Khi bạn gái ca sĩ Wren Evans – hot girl - kiêm giám đốc sáng tạo tên Lim Feng – đăng tải bài viết ẩn ý về mối quan hệ rạn nứt sau 4 năm yêu vì một người thứ ba. Trong khi, người ta mong chờ một cuộc tranh luận nghiêm túc về đạo đức, về những quy chuẩn trong tình yêu. Thế nhưng, buồn cười ở chỗ, mạng xã hội lại nhanh chóng đẩy hai cô gái liên quan lên đầu sóng dư luận: "chính thất" với "tiểu tam" ai xinh hơn, ai đúng gu đàn ông hơn?
Tôn sùng nhan sắc: gu thẩm mỹ hay biểu hiện của một xã hội lệch chuẩn?
Trong khi báo chí thận trọng với từng chi tiết để đảm bảo tính xác thực, thì công chúng mạng lại hăng hái nhảy vào thread bình luận để phân tích từng từ, soi từng tấm ảnh, zoom da, so cằm, đo tỷ lệ vai – hông. Cái gọi là “drama tình ái” nhanh chóng biến thành talkshow bàn về ai là gu trai Việt hiện đại.
Ảnh: Right Music
Thực tế là: không chỉ trong vụ việc này, rất nhiều câu chuyện tình cảm trên mạng xã hội đã bị biến thành cái cớ để “đấu giá” nhan sắc. Trong một thời đại mà ngoại hình là "vé thông hành" đến tình yêu, danh tiếng và sự công nhận, câu hỏi “ai đẹp hơn” thường được xem như “đáp án mẫu” cho mọi vấn đề.
Vẻ đẹp tự nhiên hay nhân tạo: Đàn ông thật sự thích gì?
Trong bối cảnh nhan sắc được xem như “tấm vé thông hành” trên mạng xã hội, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra nhưng ít khi được trả lời thật lòng: phải chăng đàn ông thực sự ưu ái nét đẹp tự nhiên hơn những chuẩn mực thẩm mỹ nhân tạo?
Các khảo sát quốc tế từng chỉ ra một nghịch lý thú vị: phần lớn nam giới khi được hỏi đều khẳng định họ yêu thích vẻ đẹp nguyên bản – từ gương mặt không dao kéo đến mái tóc chưa tạo kiểu cầu kỳ. Một nghiên cứu tại Pháp cho thấy hơn một nửa nam giới từ chối ý tưởng người yêu hoặc vợ mình can thiệp thẩm mỹ; nhiều người còn cho rằng các phương pháp như botox hay độn silicon không giúp phụ nữ trở nên quyến rũ hơn trong mắt họ. Trong một khảo sát khác về sở thích cá nhân, gần 80% nam giới thú nhận họ cảm thấy thoải mái hơn với mái tóc mềm mại, tự nhiên thay vì những kiểu tóc được chải chuốt, gò bó trong khuôn mẫu làm đẹp hiện đại.
Về mặt khoa học, một nghiên cứu công bố trên Journal of Cranio-Maxillofacial Surgery cũng củng cố quan điểm này: đàn ông có xu hướng bị thu hút bởi những đôi môi có độ dày vừa phải, hình dáng cân đối, không quá phô trương hay lộ rõ dấu vết thẩm mỹ. Nói cách khác, sự hài hòa và tự nhiên vẫn là yếu tố được ưa chuộng hơn cả, ít nhất trên phương diện cảm quan.
Nhưng nếu mọi chuyện đơn giản như vậy thì các spa, viện thẩm mỹ đã không "ăn nên làm ra". Thực tế, chính sự mâu thuẫn trong khẩu vị thẩm mỹ của đàn ông khiến phụ nữ rơi vào trạng thái hoang mang. Bề ngoài, họ được khuyên "hãy là chính mình", nhưng khi bước vào đời thực – nhất là môi trường số hóa thị giác – những cô gái “đẹp theo chuẩn mạng xã hội” lại luôn chiếm sóng.
Một bài phân tích tâm lý từng chỉ ra: trong đời sống hiện đại đầy hối hả, không phải ai cũng đủ thời gian – hay đủ kiên nhẫn – để tìm hiểu vẻ đẹp nội tâm. Nhiều người, đặc biệt là nam giới, có xu hướng đánh giá phụ nữ qua các dấu hiệu bề ngoài: khuôn mặt, vóc dáng, trang phục, phụ kiện… Từ đó tạo ra áp lực ngầm khiến phái nữ phải chỉnh sửa, nâng cấp, hoàn thiện không ngừng để "đáp ứng ánh nhìn" mà họ cho rằng đàn ông đang mong muốn.
Hệ quả là gì?
Là vô số phụ nữ chạy theo chuẩn đẹp mà họ không thực sự thích – mà chỉ tin rằng "đó là thứ đàn ông muốn". Và càng cố chạy, khoảng cách giữa bản thể thật và hình ảnh lý tưởng càng giãn rộng. Phụ nữ, thay vì được là chính mình, lại trở thành phiên bản thẩm mỹ của một gu thẩm mỹ không rõ ràng.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà bất kỳ tình huống nào cũng có thể bị biến thành trò tiêu khiển – miễn là ai đó đủ đẹp. Câu chuyện giữa L.F – M.N và Wren Evans là một ví dụ rõ nét: khi nhan sắc trở thành đơn vị đo lường giá trị, thì đạo đức bị đẩy ra ngoài khung hình.
Câu hỏi cần đặt ra không phải là: “Ai đẹp hơn?” Mà là: “Tại sao chúng ta cứ mãi phán xét con người bằng nhan sắc?” Đã đến lúc Gen Z – và cả chúng ta – cần dừng lại một nhịp để đặt lại cân bằng: giữa đẹp và tử tế, điều gì mới thật sự đáng trân trọng?
Mia