Sáng 26/11, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Anh Tuấn (cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) đồng ý với quan điểm của Viện Kiểm sát (VKS) về việc bị cáo là đúng người, đúng tội và nhất trí với cáo trạng truy tố.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng mức án từ 7-8 năm tù là quá cao và nghiêm khắc so với tính chất, mức độ, cũng như bối cảnh của hành vi phạm tội. Do đó, luật sư kính mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm nhẹ các tình tiết và áp dụng chính sách khoan hồng để bị cáo được hưởng mức án từ 4-5 năm tù.
Về việc đưa và nhận hối lộ, luật sư cho rằng bị cáo Tuấn không có yêu cầu hay đòi hỏi nào. Bị cáo Hạnh là người chủ động tiếp cận, nhờ người giới thiệu và tự nguyện đưa tiền. Điều này hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo Hạnh tại tòa.
Cụ thể, lần đầu tiên Hạnh đưa 10.000 USD nhưng Nguyễn Văn Thắng, (Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Xuyên Việt Oil) chỉ giao cho Tuấn 5.000 USD, và lần thứ hai cũng vậy.
"Nếu có sự thỏa thuận hay yêu cầu từ bị cáo Tuấn, Thắng không thể tự ý giảm số tiền mà không ai biết. Hơn nữa, giữa bị cáo Tuấn và Hạnh đã có gặp gỡ, trao đổi, nên nếu có thỏa thuận, Tuấn sẽ phải hỏi lại Hạnh nếu số tiền không chính xác", luật sư nói và đề nghị HĐXX căn cứ vào nội dung xét hỏi và các tình tiết khác để đánh giá hành vi này.
Ngoài ra, về hành vi thiếu kiểm tra 100% khi làm thủ tục cấp phép lại cho Công ty Xuyên Việt Oil, luật sư cho rằng đây là hành vi có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là bị cáo Tuấn chịu sự tác động và nể nang của cấp trên, đồng thời bị áp lực xử lý sớm từ lãnh đạo, dẫn đến việc bỏ qua công đoạn kiểm tra. Dù đây là lỗi của bị cáo, nhưng cũng có thể cảm thông phần nào.
Về nguyên nhân khách quan, luật sư trình bày rằng hệ thống quản lý của Bộ Công thương yêu cầu việc cấp phép đã trải qua quá trình kiểm tra và giám sát định kỳ của Sở Công thương. Do đó, việc đoàn kiểm tra của Bộ chỉ kiểm tra bằng quan sát mà không cần phải kiểm tra toàn bộ giấy tờ là hợp lý.
Thêm vào đó, vào thời điểm cuối năm 2021, khi đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng, việc di chuyển gặp khó khăn, khiến cho việc kiểm tra trực tiếp trở nên khó khăn. Vì vậy, bị cáo đã chọn cách xem video của từng cửa hàng thay vì kiểm tra trực tiếp.
Bên cạnh đó, luật sư cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của Bộ Công thương là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khi đó, nếu thu hồi hết giấy phép của các cửa hàng vi phạm, có thể dẫn đến sự đứt gãy nguồn cung xăng dầu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Xuyên Việt Oil là công ty chiếm 12% thị phần xăng dầu toàn quốc và 40% tại TP.HCM, do đó việc bỏ qua một số bước kiểm tra trong quá trình cấp phép có thể thông cảm được, vì nếu không làm vậy sẽ làm giảm 12% cung cấp xăng dầu, gây rối loạn thị trường.
Luật sư khẳng định rằng không phải để biện minh cho hành vi sai phạm, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn sau đại dịch, và bị cáo chịu áp lực từ cấp trên, nên đã có sự chủ quan trong kiểm tra. Bị cáo cũng không che giấu hành vi của mình, trong văn bản cấp phép, bị cáo đã rõ ràng chỉ ra các đại lý chưa được kiểm tra 100%, và việc này vẫn được lãnh đạo đồng ý phê duyệt.
Khi phát hiện sai phạm của Xuyên Việt Oil trong việc quản lý quỹ bình ổn giá, bị cáo Tuấn đã nhanh chóng đề xuất các biện pháp xử lý và thu hồi giấy phép.
Cụ thể, chỉ sau 4 ngày nhận công văn từ Cục quản lý giá Bộ Công thương, bị cáo đã yêu cầu Xuyên Việt Oil thực hiện đúng quy định về quỹ BOG và đề xuất thu hồi giấy phép.
Cuối cùng, luật sư đề nghị HĐXX xem xét những đóng góp của bị cáo trong quá trình công tác, với nhiều bằng khen, giấy khen, và đơn từ công đoàn viên Bộ Công thương, để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Hoàng Anh Tuấn cũng đồng tình với ý kiến của luật sư, nhận thức rõ sai phạm của mình và mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đưa ra mức án thấp nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội.
Đức Anh