Vụ tử vong vì livestream bán hàng chấn động Trung Quốc và những cảnh báo

Vụ tử vong vì livestream bán hàng chấn động Trung Quốc và những cảnh báo
7 giờ trướcBài gốc
Bộ phim "Livestream chết người" chiếu trên nền tảng iQIYI. Ảnh: Meituan.
Cái chết bất ngờ của một streamer gây chấn động
Trong đêm khuya, khi hầu hết mọi người đang chìm vào giấc ngủ, trong một căn phòng chưa đầy 10 mét vuông ở An Dương, Hà Nam, Lý Đình (đã đổi tên), 36 tuổi, một streamer có tiếng đang trình diễn các động tác múa may, thao thao bất tuyệt trước camera điện thoại di động của mình.
Cô không biết rằng buổi livestream bán hàng kéo dài đến tận bình minh này sẽ trở thành những phút cuối cùng của cuộc đời mình. Sáng hôm sau, chồng cô đẩy cửa vào nhà vệ sinh đã thảng thốt thét lên khi phát hiện vợ nằm co ro dưới đất trong ánh sáng ban mai của ngày 22/2. Vụ tử vong đột ngột gây chấn động cộng đồng mạng đã bộc lộ sự thật tàn khốc của việc "đổi mạng sống lấy follower" trong thời đại phát sóng trực tiếp bán hàng.
"Chị ấy luôn nói, nếu livestream thêm 2 giờ nữa, có thể kiếm được thêm ít tiền để mua sữa bột”, ông Tôn, em chồng của Lý Đình, kể lại.
Gia đình 4 người đang hạnh phúc này giờ chỉ còn lại người chồng với hai đứa con còn nhỏ, cùng khoản tiền cô vay trả góp để học khiêu vũ chưa trả hết và vô số bản ghi hình chương trình phát sóng trực tiếp đêm khuya trên điện thoại di động.
Cụm từ "tử vong do làm việc quá sức" trên báo cáo pháp y giống như một nhát búa nặng nề đập tan ảo tưởng sinh tồn của những "người nghiện công việc". Một số cư dân mạng đã đào lại đoạn ghi âm phát sóng trực tiếp cuối cùng của Lý Đình trước khi qua đời. Đến 3 giờ sáng, cô vẫn đang cố gắng trả lời các bình luận: "Các thành viên trong gia đình, hãy chú ý. Ngày mai tôi sẽ nhảy điệu nhảy jazz mới mà tôi đã học cho mọi người xem".
Cảnh báo về trào lưu bất chấp sức khỏe kiếm tiền
Thảm kịch này không phải là trường hợp cá biệt. Trường hợp của một cô gái 22 tuổi ở Hàng Châu đột tử khi đang làm thêm giờ hồi năm 2022 rất giống với vụ Lý Đình - cả hai đều đang ở thời kỳ sung sức, đều trả giá sinh mạng để theo đuổi mục tiêu sinh tồn và cuối cùng đều chết vì kiệt sức vào lúc sáng sớm, thậm chí đã có một bộ phim mang tên "Livestream chết người" về đề tài này.
Dữ liệu từ Hiệp hội nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc cho thấy, hơn 300 triệu người dân nước này đang gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ và những người thu nhập càng cao thì càng ngủ ít. Trong ngành livestream diễn ra 24 giờ một ngày, 95,2% streamer có thu nhập hàng tháng dưới 5.000 nhân dân tệ, nhưng họ phải chịu sự kích thích từ "thu nhập triệu tệ hàng tháng" của những streamer hàng đầu và liên tục cắt giảm thời gian nghỉ ngơi để tìm kiếm lượng người follow.
Hình ảnh Lý Đình gục chết trong nhà vệ sinh gây chấn động cộng đồng mạng Trung Quốc . Ảnh: Weibo.
"Thuật toán của nền tảng giống như một chiếc roi luôn giơ lên sẵn sàng quất", một cựu giám đốc điều hành của một công ty MCN (Multi-Channel Network, mạng đa kênh) tiết lộ rằng hệ thống sẽ chỉ ưu tiên lưu lượng truy cập nếu streamer phát sóng trực tiếp trong hơn 8 giờ liên tục. Cơ chế này buộc nhiều streamer như Lý Đình phải đảo ngược ngày và đêm, đánh đổi sức khỏe của mình để lấy quà tặng ảo và số lượng người theo dõi.
Điều thậm chí còn rùng rợn hơn là khi thảm kịch xảy ra, khi các thành viên gia đình người xấu số cố gắng giao tiếp với nền tảng cô sử dụng, họ nhận được phản hồi lạnh lùng “đây là mối quan hệ không hợp đồng lao động”. Giống như khóa học khiêu vũ mà Lý Đình phải vay tiền để đăng ký nhằm nâng cao tài năng của mình, rồi vẫn phải trả nợ từng đợt cho đến cuối đời, những "khoản đầu tư" kiếm được bằng cả mạng sống này cuối cùng trở thành giọt nước tràn ly khiến gia đình này tan vỡ.
Những lời khuyên chân thành trong phần bình luận như "hãy lắng nghe người khác và ăn đủ chất" và lời cảnh báo chuyên môn từ các bác sĩ "đi ngủ sau 11 giờ đêm được coi là mất ngủ" đan xen vào nhau, nhưng vẫn không thể chống lại được áp lực thực tế.
Khi 38,2% “gen Z” tin rằng "người trẻ nên làm việc quên mình", và khi các phòng phát sóng trực tiếp đêm khuya vẫn tràn ngập những bình luận như "thêm một bài hát nữa nhé", người ta phải tự hỏi: dưới sự thông đồng của thuật toán và tiền vốn, liệu những người bình thường có trở thành "người lao động khổ sai trong thời đại kỹ thuật số?". Phải chăng mỗi “like” xuất hiện trên màn hình đều là một nhân tố vô hình trong vụ giết người chậm rãi này?
Trang tin Trung Quốc NetEase ngày 23/2 trong bài viết về sự kiện này đã cảnh báo: “Khi ‘đổi mạng lấy tiền’ trở thành quan niệm chung của thời đại, có lẽ mọi người hãy nhớ đến tiếng kêu thảng thốt của chồng Lý Đình khi phát hiện vợ mình nằm chết dưới đất - đó không phải là tình tiết khoa trương trong phim, mà là âm thanh thực sự của một gia đình bình thường bị tan vỡ”.
Một cư dân mạng đã cảnh báo, viết: "Bạn nghĩ rằng trái tim mình làm bằng thép, nhưng thần chết thì không cần đến vé vào cửa".
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/vu-tu-vong-vi-livestream-ban-hang-chan-dong-trung-quoc-va-nhung-canh-bao-post182980.html