Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú: Hai 'vế' Nhà nước - doanh nghiệp phải song hành

Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú: Hai 'vế' Nhà nước - doanh nghiệp phải song hành
3 ngày trướcBài gốc
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tú, trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta cần làm rõ Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để doanh nghiệp thực hiện được sứ mệnh của mình cũng như cần xác định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới. Bởi để hiện thực hóa kỷ nguyên mới, Nhà nước không thể làm một mình mà phải có sự chung sức, chung lòng của doanh nghiệp, người dân. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Nhưng muốn doanh nghiệp đóng góp, theo Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú, thì phải nhìn từ hai góc độ.
Ở góc độ thứ nhất, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sao cho thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật. Gần đây, Tổng Bí thư và Quốc hội (Nghị quyết số 158/2024/QH15) đã khẳng định phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; trong đó, tập trung cắt giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin - cho.
Tất cả những nội dung này phải được hiện thực hóa và phải được tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng trên thực tế, bảo đảm doanh nghiệp tận dụng được mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển.
Ở góc độ thứ hai, doanh nghiệp cần làm gì để đóng góp trong kỷ nguyên mới? Điều này đòi hỏi trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển đất nước. Trước hết, doanh nghiệp cần kinh doanh có trách nhiệm.
Hai “vế” Nhà nước - doanh nghiệp phải song hành, không thể xem nặng hay xem nhẹ vế nào mà phải kết hợp cả hai, đặc biệt phải gắn với tổ chức thực hiện pháp luật hiệu lực, hiệu quả.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú: "Hai “vế” Nhà nước - doanh nghiệp phải song hành, không thể xem nặng hay xem nhẹ vế nào mà phải kết hợp cả hai, đặc biệt phải gắn với tổ chức thực hiện pháp luật hiệu lực, hiệu quả. ( Ảnh minh họa)
Nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chưa hiệu quả
Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, chúng ta có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng nhìn tổng thể chưa thực sự hiệu quả, thực chất, còn dàn trải. Nội dung này cũng gắn với năng lực tổ chức thực hiện pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.
Trong bối cảnh tinh gọn bộ máy thì càng cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật phục vụ doanh nghiệp để doanh nghiệp đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Về điều kiện đầu tư kinh doanh, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát theo hướng cắt giảm, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; bảo đảm các điều kiện đầu tư kinh doanh phải tuân thủ đúng, đầy đủ yêu cầu của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, trong đó, quyền của doanh nghiệp chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải thực sự cân bằng, hợp lý.
Doanh nghiệp cũng cần đổi mới tư duy
Từ góc độ của doanh nghiệp, theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, doanh nghiệp cũng phải đổi mới tư duy trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, không thể làm ngắn hạn mà phải có cái nhìn tổng thể, hướng tới tương lai, thể hiện tinh thần kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp, tuân thủ pháp luật, tranh chấp phải được giải quyết tại cơ quan tài phán có thẩm quyền trên cơ sở pháp luật và hợp đồng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng bảo đảm không vi phạm các cam kết quốc tế, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm.
Ví dụ, đối với thị trường trong nước, nếu Nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm, cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực đó để họ tiếp cận, làm chủ công nghệ, phát triển bền vững, làm tiếp các dự án tương tự trong tương lai.
Đây là cách Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải cố gắng, không được ỷ lại, trông chờ, làm méo mó đi sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đối với thị trường nước ngoài, Nhà nước cần hỗ trợ, nhất là vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường nước ngoài, giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ các FTA đã ký kết.
Đặc biệt là khi phát sinh tranh chấp với cơ quan Nhà nước nước ngoài liên quan đến trợ cấp, bán phá giá…, doanh nghiệp không thể một mình đối diện. Nhà nước cần thông qua các kênh khác nhau về ngoại giao, về pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, không để doanh nghiệp Việt Nam “cô đơn”, thua thiệt.
Như vậy, cơ quan Nhà nước phải thực sự đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp từ cả khía cạnh xây dựng, hoàn thiện pháp luật và khía cạnh tổ chức thực hiện pháp luật.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã định hướng rõ yêu cầu này; trong đó có việc xây dựng và vận hành hiệu quả các khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), bảo đảm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Nếu làm tốt các công việc này thì sẽ góp phần hình thành các doanh nghiệp dân tộc trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Hoàng Thư (ghi)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/vu-truong-nguyen-thanh-tu-hai-ve-nha-nuoc-doanh-nghiep-phai-song-hanh-post536706.html