Vụ nữ sinh tử vong ở Vĩnh Long: Hai biên bản hiện trường có 'bất thường'?

Vụ nữ sinh tử vong ở Vĩnh Long: Hai biên bản hiện trường có 'bất thường'?
6 giờ trướcBài gốc
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông ngày 4-9-2024 tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long làm cháu N.N.B.Tr (14 tuổi) tử vong, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Duy, Đoàn Luật sư TP HCM. Luật sư Duy là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình cháu Tr.
Luật sư Nguyễn Duy, Đoàn Luật sư TP HCM
- Phóng viên: Theo hồ sơ vụ tai nạn giao thông thì có 2 biên bản khám nghiệm hiện trường là ngày 4-9-2024 và ngày 23-9-2024. Luật có cho phép điều này hay không thưa ông?
+ Luật sư Nguyễn Duy: Việc lập bao nhiêu biên bản khám nghiệm hiện trường thì luật không cấm. Nếu họ nhận thấy biên bản lập lần đầu chưa đầy đủ, chưa phản ánh đúng hiện thực khách quan của vụ việc thì có thể tiến hành khám nghiệm hiện trường tiếp, mục đích để hoàn thiện, miễn sao đầy đủ và phản ánh đúng hiện thực khách quan.
- Xin luật sư cho biết thêm, 2 biên bản khám nghiệm hiện trường trong vụ tai nạn nêu trên có gì khác nhau không?
+ Biên bản ngày 23-9-2024 về cơ bản là giống với biên bản ngày 4-9-2024, nhưng có khác là biên bản ngày 4-9-2024 không có chiếc xe ô tô đậu bên đường. Sau này công an cho rằng có chiếc xe đó nên họ mới lập biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 23-9-2024 để đưa thêm chiếc ô tô đậu bên đường vào, để chứng minh rằng chiếc xe này là chướng ngại vật mà chiếc xe tải gây tai nạn vượt qua. Việc đưa vào như vậy là bình thường.
- Như vậy, 2 biên bản khám nghiệm hiện trường còn điểm nào khác nhau nữa không?
+ Sơ đồ hiện trường (kèm theo biên bản hiện trường) ngày 4-9-2024 vẽ đuôi xe tải gây tai nạn cách cột điện (cột mốc trong vụ tai nạn) khoảng 4,5 m, nhưng sơ đồ hiện trường ngày 23-9-2024 vẽ đuôi xe tải cách cột điện khoảng 7 m.
Lúc này, luật sư cùng gia đình có kiến nghị là làm rõ chỗ này, tại sao cột mốc không thay đổi nhưng vị trí xe gây tai nạn lại thay đổi nhưng các cơ quan "lơ" chỗ này. Ở cấp huyện (trước khi giải thể) thì họ không trả lời, còn cấp tỉnh bảo hoàn toàn không có cái này nhưng trong sơ đồ hiện trường lại thể hiện là có.
- Việc sai lệch như vậy làm thay đổi tính chất vụ tai nạn như thế nào?
+ Về nguyên tắc, trong tố tụng hình sự tất cả mọi biên bản lập phải phù hợp và đúng. Cái sai đầu tiên là lập 2 sơ đồ hiện trường không giống nhau, nhưng không giải thích được vì sao có sự khác nhau, không viện dẫn lý do nguyên nhân của sự thay đổi. Cái sai thứ hai, khoảng cách của xe tải gây tai nạn so với cột mốc trong 2 sơ đồ hiện trường có độ vênh nhất định khoảng 3 m.
Tôi chưa đề cập độ vênh này có ảnh hưởng như thế nào đến tai nạn chết người hay không nhưng rõ ràng kết hợp cùng nhiều yếu tố như: nhân chứng, người dân, các em học sinh đi cùng Tr… cho rằng việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường không đúng với vị trí thực tế lúc xảy ra tai nạn.
Chính lời khai của nhân chứng cùng sơ đồ hiện trường được lập có độ vênh thì sẽ tạo hoài nghi là liệu có tiêu cực nào không hay cố tình làm như vậy? Từ đó, chúng tôi đã đề nghị thực nghiệm điều tra, mô tả làm lại cho đúng với lời khai để cho chính xác nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện và VKSND huyện Trà Ôn không làm điều này. Từ đó, dấy lên bức xúc của người nhà.
Việc sai này nằm ở hoạt động tố tụng, chưa nói tới bản chất, nội dung của vụ án thì cái sai đó đã ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án rồi.
Ca Linh - Ngọc Trinh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/vu-nu-sinh-tu-vong-o-vinh-long-hai-bien-ban-hien-truong-co-bat-thuong-196250505112918031.htm