Vụ sữa bột giả thu lợi 500 tỷ: 3 rủi ro pháp lý phổ biến doanh nghiệp bỏ qua

Vụ sữa bột giả thu lợi 500 tỷ: 3 rủi ro pháp lý phổ biến doanh nghiệp bỏ qua
một ngày trướcBài gốc
Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, chuyên gia về hình sự và kinh tế - vụ án này hội tụ đầy đủ các yếu tố của một tội phạm kinh tế đặc biệt nghiêm trọng: hành vi có tổ chức, diễn ra trong nhiều năm, nhắm đến nhóm người tiêu dùng yếu thế (trẻ nhỏ, người bệnh) và thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.
Đáng lo ngại hơn, ngoài hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn vi phạm quy định về kế toán, hợp thức hóa dòng tiền và che giấu sai phạm, gây ra hậu quả nghiêm trọng lan rộng tới cả hệ thống tài chính - thuế.
Về pháp lý, hành vi này có thể bị truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ, các tội danh như trốn thuế, vi phạm quy định về kế toán hoặc rửa tiền cũng có thể được xem xét xử lý bổ sung.
Ông Tú cho rằng, câu nói "sai một ly, đi một đời" trong trường hợp này không chỉ mang tính cảnh tỉnh về đạo lý, mà còn hoàn toàn chính xác về mặt pháp lý. Một hành vi tưởng chừng chỉ là “lách luật” để vượt qua khó khăn trước mắt, nếu không sớm dừng lại, có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự nghiêm trọng, mất tài sản, uy tín và cả tương lai.
Đây là bài học đắt giá không chỉ cho cá nhân vi phạm, mà còn dành cho bất kỳ ai đang coi nhẹ các chuẩn mực pháp luật trong kinh doanh.
Hàng nghìn hộp sữa bột giả bị thu giữ để phục vụ điều tra. Ảnh: P. Tâm
Theo luật sư Trương Anh Tú, có 3 loại rủi ro pháp lý phổ biến mà nhiều doanh nghiệp dễ bỏ qua:
Rủi ro hình sự liên quan đến chất lượng hàng hóa: Khi sản phẩm không đúng như công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc không đạt tiêu chuẩn đăng ký, doanh nghiệp có thể bị truy tố tội sản xuất hoặc kinh doanh hàng giả - kể cả trong trường hợp không cố ý.
Rủi ro liên đới trong hệ thống phân phối: Các đơn vị như đại lý, nhà thuốc, siêu thị, chuỗi cung ứng nếu không kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, hoàn toàn có thể trở thành người bị hại - hoặc nghiêm trọng hơn, người liên quan trong quá trình tố tụng hình sự.
Rủi ro về kế toán - tài chính: Việc sử dụng báo cáo không trung thực, không minh bạch dòng tiền, "lách" thuế hoặc ghi nhận chi phí ảo có thể dẫn đến vi phạm pháp luật về kế toán - thuế, kéo theo hệ lụy hình sự.
Luật sư Trương Anh Tú khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động thực hiện ba bước then chốt: Rà soát toàn bộ quy trình công bố, quảng cáo và phân phối sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến sức khỏe cộng đồng.
Thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp chặt chẽ với phòng kế toán và pháp chế. Tham vấn định kỳ với luật sư - không chỉ khi đã có sự cố pháp lý xảy ra.
“Tôi và cộng sự từng hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xây dựng cơ chế phòng ngừa rủi ro hiệu quả - không chỉ giảm thiểu nguy cơ pháp lý mà còn nâng cao năng lực quản trị và uy tín trên thị trường”, luật sư Tú chia sẻ.
“Những mô hình như vậy cần được nhân rộng, nhất là trong bối cảnh pháp luật ngày càng siết chặt trách nhiệm hình sự đối với tổ chức kinh tế”.
Từ đó, ông nhấn mạnh: “Doanh nhân đừng đánh cược tương lai bằng sự chủ quan. Pháp luật không chờ đến lúc doanh nghiệp phá sản hay dính vòng lao lý mới phát huy tác dụng. Hãy chủ động kiến tạo nền tảng quản trị pháp lý vững chắc - điều đó không chỉ giúp doanh nghiệp trường tồn, mà còn giúp nhà lãnh đạo an tâm ngủ ngon mỗi đêm".
Tiến Dũng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/vu-sua-bot-gia-thu-loi-500-ty-3-rui-ro-phap-ly-pho-bien-doanh-nghiep-bo-qua-2392354.html