Trưa ngày 1-4, theo thông tin từ Đài BBC, Thống đốc Bangkok, ông Chadchart Sittipunt, xác nhận rằng lực lượng cứu hộ không còn phát hiện bất kỳ dấu hiệu sự sống nào từ tòa nhà 30 tầng bị sập do trận động đất xảy ra vào ngày 28-3.
Tính đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng được xác nhận đã lên đến 13, trong khi 74 người vẫn còn mất tích dưới đống đổ nát. Ông Chadchart cho biết, công tác cứu hộ sẽ tập trung vào việc đào sâu hơn vào khu vực sập bằng các thiết bị cơ giới hạng nặng. Ông nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính lúc này là đưa các thi thể ra khỏi hiện trường, dù đây là một công việc đầy thách thức do nguy cơ sụp đổ thêm của công trình.
Ban đầu, lực lượng cứu hộ đã hạn chế sử dụng máy móc hạng nặng do lo ngại về độ an toàn, đặc biệt khi tòa nhà sập có nhiều tầng hầm bên dưới. Tuy nhiên, sau một thời gian dài không tìm thấy thêm người sống sót, phương án này buộc phải thay đổi.
Trước đó, lực lượng cứu hộ từng phát hiện một số dấu hiệu của sự sống dưới đống đổ nát, nhưng kể từ đó đến nay, họ chỉ tìm thấy 13 thi thể và chưa thể cứu sống bất kỳ ai. Mặc dù vậy, chính phủ Thái Lan vẫn chưa chính thức tuyên bố chuyển từ hoạt động cứu hộ sang hoạt động thu hồi thi thể.
Công tác cứu hộ tại tòa nhà cao tầng bị sập ở Bangkok, Thái Lan.
Theo tờ Nation Thailand, ngày 31-3, bà Thitipas Chotedechachainan, trợ lý Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, cho biết Viện Sắt thép quốc gia đã kiểm tra các mẫu vật lấy từ hiện trường và phát hiện ít nhất một loại thép không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Loại thép này có xuất xứ từ một nhà máy của công ty Trung Quốc tại tỉnh Rayong, Thái Lan. Đáng chú ý, cơ sở này đã bị yêu cầu ngừng hoạt động từ tháng 12-2024 sau một cuộc thanh tra của Bộ Công nghiệp. Rất có thể, lô thép được sử dụng trong công trình này đã được mua trước thời điểm nhà máy bị đóng cửa.
Hiện cuộc điều tra đang tập trung vào chất lượng các loại thép thanh, dây điện và cao su được sử dụng trong công trình. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn, các cơ quan chức năng cũng muốn ngăn chặn nguy cơ hàng kém chất lượng tràn vào thị trường nội địa. Đến nay, bảy nhà máy, bao gồm cả những cơ sở thuộc sở hữu của các công ty Thái Lan và Trung Quốc, đã bị kiểm tra.
Các chuyên gia đang xem xét loại thép dùng trong xây dựng tòa nhà này.
Ngày 30-3, theo thông tin từ kênh NDTV News, cảnh sát Thái Lan đã tạm giữ bốn công dân Trung Quốc do hành vi xâm nhập trái phép vào hiện trường và lấy đi nhiều tài liệu quan trọng. Trong số này, một người tự nhận là quản lý dự án, có giấy phép lao động hợp lệ và làm việc cho đơn vị thi công. Khi điều tra sâu hơn, cảnh sát phát hiện thêm ba người khác cùng với 32 tài liệu mà họ lấy từ khu vực phía sau tòa nhà bị sập. Nhóm này khai rằng họ là nhà thầu phụ, vào hiện trường để thu hồi giấy tờ phục vụ cho việc đòi bảo hiểm. Những tài liệu này vốn được lưu trữ trong một container làm văn phòng tạm thời của công ty.
Tòa nhà gặp sự cố vẫn đang trong quá trình xây dựng hơn ba năm trước khi sập. Công ty chịu trách nhiệm thi công là một doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, và hiện đang bị điều tra về nguyên nhân sự cố. Cơ quan chức năng đang mở rộng điều tra để xác định xem có sai phạm nào trong quá trình thi công và sử dụng vật liệu xây dựng hay không, theo Khaosod Online.
Sự kiện này một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng xây dựng tại Bangkok cũng như các tiêu chuẩn kiểm soát vật liệu được sử dụng trong các công trình lớn.
Minh Quân