Vụ trưởng Phan Trung Tuấn: Khối lượng công việc của cấp xã rất lớn, áp lực rất lớn

Vụ trưởng Phan Trung Tuấn: Khối lượng công việc của cấp xã rất lớn, áp lực rất lớn
một ngày trướcBài gốc
“Sau hơn ba tuần vận hành mô hình chính quyền mới, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Điều này cho thấy chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước”.
Đây là khẳng định của ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ, tại Tọa đàm Chuyển đổi số - Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương, do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp tổ chức ngày 24-7.
Ông Phan Trung Tuấn (giữa), Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương – Bộ Nội vụ, nhìn nhận khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khối lượng công việc của cấp xã là rất lớn. Ảnh: VGP
Khối lượng công việc cấp xã rất lớn, áp lực rất lớn
Theo ông Tuấn, từ ngày 1-7, 34 tỉnh, TP, trong đó có 23 tỉnh, TP sau sắp xếp và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước đã bước vào mô hình mới - mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của cấp ủy các cấp, bước đầu bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt, không gián đoạn…
UBND của 3.321 đơn vị cấp xã đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, thành lập các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Trung tâm Phục vụ hành chính công - nơi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.
“Công tác giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp ở địa bàn cơ sở trên cả nước tương đối đồng bộ, có hiệu quả, không gián đoạn công việc” – ông Tuấn nói và cho biết hầu hết các địa phương, đặc biệt ở cấp xã đã đưa vào vận hành hệ thống giải quyết dịch vụ công có kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Việc này đã tạo thuận lợi cho kết nối, giải quyết các TTHC, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
“Khối lượng hồ sơ hành chính được xử lý qua môi trường điện tử đang tăng dần theo từng ngày” - Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương nói thêm.
Ông Phan Trung Tuấn cũng đánh giá công việc của cấp xã hiện nay vô cùng lớn. Hiện đây cũng là tuyến đầu, là cấp gần dân, sát dân nhất. Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã trước đây thì còn thực hiện hầu hết các nhiệm vụ của cấp huyện chuyển về. Cạnh đó, nhiều nhiệm vụ của Trung ương cũng được phân cấp, phân quyền cho cấp xã.
“Chúng tôi thống kê có tới 1.065 nhiệm vụ” – ông Tuấn nói và nhấn mạnh khối lượng công việc rất lớn, áp lực rất lớn, nhất là khi chính quyền chuyển sang mô hình hành chính phục vụ thay vì hành chính quản lý truyền thống.
Một vấn đề khác được ông Tuấn đề cập đến là yêu cầu tất yếu về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc. Theo ông, đây là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ cấp xã bởi trình độ và kỹ năng giữa các địa phương, vùng miền còn chênh lệch lớn.
"Ngay trong một xã, trình độ cán bộ cũng không đồng đều, tạo ra khoảng trống về năng lực trong tổ chức vận hành chính quyền" - Vụ trưởng Phan Trung Tuấn nêu vấn đề.
Các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: TT
Tập huấn về chính quyền 2 cấp cho các địa phương
Về giải pháp, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho rằng đầu tiên là phải có được một đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vừa có các kỹ năng, giải quyết công việc hằng ngày tốt, nắm vững kiến thức về pháp luật…
“Bản thân cán bộ, công chức phải xác định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình để chủ động tự đào tạo, tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao” – ông Tuấn nói.
Chính quyền địa phương các cấp cũng cần tăng cường hỗ trợ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng điều hành, thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Xác định con người là yếu tố then chốt, ông thông tin tuần tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của tỉnh Điện Biên, sau đó là TP.HCM và các địa phương khác.
Song song đó là đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và cách thức vận hành hệ thống như sử dụng AI, robot công nghệ, tăng cường nhân lực hỗ trợ công nghệ cho các địa phương…
Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, quan tâm đội ngũ cán bộ, công chức; sàng lọc, giữ lại những cán bộ tốt để làm việc trong hệ thống chính trị cấp xã.
Riêng vấn đề về biên chế, ông Phan Trung Tuấn cho biết trước mắt sẽ giữ nguyên biên chế cán bộ, công chức để thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn.
Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ và phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xác định lại vị trí việc làm, khối lượng công việc, từ đó xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn định biên số lượng cán bộ, công chức phù hợp với cả cấp tỉnh và cấp cơ sở. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Đặc biệt, đại diện ngành nội vụ cho rằng cần đầu tư, nâng cao hơn chất lượng hạ tầng cơ sở, hạ tầng số… trong tổ chức mô hình chính quyền hai cấp.
“Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định trong quá trình chuyển đổi phương thức vận hành chính quyền mới” - Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương nhấn mạnh.
Nền tảng số là yếu tố quan trọng
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho hay cơ quan này nhận thức rất rõ nền tảng số là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm việc giải quyết TTHC cho người dân cũng như điều hành của chính quyền địa phương mới.
Do đó, Bộ đã có hướng dẫn các địa phương để nâng cấp hệ thống thông tin và cũng nhận thấy rằng phải có thí điểm. Cơ quan này đã phối hợp với UBND TP.HCM và doanh nghiệp công nghệ số thí điểm việc nâng cấp 5 hệ thống thông tin để phục vụ vận hành chính quyền mới.
“Chúng tôi chọn TP.HCM vì đây là địa phương sát nhập ba tỉnh thành có quy mô lớn, có cấu trúc hệ thống thông tin phức tạp để thí điểm” – Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long. Ảnh: VGP
Cũng theo ông Phạm Đức Long, bước đầu cơ bản việc thực hiện TTHC, chuyển đổi số trong vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
“Chúng tôi đã nêu 25 nhóm vấn đề còn tồn tại và chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng địa phương phải làm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề” – ông Long thông tin.
Một trong những nguyên nhân được thứ trưởng Bộ KH&CN chỉ ra là cơ sở vật chất ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC. Kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng giải quyết TTHC của lực lượng cán bộ chuyển xuống xã cũng chưa đáp ứng. Cạnh đó, khi nhập tỉnh, dữ liệu của các xã, các địa phương kết nối cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông…
Bộ KH&CN sẽ tham mưu Thủ tướng, Phó Thủ tướng họp, đánh giá lại 25 nhóm tồn tại đã chỉ ra để có giải pháp khắc phục...
N.THẢO
Nguồn PLO : https://plo.vn/vu-truong-phan-trung-tuan-khoi-luong-cong-viec-cua-cap-xa-rat-lon-ap-luc-rat-lon-post862222.html