Lực lượng chức năng kiểm tra các loại sữa trên thị trường. Ảnh: CT
Ngày 17/4, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết: Về việc rà soát công bố sản phẩm trong số gần 600 loại sữa giả mới bị phát hiện, từ năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma 67 hồ sơ công bố; Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group 4 hồ sơ công bố. Tổng là 71 sản phẩm, chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng.
Đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng khẳng định: Trong số các hồ sơ mà Chi cục tiếp nhận, không có hồ sơ nào có đối tượng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng, phụ nữ có thai… Có 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các tỉnh, thành khác.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các địa phương; trong đó có Hà Nội, rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.
Cục ATTP đề nghị, nếu các công ty có công bố sản phẩm tại địa phương, đề nghị cung cấp thông tin về số lượng sản phẩm công bố, tên từng sản phẩm công bố tại địa phương; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại địa phương và hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Theo kết quả điều tra trước đó, trong gần 600 loại sữa giả của Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty Dược quốc tế Rance Pharma, có nhiều sản phẩm được ghi nhãn là sản phẩm thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt như: Sữa Sure IQ Gludiabet, sữa Sure IQ sure gold, hay sản phẩm dinh dưỡng như Sữa Kid baby talacmum (cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi), IQ Grow Talacmum dành cho trẻ từ 1 - 15 tuổi, Gain Talacmum; thực phẩm bổ sung Talacmum for mum…
Tạ Nguyên/Báo Tin tức