Vụ rừng phòng hộ ven biển bị chặt hạ ở Huế: UBND xã có thẩm quyền tự bán thanh lý?

Vụ rừng phòng hộ ven biển bị chặt hạ ở Huế: UBND xã có thẩm quyền tự bán thanh lý?
13 giờ trướcBài gốc
Như Báo Sức khỏe & Đời sống thông tin, UBND TP Huế vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy liên quan việc rừng ven biển tại xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) bị chặt hạ trái phép.
Diện tích rừng bị khai thác là 3,1416 héc-ta, trong đó 2,5843 héc-ta rừng phòng hộ, 0,5573 héc-ta rừng sản xuất, thuộc các lô 152, 161, khoảnh 1, tiểu khu 89. Có 1.461 cây keo lưỡi liềm bị chặt, phần lớn thuộc rừng phòng hộ trồng từ năm 2008 theo dự án rừng phòng hộ vùng cát.
Trước đây, rừng do Ban Quản lý dự án trồng rừng quản lý, sau đó giao khoán cho nhóm hộ ông Lê Nguyễn Sĩ. Từ năm 2012 đến 9/2020, UBND huyện Quảng Điền giao khoán cho nhóm hộ này. Sau đó, UBND xã Quảng Công tự tổ chức quản lý.
Hiện trường hơn 2,5 héc-ta rừng phòng hộ ven biển bị chặt hạ ở Huế.
Cuối năm 2024, UBND xã kiểm tra hiện trạng sau bão. Ngày 18/2/2025, Ban Chấp hành Đảng ủy xã họp, thống nhất đề xuất UBND xã thanh lý rừng gãy đổ. Ngày 19/2, UBND xã Quảng Công tổ chức họp, thống nhất thanh lý 8 héc-ta rừng sản xuất cho ông Nguyễn Văn Quốc (trú tại TP Huế) với giá 85 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Quốc tổ chức khai thác 3,1416 héc-ta rừng, trong đó có phần lớn là rừng phòng hộ. Việc khai thác kéo dài khoảng 12 ngày (cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2025). Ông Quốc cho hay, được cán bộ địa chính xã là ông Lê Nguyễn An chỉ rõ vị trí khai thác và thường xuyên có mặt tại hiện trường giám sát.
Ngày 19/4, ông Quốc chuyển khoản 85 triệu đồng cho bà Cao Thị Thủy (thủ quỹ xã Quảng Công). Sau đó, khi chưa khai thác hết diện tích thỏa thuận, UBND xã yêu cầu hoàn tiền.
Ngày 15/5, ông Quốc chuyển thêm 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Đình Thông, Chủ tịch UBND xã, và đưa 35 triệu đồng tiền mặt cho ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch xã tại phòng làm việc.
Những cây keo lưỡi liềm bị chặt hạ.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh An Doanh (Đoàn luật sư TP Huế) cho rằng, vụ việc không chỉ vi phạm hành chính, mà có dấu hiệu rõ ràng của vi phạm hình sự, sai phạm trong quản lý tài sản công và trách nhiệm cá nhân của cán bộ địa phương.
Theo quy định của Nghị định 140/2024/NĐ-CP và Luật Lâm nghiệp, UBND cấp xã không có thẩm quyền thanh lý hay bán rừng phòng hộ hoặc rừng sản xuất. Rừng được hình thành từ các dự án nhà nước như dự án 661 (trồng rừng phòng hộ ven biển từ năm 2008 bằng vốn ngân sách) thì toàn bộ việc khai thác, tận thu phải có sự phê duyệt từ cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh hoặc cơ quan được phân quyền.
Trong vụ việc này, UBND xã Quảng Công (trước khi sáp nhập) họp và thống nhất chủ trương bán 8 héc-ta rừng sản xuất cho một người dân với giá 85 triệu đồng, sau đó để người này tiến hành khai thác. Điều đáng nói, việc khai thác thực tế không chỉ nằm trong rừng sản xuất, mà còn xâm lấn vào rừng phòng hộ vốn có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt hơn.
Luật sư Võ Thị Tuệ Minh.
"Không thể lấy lý do thiên tai hay rừng bị hư hại để hợp thức hóa khai thác sai luật. Ngay cả khi có lý do khách quan như bão, cây đổ cũng không thể tự ý khai thác mà không có trình tự đúng luật", luật sư dẫn chứng.
Luật sư Minh cho biết, để được phép khai thác hoặc thanh lý cây rừng, pháp luật yêu cầu phải có biên bản kiểm tra hiện trường, phương án thanh lý theo mẫu chuẩn, hồ sơ đầy đủ nộp cho cơ quan chuyên môn và quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi ở vụ việc này, theo báo cáo ngày 15/7 của cơ quan chức năng, việc xã thực hiện thanh lý cây rừng chỉ dừng ở mức biên bản họp xã.
Cũng theo luật sư Minh, người mua rừng cho biết đã chuyển 85 triệu đồng chuyển cho thủ quỹ xã (sau đó bị yêu cầu hoàn lại). Tiếp đó, chuyển 30 triệu đồng cho Chủ tịch UBND xã và đưa 35 triệu đồng tiền mặt cho Phó Chủ tịch xã tại phòng làm việc. Đây là hành vi vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính công.
"Tài sản rừng thuộc sở hữu nhà nước, nên mọi khoản thu phải qua kho bạc, có chứng từ và thông qua cơ quan có thẩm quyền. Hành vi nhận tiền mặt tại phòng làm việc là dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi và cần được xem xét theo Điều 356 hoặc Điều 353 Bộ luật Hình sự", luật sư Tuệ Minh nói.
Luật sư Tuệ Minh nhấn mạnh, rừng phòng hộ ven biển không chỉ có giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò sống còn trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển. Bất kỳ hành vi xâm hại nào cũng phải bị xử lý nghiêm minh.
Hoàng Dũng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/vu-rung-phong-ho-ven-bien-bi-chat-ha-o-hue-ubnd-xa-co-tham-quyen-tu-ban-thanh-ly-16925071607452196.htm