Mới đây, trong vụ "tài xế ô tô đâm 2 xe máy rồi rơi xuống sông làm 3 người tử vong", Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với ông Trần Hữu Ba.
Cơ quan chức năng cẩu chiếc xe trong vụ tai nạn từ dưới sông lên bờ.
Theo cơ quan điều tra, bước đầu xác định ông Trần Hữu Ba là người đã điều khiển xe ô tô BKS 37A-348.95 gây tai nạn.
Cụ thể, khoảng 16 giờ 30 phút ông Ba điều khiển ô tô biển kiểm soát 37A-348.95 chở anh S và anh TVT (35 tuổi, trú xã Vạn An) chạy trên Quốc lộ 46A theo hướng xã Kim Liên về xã Vạn An.
Khi đến đoạn lên cầu Thiên Đường (bắc qua sông Cụt) thì chiếc xe bất ngờ lao nhanh “như bay” rồi tông trúng hai xe máy (xe máy anh C và xe máy của một phụ nữ điều khiển), đâm gãy lan can cầu, rơi xuống sông Cụt.
Tài xế Ba và anh T kịp bung cửa thoát ra ngoài, bơi trên sông và được cứu sống. Còn anh S bị tử vong dưới sông. Cháu Q ngồi sau xe máy bị tông rơi xuống sông, tử vong. Anh C (chú ruột cháu Q) đã tử vong tại bệnh viện.
Hậu quả của vụ tai nạn là rất thương tâm, vậy trong trường hợp này, tài xế ô tô phải chịu trách nhiệm pháp lý đến đâu là thắc mắc của nhiều bạn đọc.
Trao đổi với PLO, luật sư Lê Doãn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Từ lời khai của tài xế, người đi đường, kiểm tra xe... mới xác định được yếu tố lỗi của tài xế. Tuy nhiên với tốc độ phóng nhanh như bay có thể người lái xe đã vi phạm về tốc độ theo quy định. Ngoài ra, cũng cần xem xét các yếu tố như người lái xe có sử dụng rượu bia hay chất kích thích hay không, có bằng lái hay chưa...
Về hậu quả, vụ tai nạn đã khiến 3 người tử vong. Theo điểm a khoản 3 Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, "làm chết 3 người trở lên" thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Vì vậy, tài xế ô tô có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 BLHS) với khung hình phạt nêu trên.
Cạnh đó, theo luật sư Tuấn, cũng cần làm rõ chiếc xe thuộc quyền sở hữu của ai để xem xét việc chủ sở hữu xe có giao xe cho người có đủ các điều kiện để điều khiển giao thông hay không (ví dụ như bằng lái). Nếu chủ sở hữu không phải là tài xế lái xe, biết và vẫn giao xe cho người điều khiển xe không đảm bảo các điều kiện lái xe theo quy định mà gây tai nạn chết người thì chủ sở hữu xe vẫn phải chịu trách nhiệm liên quan.
Cụ thể, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng
Điều 264 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
YẾN CHÂU