Vụ rơi máy bay Air India: Bí ẩn xung quanh công tắc nhiên liệu

Vụ rơi máy bay Air India: Bí ẩn xung quanh công tắc nhiên liệu
4 giờ trướcBài gốc
Giả thuyết lỗi chip
Theo báo cáo sơ bộ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, chuyến bay AI171 của Air India đã gặp nạn vào tháng 6 do công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787‑8 Dreamliner bị gạt sang vị trí cutoff, khiến động cơ bị ngừng cung cấp nhiên liệu.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air India.
Trong đoạn ghi âm buồng lái, một phi công đã ngạc nhiên hỏi vì sao lại gạt công tắc nhưng phi công còn lại khẳng định không làm. Sau đó, máy bay đột ngột mất độ cao. Dù công tắc nhiên liệu lập tức được gạt trở lại nhưng không kịp để ngăn máy bay tiếp tục hạ độ cao.
Cuối cùng, máy bay chở 242 người đã rơi xuống ký túc xá của một trường cao đẳng y khoa, khiến 241 trong số 242 người trên khoang thiệt mạng. Hơn 30 người trên mặt đất cũng mất mạng.
Báo cáo phần nào hé lộ nguyên nhân khiến chiếc Boeing Dreamliner rơi ngay sau khi cất cánh nhưng lại đặt ra câu hỏi vì sao nhiên liệu bị cắt trong khi thiết kế của bộ điều khiển nhiên liệu vốn không cho phép xảy ra tình huống này?
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia hàng không thế giới cho rằng khả năng cao không phải do lỗi phi công.
Cựu phi công và chuyên gia hàng không Eshan Khalid nhận định, để di chuyển được các công tắc này, cần phải có hành động chủ ý. Thực tế, phi hành đoàn cũng nỗ lực gạt lại về chế độ "run" nhằm khôi phục dòng nhiên liệu.
Ông Marco Chan, cựu phi công kiêm giảng viên hàng không, cho rằng đoạn hội thoại trong buồng lái cho thấy không có dấu hiệu lỗi của phi công.
Hai phi công đã nỗ lực điều khiển để khôi phục động cơ trước khi máy bay rơi.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, ông Marco Chan đặt ra giả thuyết lỗi chip (như một số nhà sản xuất từng cảnh báo) có thể làm mất tín hiệu điều khiển, dẫn đến bị cắt nguồn nhiên liệu.
Do lỗi phi công?
Tuy nhiên, ông Chow Kok Wah, cựu giám đốc bảo trì máy bay, giải thích công tắc nhiên liệu không giống như công tắc đèn có thể bật/tắt ngẫu nhiên.
Đây là công tắc kim loại có chốt chặn, cần kéo lên, vượt qua chốt kim loại, rồi đẩy trở lại. Do đó, "không thể vì va chạm nhẹ mà công tắc tự chuyển chiều một cách bất ngờ", ông Chow nói.
Công tắc nhiên liệu trên dòng máy bay Boeing có cơ chế ngăn chặn việc phi công tình cờ tắt/bật gây mất an toàn cho máy bay (Ảnh: Business Today).
Ông Kok cũng phản bác về khả năng lỗi chip. Cho rằng nguyên nhân này là "rất thấp", bởi công tắc nhiên liệu là bộ phận quan trọng trong vận hành máy bay. Bất cứ ai thiết kế công tắc này phải nghĩ đến mọi khả năng có thể xảy ra.
Hơn nữa, ông Kok còn chỉ ra thực tế hai động cơ gần như đồng thời bị dừng hoạt động nhưng ngay khi được gạt trở lại, cả hai động cơ đều có phản ứng tích cực, điều này càng cho thấy ít khả năng do lỗi chip.
Ông Kok kết luận: "Chỉ có một khả năng duy nhất là có người đã điều khiển công tắc. Nó không thể tự chuyển".
Ông cũng lưu ý trong báo cáo sơ bộ nêu rõ cơ quan điều tra không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào và cần đợi báo cáo cuối cùng với phân tích sâu hơn, bao gồm cả giới tính, hành vi và lý lịch của những người trong buồng lái.
Giám đốc điều hành Air India Campbell Wilson cũng cho biết cuộc điều tra vụ tai nạn còn rất lâu. Hãng sẽ điều tra thêm và không nên đưa ra kết luận quá sớm.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không phát hiện lỗi cơ khí hay sai sót trong công tác bảo trì đối với chiếc Boeing 787‑8 Dreamliner.
Hiện tại chưa cần áp dụng biện pháp thay đổi cho các máy bay tương tự/truyền thông an toàn bổ sung.
Các cơ quan chức năng, nhà sản xuất, đang tiếp tục điều tra kỹ lưỡng, đặc biệt là hệ thống khởi động động cơ (start switch) và khả năng có sai sót trong điều khiển.
Air India và lãnh đạo cấp cao, bao gồm CEO Campbell Wilson, khẳng định cuộc điều tra chưa kết thúc và đề nghị tránh kết luận quá sớm.
Khánh An
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/vu-roi-may-bay-air-india-bi-an-xung-quanh-cong-tac-nhien-lieu-192250714165503101.htm