Vụ thuốc giả: Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa báo cáo gì?

Vụ thuốc giả: Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa báo cáo gì?
10 giờ trướcBài gốc
Ông Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, vừa có báo cáo kết quả công tác phòng chống thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ của ngành y tế và tình hình vụ việc điều tra thuốc giả do Công an tỉnh Thanh Hóa thực hiện.
Nhóm đối tượng trong đường dây thuốc giả và tang vật được công an thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Theo báo cáo, qua công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2023, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 2 mẫu thuốc không đạt chỉ tiêu chất lượng, 6 mẫu nghi ngờ là giả, 1 mẫu chưa được phép lưu hành. Năm 2024 phát hiện 4 mẫu thuốc không đạt chỉ tiêu chất lượng, 8 mẫu nghi ngờ là giả, 2 mẫu chưa được phép lưu hành.
Khi phát hiện các mẫu nghi ngờ là thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, Sở Y tế đều báo cáo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đồng thời chủ động chuyển thông tin cho cơ quan công an phối hợp truy xuất nguồn gốc, điều tra, xử lý theo quy định"- báo cáo nêu.
Đáng chú ý, theo báo cáo, trong năm 2024, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã xử lý một số vụ việc điển hình liên quan tới thuốc giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, tháng 8-2024, thông qua hoạt động kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường của Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, đã phát hiện mẫu thuốc Cefuroxim 500 không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính, nghi ngờ là thuốc giả.
Số lượng tang vật Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ lên tới gần 10 tấn
Tháng 11-2024, qua lấy mẫu và kiểm nghiệm Cefixim 200 được bán tại một số cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh cũng không đạt chất lượng về chỉ tiêu định tính, nghi ngờ là thuốc giả.
Sau khi có kết luận các loại thuốc trên là thuốc giả, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lập đoàn kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính và bàn giao đến các cơ quan công an, Quản lý thị trường để tiếp tục phối hợp điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý vụ việc và các đối tượng vi phạm.
Từ manh mối ban đầu trên, Công an TP Thanh Hóa đã lập chuyên án đấu tranh, điều tra và phá án thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn tại 5 địa điểm (là nơi sản xuất, nơi cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các đối tượng) trên địa bàn TP Hà Nội, TP Cần Thơ và tỉnh Bến Tre. Thu giữ tại nơi sản xuất và trên thị trường các sản phẩm thuốc giả, gồm: 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 100 hộp thuốc Augxicine g, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol…
Một số thuốc giả trong số 21 loại thuốc khác nhau mà công an đấu tranh, làm rõ
Bên cạnh thuốc giả, qua kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và kinh doanh dược không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, thông qua công tác kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành do ngành Y tế TP tham mưu cho UBND TP Thanh Hóa thành lập đã kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh Dương Thị Oanh kinh doanh một số lượng lớn thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là trên 95 triệu đồng; đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã thu giữ được một số thuốc nghi là giả, đã trích xuất, bàn giao cho Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Thanh Hóa tiếp nhận, thụ lý, điều tra theo quy định. Sau khi được xác định là thuốc giả, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, ngày 1-4-2025, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can đối với Dương Thị Oanh.
Về đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô toàn quốc mà Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá. Theo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, nhất là từ năm 2023, 2024 cho đến nay, thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Y tế Thanh Hóa và Công an tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này thường xuyên chia sẻ thông tin về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm được nghi ngờ là giả, không đảm bảo chỉ tiêu chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ đến Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường để phối hợp truy tìm nguồn gốc, xử lý triệt để, tận gốc các đối tượng có hành vi vi phạm.
Hình ảnh ghê người về các loại nguyên liệu được dùng để sản xuất thuốc. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Sở Y tế đã có Công văn số 83/SYT-TTr ngày 6-1-2025 về việc kiểm tra, xử lý kinh doanh thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, bao gồm: Thuốc giả Tetreacyclin TW3, Cloroxid TW3, cefixim 200, Fugacar; thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ: Sabumol, Rodogyl, Zepam, Augmentin; Công văn số 487/SYT-TTr ngày 23-1-2025 về việc kiểm tra, xử lý kinh doanh thuốc giả Pharcoter, Cloroxid TW3, Tetracyclin TW3.
Qua các thông tin do ngành y tế cung cấp và công tác trinh sát, nắm tình hình trong lĩnh vực kinh doanh dược, các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện được một số đối tượng trên địa bàn TP Thanh Hóa có dấu hiệu mua một số sản phẩm giả đã nêu (thuốc Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo Codion) được sản xuất ở các địa phương khác, về bán hàng online (các đối tượng này đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược).
Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập được các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ khám xét khẩn cấp tại 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp và TP HCM.
Tuấn Minh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/vu-thuoc-gia-so-y-te-tinh-thanh-hoa-bao-cao-gi-19625042311044483.htm