Vụ Xuyên Việt Oil: Bị cáo Hoàng Anh Tuấn nhận sai, xin thêm tình tiết giảm nhẹ

Vụ Xuyên Việt Oil: Bị cáo Hoàng Anh Tuấn nhận sai, xin thêm tình tiết giảm nhẹ
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 26/11, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và các tổ chức khác.
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) đã luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Trong đó, bị cáo Hoàng Anh Tuấn, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) bị đề nghị mức án 7-8 năm tù về tội “nhận hối lộ”.
Bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư đồng tình với cáo trạng truy tố, khẳng định đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, luật sư cho rằng mức án 7-8 năm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ và bối cảnh hành vi phạm tội. Luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đề nghị mức án thấp hơn, khoảng 4-5 năm tù.
Bị cáo Hoàng Anh Tuấn, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).
Theo luật sư, việc nhận hối lộ của bị cáo Tuấn xuất phát từ sự chủ động của người đưa hối lộ (Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil). Bị cáo không yêu cầu hay thỏa thuận trước. Lời khai của bị cáo Hạnh cũng cho thấy tiền hối lộ đã bị giảm trước khi đến tay bị cáo Tuấn. Điều này phản ánh rằng bị cáo Tuấn không biết trước hoặc có ý định nhận số tiền cụ thể.
Ngoài ra, bị cáo Tuấn chỉ kiểm tra xác suất một vài điểm khi cấp phép lại cho Công ty Xuyên Việt Oil, không kiểm tra toàn diện. Hành vi này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chủ quan, bị cáo chịu áp lực từ cấp trên yêu cầu xử lý sớm, dẫn đến bỏ qua công đoạn kiểm tra. Khách quan, hệ thống quản lý của Bộ Công Thương thường chỉ kiểm tra xác suất, dựa trên kết quả giám sát của Sở Công Thương. Vì vậy, đoàn kiểm tra của Bộ Công thương chỉ kiểm tra bằng biện pháp quan sát, không nhất thiết phải kiểm tra toàn bộ giấy tờ là hợp lý.
Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm 2021, khi Công ty Xuyên Việt Oil có 49 đại lý trải dài trên 7 tỉnh, thành phố thuộc 3 miền, việc kiểm tra trực tiếp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và hạn chế đi lại. Thay vào đó, bị cáo Hoàng Anh Tuấn đã sử dụng video ghi hình từng cửa hàng để thay thế kiểm tra trực tiếp.
Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương lúc đấy là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung xăng dầu. Thời điểm đó, nhiều cửa hàng sai phạm. Nếu thu hồi toàn bộ giấy phép, nguy cơ đứt gãy nguồn cung, thậm chí sụp đổ hệ thống an ninh xăng dầu, là rất cao. Với Xuyên Việt Oil, chiếm 12% tổng cung xăng dầu toàn quốc, 20% nguồn cung miền Nam và 40% tại TP.HCM, việc thẩm định và cấp phép lại nhanh chóng là cần thiết để tránh thị trường đột ngột giảm 12% nguồn cung, gây rối loạn.
Luật sư lập luận rằng, nội dung bào chữa này không nhằm bao biện cho sai phạm mà để làm rõ áp lực và hoàn cảnh mà bị cáo đối mặt. Trong bối cảnh doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn nghiêm trọng do dịch Covid-19 và bị cáo chịu áp lực xử lý nhanh, việc bỏ qua một số bước kiểm tra có thể cảm thông được.
Bị cáo Tuấn không che giấu việc chỉ kiểm tra xác suất và đã nêu rõ trong văn bản cấp phép lại rằng một số đại lý không được kiểm tra đầy đủ. Dù không thực hiện kiểm tra toàn diện, các cấp lãnh đạo vẫn phê duyệt quyết định này. Luật sư cũng nhấn mạnh rằng vi phạm quy định về trích lập quỹ bình ổn giá (BOG) của Xuyên Việt Oil không nằm trong các điều kiện để xem xét cấp lại giấy phép.
Luật sư khẳng định, ngay khi phát hiện sai phạm của Xuyên Việt Oil trong việc quản lý quỹ bình ổn giá, bị cáo Hoàng Anh Tuấn đã chủ động đề xuất biện pháp xử lý nhằm khắc phục thiệt hại.
Cụ thể, chỉ 4 ngày sau khi nhận công văn từ Cục Quản lý Giá (Bộ Công Thương) về các sai phạm của thương nhân, bị cáo đã ban hành văn bản yêu cầu Xuyên Việt Oil tuân thủ nghiêm ngặt quy định về trích lập, sử dụng và quản lý quỹ BOG. Đồng thời, bị cáo đề xuất nhanh chóng thu hồi giấy phép của công ty một cách quyết liệt để giải quyết sai phạm kịp thời.
Bên cạnh đó, bị cáo có quá trình công tác tích cực, từng nhận nhiều bằng khen, giấy khen, và được sự ủng hộ từ các công đoàn viên của Bộ Công Thương. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét những tình tiết này để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hoàng Anh Tuấn bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của luật sư. Bị cáo nhận thức rõ sai phạm, mong Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, công và tội được đánh giá rõ ràng, và hy vọng nhận mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình và đóng góp cho xã hội.
Trước đó, trong phần luận tội, Viện Kiểm sát ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Hoàng Anh Tuấn gồm: đã nộp 145.000 USD để khắc phục toàn bộ hậu quả. Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án. Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong công tác, có nhiều bằng khen, giấy khen, gia đình có công với cách mạng.
Được áp dụng điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng Điều 54 BLHS; Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP khi quyết định hình phạt.
Việt Dũng
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/vu-xuyen-viet-oil-bi-cao-hoang-anh-tuan-nhan-sai-xin-them-tinh-tiet-giam-nhe-d230943.html