Xét xử vụ án tai nạn giao thông xảy ra tại huyện Cam Lâm, tòa cấp sơ thẩm cho rằng, tài xế đi đúng phần đường và tốc độ cho phép, nhưng do vào ban đêm, ở khoảng cách gần nên không xử lý kịp, dẫn tới va chạm; đây là sự kiện bất ngờ. Nhưng tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận, bởi theo quy định, người tham gia giao thông phải quan sát, kiểm soát tốc độ để xử lý mọi tình huống an toàn.
Gây tai nạn trên đường cao tốc
Theo hồ sơ, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19-5-2023, cho phép các phương tiện lưu thông với tốc độ tối đa 80km/giờ. Khoảng 17 giờ ngày 2-6-2023, sau khi đổ bê tông nắp đậy hố gas dây cáp điện tại cao tốc nêu trên, Lương Hoàng Long (sinh năm 2000, trú tỉnh Ninh Thuận) cùng một số người, trong đó có các ông: Dương Văn Bộ (trú tỉnh Đồng Tháp), Đạo Hiệu (trú tỉnh Ninh Thuận), Võ Trường Sơn (trú tỉnh Đắk Lắk) đi xe máy quay về nơi thuê trọ để nghỉ ngơi. Long (không có giấy phép lái xe máy) chở ông Bộ.
Tòa tuyên án.
Gần 2 giờ sau, khi đến xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm), xe của ông Sơn bị hỏng nên được đẩy vào lề đường kiểm tra. Long dừng xe trên làn đường cơ giới bên phải, sau xe ông Sơn và ngồi trên xe với ông Bộ, rọi đèn giúp ông Sơn kiểm tra xe. Vừa lúc này, ô tô do ông Nguyễn Văn Vinh (trú TP. Hồ Chí Minh) điều khiển chạy cùng chiều từ phía sau đến gây ra va chạm làm xe máy, Long và ông Bộ ngã xuống. Ông Bộ tử vong do chấn thương sọ não; Long bị thương nhưng từ chối giám định; ô tô bị hỏng, tổng thiệt hại hơn 322 triệu đồng. Ông Vinh đã hỗ trợ cho gia đình ông Bộ 145 triệu đồng.
Ngày 16-7-2024, Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm xét xử sơ thẩm và nhận định, ông Vinh đi đúng phần đường và tốc độ cho phép. Thời điểm xảy ra tai nạn là vào ban đêm, ở khoảng cách gần nên ông Vinh không xử lý kịp, va chạm vào xe máy do Long điều khiển. Đây là sự kiện bất ngờ nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Vinh. Ông Hiệu cho Long mượn xe máy để đi nhưng không biết Long chưa có giấy phép lái xe nên không có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hiệu. Tòa đã tuyên xử bị cáo Long 2 năm tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Sau đó, bị cáo kháng cáo.
Tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm
Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án này. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Vị này phân tích, tại hồ sơ, ông Vinh khai ông di chuyển trên làn đường phải để nhường đường cho các xe xin vượt và bị đèn pha của một chiếc ô tô đi ngược chiều làm chói mắt, “bị mù tạm thời”, sau đó mới phát hiện xe máy; do khoảng cách quá gần nên không tránh được, dẫn đến tai nạn. Tòa cấp sơ thẩm nhận định hành vi của ông Vinh thuộc sự kiện bất ngờ nên không truy cứu trách nhiệm hình sự là không đúng. Tai nạn xảy ra có một phần lỗi do ông Vinh không giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn, vi phạm Điều 5 Thông tư số 31, ngày 29-8-2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Vị này cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Sơn, người nhận khoán và đã thuê bị cáo Long cùng một số người làm nắp đậy hố gas dây cáp điện, nhưng không đảm bảo điều kiện làm việc trong khu vực đường cao tốc.
Tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của viện kiểm sát, tuyên hủy bản án sơ thẩm trên, chuyển hồ sơ cho viện kiểm sát cùng cấp giải quyết lại. Theo tòa, Điều 5 Thông tư số 31 quy định: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau: Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế”. Tuy nhiên, khi có đèn pha của xe chạy ngược chiều làm ông Vinh “bị mù tạm thời”, hạn chế tầm nhìn, ông Vinh vẫn chạy xe với vận tốc 70 - 75km/giờ cho đến khi “hết bị mù tạm thời” thì phát hiện xe máy của Long cách 10m, nên không xử lý kịp, dẫn đến tai nạn. Bên cạnh đó, theo Điều 20 Bộ luật Hình sự, sự kiện bất ngờ là “người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó...". Cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc chấp hành các quy định về tham gia giao thông của ông Vinh; chưa đánh giá ông Vinh gây tai nạn có thuộc trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi hay không để xem xét lỗi các bên. Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của ông Sơn trong vụ án.
NGUYỄN VŨ