2016/AL; đồng thời tòa sẽ xem xét, đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cũng như diễn biến tại phiên tòa để đưa ra phán quyết thấu tình đạt lý và đúng pháp luật.
Việc phân chia tài sản luôn là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt trong gia đình. Việc tòa chia 15% giá trị khối di sản cho em gái cố NSƯT Vũ Linh được xem là một cách công nhận những đóng góp của bà trong việc chăm sóc NSƯT Vũ Linh và gia đình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Đây là một cách thể hiện sự công bằng, tôn trọng công sức của người có đóng góp.
Đây là vụ tranh chấp di sản phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Công chúng có nhiều ý kiến khác nhau về quyết định của tòa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi vụ việc đều có những đặc thù riêng; việc đánh giá một vụ việc cụ thể cần dựa trên những thông tin chi tiết về vụ việc đó. Phán quyết của tòa khi đã có hiệu lực phải được các bên tôn trọng, chấp hành.
Xem xét dựa trên công sức, thời gian và mức độ đóng góp
Trong các vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế, để giải quyết một cách thấu tình đạt lý thì cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xem về hiện trạng, quá trình biến đổi, nguồn gốc và thực trạng của từng loại di sản, công sức của người duy trì phát triển tài sản là di sản; công sức của người chăm sóc người để lại di sản...
LS Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn LS TP.HCM
Trong vụ án này, em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh được chứng minh là người trực tiếp chăm sóc ông trong những năm cuối đời và đồng hành trong việc quản lý, giữ gìn khối tài sản. Do đó, việc tòa tuyên cho bà hưởng 15% giá trị di sản là để ghi nhận công sức đóng góp này.
Theo Điều 658 BLDS 2015 về thứ tự ưu tiên thanh toán thì việc chia di sản có tính đến chi phí cho việc bảo quản di sản.
Khi xét xử, tòa căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, lời khai của các bên để đưa ra phán quyết. Hiện BLDS không có quy định cụ thể về mức chia, cách chia đối với người có đóng góp công sức, gìn giữ di sản.
Việc tòa chia 15% giá trị khối di sản cho em gái cố NSƯT Vũ Linh được xem là một cách công nhận những đóng góp của bà trong việc chăm sóc gia đình, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, việc quyết định mức phần trăm cụ thể cần dựa trên các yếu tố: Công sức đóng góp thực tế của người yêu cầu vào khối di sản, thời gian và mức độ đóng góp, khối tài sản chung được bảo quản... Tòa án có thể xem xét các yếu tố này để đưa ra một mức phần trăm hợp lý, không quá thấp nhưng cũng không quá cao, nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên.
Trong trường hợp này, 15% được xem là mức độ vừa phải để ghi nhận công sức của người em gái nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi của người con nuôi.
Vai trò quan trọng trong việc tạo lập khối di sản
“Công sức đóng góp tạo lập tài sản” là công lao, sức lực của một người đã bỏ ra trong một giai đoạn, một thời gian cụ thể đã kết tinh, góp phần trong việc tạo lập, tôn tạo, duy trì, phát triển tài sản.
LS Vũ Quốc Toản, Đoàn LS TP.HCM
Em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh không thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhưng có nhiều công sức trong việc quán xuyến chuyện nhà, phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con gái nuôi cho anh trai; đồng thời trông coi, giữ gìn, duy trì, bảo quản tài sản cho ông từ khi tài sản được tạo lập.
Chính sự có mặt và vun vén của người em gái trong gia đình mà NSƯT Vũ Linh lúc sinh thời có thể tập trung mọi thời gian, toàn tâm, toàn ý với công việc biểu diễn, lao động nghệ thuật, chăm lo kiếm tiền, tạo lập tài sản. Những năm cuối đời, NSƯT Vũ Linh đã đưa em gái và cháu gái về sống chung nhà để có người cùng chia sẻ, động viên, chăm sóc khi mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau.
Vì vậy, HĐXX tuy không chấp nhận yêu cầu về việc được hưởng toàn bộ di sản nhưng đã xem xét đến công sức đóng góp của bà trong việc tạo lập tài sản của cố NSƯT Vũ Linh là hợp tình, hợp lý.
