Vụ 'Sau Đề án 500 là... thất nghiệp' ở Quảng Bình: Bộ Nội vụ yêu cầu báo cáo

Vụ 'Sau Đề án 500 là... thất nghiệp' ở Quảng Bình: Bộ Nội vụ yêu cầu báo cáo
7 giờ trướcBài gốc
Một trong số các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tại tỉnh Quảng Bình "kêu cứu" với Báo Người Lao Động - Ảnh Hoàng Phúc
Liên quan đến tâm thư và kiến nghị của các đội viên Đề án 500 – những trí thức trẻ từng tình nguyện về công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, được Báo Người Lao Động phản ánh trong bài “Quảng Bình: Sau Đề án 500 là… thất nghiệp!”, Bộ Nội vụ vừa có văn bản yêu cầu các địa phương, trong đó có Quảng Bình, khẩn trương báo cáo tình hình bố trí và sử dụng lực lượng này.
Theo Bộ Nội vụ, việc rà soát, đánh giá nhằm giải quyết những phản ánh, bức xúc của đội viên Đề án 500, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện sắp xếp tổ chức chính quyền theo Nghị quyết 60-NQ/TW (ngày 12-4-2025) và Kết luận 128-KL/TW (ngày 7-3-2025) của Bộ Chính trị.
Bộ đề nghị 16 tỉnh chưa hoàn thành việc bố trí, tuyển dụng đội viên Đề án 500, trong đó có Quảng Bình, phải báo cáo cụ thể kết quả triển khai, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chậm trễ. Đồng thời, các địa phương cần đề xuất phương án xử lý sau khi hoàn tất mô hình chính quyền hai cấp.
Báo cáo của các tỉnh phải gửi về Bộ Nội vụ trước ngày 30-5-2025 để tổng hợp, trình Tổng Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thực hiện chỉ đạo này, Sở Nội vụ Quảng Bình đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và Lệ Thủy – nơi triển khai Đề án 500 – khẩn trương báo cáo tình hình sử dụng đội viên trí thức trẻ, gửi về Sở trước ngày 21-5 để tổng hợp, trình UBND tỉnh.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, hơn 10 năm trước, Quảng Bình chỉ có 15 trí thức trẻ được tuyển chọn nghiêm ngặt tham gia Đề án 500 – chương trình đưa cán bộ trẻ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn. Họ đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như kế toán, tư pháp, văn hóa – xã hội, địa chính... Thế nhưng đến nay, sau hơn một thập kỷ cống hiến, nhiều người vẫn chưa được tuyển dụng chính thức, không có biên chế, đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi địa phương tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện.
Chị Nguyễn Thị Như Trang (SN 1987, xã Ngư Thủy) – một đội viên với hai bằng cử nhân – cho biết nhiều địa phương đã ưu tiên xét tuyển đội viên Đề án 500 vào công chức, viên chức, nhưng Quảng Bình vẫn chưa có chính sách cụ thể.
“Chúng tôi đã gắn bó hơn 10 năm, giờ tuổi cao, xin việc rất khó, trong khi biên chế ngày càng thắt chặt. Rất mong có chính sách hỗ trợ để tiếp tục đóng góp” - chị Trang bày tỏ.
Trước tình hình trên, ngày 7-5, Sở Nội vụ Quảng Bình đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị hướng dẫn về chế độ cho cán bộ cấp xã và đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Cụ thể, Sở Nội vụ xin được hướng dẫn về việc: Khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, liệu các đội viên Đề án 500 có được tiếp tục hợp đồng làm việc tại các xã mới đến hết ngày 31-12-2025 hay không?
Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc sắp xếp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nếu số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị dôi dư, không đủ biên chế để tuyển dụng các đội viên Đề án 500, thì có thể áp dụng các chính sách tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (ngày 31-12-2024) và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP (ngày 15-3-2025) của Chính phủ hay không?
HOÀNG PHÚC
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/vu-sau-de-an-500-la-that-nghiep-o-quang-binh-bo-noi-vu-yeu-cau-bao-cao-196250518170239758.htm