Vụ Ukraine phóng tên lửa ATACMS của Mỹ sang Nga: Từ thông tin cấp phép đến cáo buộc

Vụ Ukraine phóng tên lửa ATACMS của Mỹ sang Nga: Từ thông tin cấp phép đến cáo buộc
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 19-11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Ukraine đã phóng nhiều tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào tỉnh Bryansk (Nga), một số tên lửa đã bị đánh chặn, theo đài RT.
Các hãng thông tấn của Nga và Ukraine đưa tin kho vũ khí của Moscow ở tỉnh Bryansk đã trúng tên lửa ATACMS trong đòn tấn công của Kiev rạng sáng 19-11.
Ngay sau cuộc tấn công của Ukraine, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng cuộc tấn công là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang cố gắng leo thang tình hình, vì những cuộc tấn công như vậy là không thể nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky từ chối xác nhận hoặc phủ nhận đã dùng tên lửa ATACMS tấn công sâu vào đất Nga, theo CNN. Tuy nhiên, ông Zelensky nói rằng Ukraine sẽ sử dụng tất cả các khả năng tầm xa trong kho vũ khí để chiến đấu.
Ông Stephane Dujarric - phát ngôn viên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - cho biết Liên Hợp Quốc lo ngại về bất kỳ khả năng leo thang nào của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sau thông tin Moscow tố Kiev nã tên lửa ATACMS sang tỉnh Bryansk của Nga rạng sáng 19-11.
Cũng trong ngày 19-11,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới, mở rộng phạm vi răn đe hạt nhân trước thông tin Mỹ cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS sang Nga.
Trước đó, ngày 17-11, tờ The New York Times và nhiều hãng truyền thông quốc tế khác đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine dùng tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Liên quan diễn biến này, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các phát ngôn từ phía các đồng minh Mỹ là Anh, Pháp, Đức về việc Mỹ cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS sang Nga.
Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa) từ chối “đi vào chi tiết” về việc liệu Anh có cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do London cung cấp tấn công lãnh thổ Nga, chỉ khẳng định sẽ "tăng gấp đôi" sự hỗ trợ cho Ukraine.
Về phía Pháp, khi được yêu cầu xác nhận lập trường của Paris, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhắc lại lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 5 rằng Điện Elysee đang cân nhắc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP do Paris cung cấp tấn công lãnh thổ Nga.
Về phía Đức, hôm 18-11, Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius cho biết Đức vẫn giữ vững lập trường lâu nay là từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus, bất chấp các đồng minh đã chuyển giao cho Kiev các loại tên lửa tương tự.
Dù các bên trong cuộc đều chưa lên tiếng về cáo buộc của Nga nhưng giới chuyên môn nhận định việc Ukraine phóng tên lửa ATACMS của Mỹ sang Nga sẽ đẩy cục diện xung đột Nga-Ukraine vào giai đoạn mới và giới lãnh đạo ở Moscow cũng đang tính toán phương án ứng phó kịch bản này.
EKIP BẢN TIN
Nguồn PLO : https://plo.vn/vu-ukraine-phong-ten-lua-atacms-cua-my-sang-nga-tu-thong-tin-cap-phep-den-cao-buoc-post820756.html