Có thể ban hành một án lệ mới
Mặc dù BLDS không quy định vấn đề này nhưng tòa án có thể căn cứ Án lệ 05/2016/AL về tính công sức đóng góp, căn cứ lẽ công bằng khi quyết định một vấn đề mà pháp luật chưa quy định cụ thể để ra phán quyết. Một bản án có tính nhân văn, thuyết phục được các bên tham gia đồng tình, nhiều người khác ủng hộ thì nội dung bản án đó có thể được đề xuất để tạo nên một án lệ mới.
LS Nguyễn Văn Hồng
Theo dõi nội dung, diễn biến vụ việc, tôi ủng hộ quan điểm của HĐXX khi quyết định chia một phần di sản của anh trai để lại cho em gái căn cứ vào quá trình đóng góp của bà để giữ gìn khối di sản của cố NSƯT Vũ Linh để lại.
Nhận định của tòa khi cho người em gái được hưởng 15% giá trị khối di sản
Trong khối tài sản ông Ngoan tạo lập phải tính đến công sức của em gái ông (bà Võ Thị Hồng Nhung). Từ năm 1973, ông Ngoan đã là diễn viên sân khấu và đi lưu diễn khắp nơi, tạo nên sự nghiệp, danh tiếng và tài chánh. Bà Nhung ở với mẹ, phụng dưỡng, chăm sóc mẹ già để ông Ngoan có thời gian tập trung lo sự nghiệp.
HĐXX vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Năm 1987, khi ông Ngoan nhận nuôi con nuôi cũng là giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của ông. Trong hồ sơ cá nhân xét tặng danh hiệu NSƯT ngày 10-12-1994 thì những năm 1989, 1990, 1991, ông Ngoan đã đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp, được tặng thưởng nhiều giải thưởng, huy chương danh giá, đánh dấu vị trí của ông trong ngành sân khấu chuyên nghiệp của Việt Nam, là bước ngoặt nền tảng để tạo nên tên tuổi của một nghệ sĩ lớn, từ đó tăng thu nhập, ổn định tài chánh.
Như vậy, thời gian này, khi ông Ngoan tập trung phát triển sự nghiệp thì việc chăm sóc mẹ già, nuôi dạy con gái nuôi của ông có công sức đóng góp không nhỏ của em gái ông.
Khi ông Ngoan bệnh, ông Ngoan đã lựa chọn bà Nhung và con gái bà về nhà chung sống để bầu bạn và chăm sóc ông; khi ông mất bà Loan (người con nuôi) thừa nhận thời điểm đó bà chỉ góp số tiền nhỏ, không đủ để trang trải mọi việc; bà Nhung đã cùng nhiều người tổ chức sắp xếp mọi việc ma chay cho ông Ngoan đủ hình thức của một đám tang trang trọng.
Mặc dù số tiền để lo tang sự có thể từ tiền phúng viếng, tiền quyên góp nhưng tiền không phải là tất cả ở thời điểm đó; mà trên hết là tình yêu thương của mọi người dành cho ông, là sự mất mát của những người thân yêu của ông, là sự mong muốn ông có một đám tang đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất như chính vai diễn của ông đã để lại cho cuộc đời.
Do đó, bất cứ ai có hành vi khích bác, cổ vũ, xúi giục người khác đặt vấn đề tiền bạc trong ma chay, gây ồn ào trong dư luận, ảnh hưởng đến danh dự gia đình của ông Ngoan, phủ nhận công sức của người em gái ông là chỉ biết nghĩ đến vật chất, không tôn trọng giá trị tinh thần, giá trị truyền thống là không thể chấp nhận. Do đó, xét công sức và hoàn cảnh hiện nay của bà Nhung, HĐXX tính bằng 15% tổng giá trị di sản của ông Ngoan.
TRẦN LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/vu-nsut-vu-linh-cach-tinh-cong-suc-dong-gop-phai-the-hien-su-cong-bang-post829464.html