Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu cao tốc: Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu

Vụ Tập đoàn Sơn Hải trượt thầu cao tốc: Bộ Tài chính đề nghị kiểm tra lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu
6 giờ trướcBài gốc
Đồ họa cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra đánh giá và kết luận cụ thể hơn liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thi công dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Bộ Tài chính cho rằng, quá trình kiểm tra trước đó của Bộ chủ yếu tập trung rà soát các nội dung trọng tâm theo chỉ đạo, nhưng chưa đưa ra kết luận cụ thể khiến báo cáo chưa đảm bảo yêu cầu. Việc này cũng dẫn tới việc Bộ Tài chính bị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê bình vì “báo cáo chậm, chưa thể hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý Nhà nước về đấu thầu”.
Theo giải trình, do thời gian thực hiện nhiệm vụ ngắn (phải báo cáo trước ngày 10/6) và tính chất phức tạp của gói thầu, tổ công tác chỉ có 2 ngày làm việc trực tiếp tại địa phương. Khối lượng hồ sơ cần kiểm tra lớn, trong khi còn phải tham vấn thêm các bộ chuyên ngành như Bộ Xây dựng về thiết bị thi công.
Từ kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai rà soát lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, khắc phục các tồn tại, sai sót. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh Đồng Nai có thể mời đơn vị tư vấn độc lập, đủ năng lực để kiểm tra, đánh giá lại.
Tùy kết quả đánh giá lại hồ sơ dự thầu, có thể dẫn tới việc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc phải tổ chức đấu thầu lại. Nếu kết quả không thay đổi, chủ đầu tư cần sớm hoàn tất ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu, đảm bảo đúng quy định, tránh thất thoát, tiêu cực.
Bộ Tài chính đặc biệt nhấn mạnh: dù trong bất kỳ trường hợp nào, nhà thầu trúng thầu phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, tài chính, kỹ thuật và tiến độ thực hiện.
Cuối cùng, Bộ Tài chính yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đấu thầu, theo đúng nguyên tắc “địa phương quyết – địa phương làm – địa phương chịu trách nhiệm” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Việc giải quyết kiến nghị của nhà thầu Sơn Hải khách quan, đúng quy định, tránh khiếu kiện kéo dài.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước cũ dài gần 7km, tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng, trong đó dự toán gói thầu xây lắp hơn 880 tỷ đồng.
Ngày 17/3, gói thầu được mở với 5 nhà thầu gồm: Tập đoàn Sơn Hải (732,3 tỷ đồng), Cienco 4 (800,7 tỷ đồng), Liên danh IB2500057961 (804 tỷ đồng), Liên danh Bình Phước (836 tỷ đồng) và Liên danh HCM-TDM-CT (866,4 tỷ đồng).
Dù chào giá thấp nhất, tiết kiệm ngân sách hơn 113 tỷ đồng nhưng Tập đoàn Sơn Hải vẫn bị loại, Liên danh HCM-TDM-CT được chọn với giá trúng thầu là 845,4 tỷ đồng, tiết kiệm ngân sách khoảng 35 tỷ đồng so với dự toán.
Tập đoàn Sơn Hải sau đó đã chính thức kiến nghị, phản đối kết quả, cho rằng có dấu hiệu bất thường và khả năng gây thất thoát ngân sách hơn 113 tỷ đồng (sự chênh lệch giữa giá chào và giá trúng thầu).
Chủ đầu tư khẳng định đã tuân thủ quy trình, bác bỏ kiến nghị, đồng thời cho biết hồ sơ Sơn Hải kê khai không đầy đủ và không phản ánh đúng yêu cầu mời thầu.
Trước phản ánh của Tập đoàn Sơn Hải, ngày 29/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng thành lập ngay Tổ công tác liên Bộ Tài chính - Xây dựng tiến hành kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch và hiệu quả kinh tế... Hoàn thành việc kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/6.
Lâm Thiện
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/vu-tap-doan-son-hai-truot-thau-cao-toc-bo-tai-chinh-de-nghi-kiem-tra-lai-toan-bo-qua-trinh-lua-chon.762384.html