Vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa bột giả: Mua hàng rởm, niềm tin đổ vỡ, đòi tiền được không?

Vụ phát hiện 573 nhãn hiệu sữa bột giả: Mua hàng rởm, niềm tin đổ vỡ, đòi tiền được không?
13 giờ trướcBài gốc
Vấn nạn hàng giả vẫn còn nhức nhối
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm những mong có thể cải thiện sức khỏe, không ngờ lại “tiền mất, tật mang” khi mua phải hàng giả. Thậm chí, nhiều người còn sụp đổ niềm tin khi mua hàng theo sự quảng cáo của những người mà họ vốn ngưỡng mộ.
Mặc dù chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm khá nghiêm khắc, nhưng vấn nạn hàng giả kể trên vẫn luôn nhức nhối.
Mới đây nhất, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" mà các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Sản phẩm giả bị phát hiện. Ảnh: VTV
Các thành phần công bố trên bao bì là chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này trong sản phẩm và các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia…
Trước đó, CQĐT cũng bắt tạm giam Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs thành viên HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt), Nguyễn Thị Thái Hằng (còn gọi là Hằng Du Mục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Chị em rọt) cùng những người liên quan để điều tra hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Trước khi bị bắt, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục công bố, quảng bá, giới thiệu sản phẩm kẹo Kera với lời quảng cáo có chức năng tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng… Nhưng theo CQĐT, thực ra nhuận tràng lại chính là do chất Sorbitol… Các đối tượng cho chất Sorbitol chiếm tỷ lệ 30% trong thành phần và các chất phụ gia khác nhưng lại không công bố cho người tiêu dùng biết.
Phạm Quang Linh (còn gọi là Quang Linh Vlogs) bị bắt tạm giam. Ảnh: VTV
Trao đổi với PV VietNamNet, LS Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho hay, chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm rất nghiêm khắc bởi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có nguy cơ xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người dân- khách thể được nhà nước ưu tiên bảo vệ.
Người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể phải đối diện với mức hình phạt cao, lên tới 15 năm tù, theo quy định tại Điều 192 BLHS. Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm theo quy định tại Điều 193 BLHS, mức phạt tù có thể lên tới mức án chung thân.
Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo các Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 với mức phạt tiền cao nhất là 100 triệu đồng.
Theo LS Giang Hồng Thanh: “Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh tay hơn để xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Cơ quan có thẩm quyền cũng tiến hành xử lý những người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng có hành vi này. Điều đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của người dân. Hy vọng với các động thái quyết liệt của nhà nước, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ được kiểm soát để quyền lợi của người dân được đảm bảo”.
Mua phải hàng giả, đòi tiền được không?
Trao đổi với PV VietNamNet về việc Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group sản xuất kinh doanh 573 nhãn hiệu sữa bột bị xác định là giả, TS.LS Đặng Văn Cường cho rằng, đây là hành vi rất đáng lên án, bởi sữa bột là một sản phẩm đặc biệt của thực phẩm, rất cần thiết và là hy vọng cho những người sử dụng khi họ thường là trẻ em, người già và những người ốm đau.
Theo tiến sĩ, CQĐT sẽ mở rộng điều tra vụ án để xác định có hành vi lừa dối khách hàng hay không. Người nào biết rõ hàng là hàng giả, không đảm bảo chất lượng như đã công bố nhưng vẫn thổi phồng tác dụng, đưa ra những thông tin quảng cáo sai sự thật để lừa dối người tiêu dùng có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại điều 198 BLHS, với hình phạt có thể tới 5 năm tù.
Theo luật sư, tất cả những người mua phải sản phẩm là hàng giả có quyền yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh gian dối phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Những người đã từng mua các sản phẩm là hàng giả có quyền trình báo sự việc với CQĐT nhằm cung cấp thông tin, tài liệu để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, đồng thời xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Khách hàng có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại để cơ quan tố tụng xem xét giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án.
T.Nhung
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/mua-phai-hang-gia-niem-tin-do-vo-doi-tien-duoc-khong-2390574.html