'Vua đồ chơi' Hà Trọng Dũng: Hành trình đánh thức tuổi thơ Việt

'Vua đồ chơi' Hà Trọng Dũng: Hành trình đánh thức tuổi thơ Việt
9 giờ trướcBài gốc
Trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, khái niệm "đồ chơi trẻ em" còn khá xa lạ, hoặc nếu có, cũng chỉ là những món đồ đơn sơ, thiếu tính sáng tạo và đôi khi không an toàn. Giữa bối cảnh đó, kỹ sư Hà Trọng Dũng đã không chỉ tạo ra những món đồ chơi đơn thuần, mà còn thổi hồn vào chúng bằng tình yêu trẻ thơ, bằng tư duy khoa học và cả những trải nghiệm nhân sinh sâu sắc từ những năm tháng làm phiên dịch y tế nơi chiến trường Iraq khốc liệt.
Hành trình trở thành "Vua đồ chơi" của kỹ sư Hà Trọng Dũng là một câu chuyện độc đáo, đầy đam mê và khát vọng cống hiến cho thế hệ tương lai đất nước.
Kỹ sư Hà Trọng Dũng - "vua đồ chơi" Việt Nam. Ảnh: Mai Loan.
Từ chiến trường Iraq đến "nhà trẻ thực nghiệm" giữa lòng Hà Nội
Ít ai biết rằng, con đường dẫn lối Kỹ sư Hà Trọng Dũng đến với thế giới đồ chơi trẻ em lại bắt nguồn từ một công việc tưởng chừng không liên quan: phiên dịch y tế tại Iraq vào cuối những năm 1980 (khoảng 1988-1990).
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Hà Trọng Dũng cho biết, ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư ô tô, nhưng số phận run rủi lại đưa ông đến với ngành y trong vai trò phiên dịch. Nhiều người khi đó cũng thắc mắc tại sao ông lại chuyển “gam” nhanh như thế. Từ một kỹ sư cơ khí mà lại sang dịch y tế hoàn hảo.
Tại Iraq, nơi bom đạn và sự sống chết diễn ra hàng ngày, đôi tay ông đã nâng đỡ, đôi tai ông đã lắng nghe nỗi đau của hàng ngàn nạn nhân. Ông làm việc cùng hàng trăm y bác sĩ Việt Nam tại các bệnh viện lớn nhỏ, tiếp xúc với đủ loại bệnh tật, chứng kiến sự mong manh của kiếp người. Chính những trải nghiệm sâu sắc này đã thôi thúc ông một khao khát: phải làm điều gì đó ý nghĩa hơn cho cuộc sống, đặc biệt là cho trẻ em – mầm non của tương lai.
Trở về Việt Nam vào đầu những năm 90, ông Dũng nhận thấy một khoảng trống lớn trên thị trường: sự thiếu vắng những món đồ chơi an toàn, mang tính giáo dục và phù hợp với tâm lý trẻ em Việt Nam.
"Thời điểm đó, ở nước ngoài, trẻ em có đủ loại đồ chơi hiện đại, trong khi trẻ em Việt Nam lại chưa có đồ chơi, rất thiệt thòi. Với số tiền tích lũy được, tôi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, đồ chơi trẻ em”, ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, kỹ sư Hà Trọng Dũng không lao ngay vào sản xuất, mà chọn một cách tiếp cận bài bản. Ông thuyết phục vợ (vốn đang làm việc tại Nhà máy Điện cơ) nghỉ việc, mở một "nhà trẻ thực nghiệm tư nhân" ngay tại ngôi nhà số 41 Hàng Đậu, Hà Nội. Mục đích, như ông nói, là "để xem trẻ con chơi thế nào", rồi từ đó, mới thiết kế ra đồ chơi cho trẻ con.
Ngôi nhà 41 Hàng Đậu trở thành một phòng thí nghiệm sống động, nơi ông Dũng quan sát tỉ mỉ cách trẻ vui chơi, cách trẻ tương tác với đồ vật, những gì thu hút trẻ, những gì giúp trẻ phát triển tư duy và kỹ năng. Từ những quan sát thực tế đó, những ý tưởng về đồ chơi bắt đầu hình thành.
Cú rẽ ngang định mệnh và danh xưng "Vietnam Toy King"
Con đường theo đuổi đam mê đồ chơi của kỹ sư Dũng không hoàn toàn bằng phẳng. Có một giai đoạn ngắn (khoảng 1992), tài năng và sự nhạy bén của ông được ghi nhận, ông được mời về làm thư ký cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, ngọn lửa với đồ chơi trẻ em vẫn âm ỉ cháy. Ông nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa lớn lao của việc tạo ra những sản phẩm định hình tuổi thơ.
Các đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng được các em nhỏ yêu thích. Ảnh: NVCC.
Ông mạnh dạn đề xuất và xin lãnh đạo Bộ cho "nghỉ không ăn lương" để ra ngoài thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất đồ chơi. Đây là một quyết định táo bạo trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bấy giờ, khi mô hình doanh nghiệp tư nhân còn mới mẻ.
Và rồi, những sản phẩm đồ chơi đầu tiên mang thương hiệu Hà Trọng Dũng ra đời. Những đồ chơi bằng gỗ như la bàn, xích đu, bập bênh, cầu chui, xà đơn xà kép, con quay gió,... được các em học sinh rất chuộng và thích thú. Đặc biệt, nó còn được các đại sứ quán, tổ chức quốc tế chọn làm quà tặng cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
Những đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng không phải là những món đồ sao chép rẻ tiền, mà là kết tinh của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng tại "nhà trẻ thực nghiệm". Chúng là những bộ đồ chơi được thiết kế riêng cho từng lứa tuổi: "3 tuổi chơi cái gì, 5 tuổi chơi cái gì", đảm bảo an toàn, kích thích sự sáng tạo và phù hợp với văn hóa Việt.
Với thành công ban đầu từ thị trường, năm 1998, kỹ sư Hà Trọng Dũng lập xưởng sản xuất đồ chơi tại Hào Nam (Đống Đa, Hà Nội). Cuối năm, ông nhận lời thiết kế sân chơi "Vườn cổ tích" cho VTV, tự tay chế tạo nhiều đạo cụ cho 5 buổi ghi hình đầu tiên và được đánh giá cao. Chính dự án này đã góp phần quan trọng giúp ông Dũng hoàn thiện ý tưởng phát triển đồ chơi cho học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT.
Sự mới lạ, chất lượng và tâm huyết đặt vào từng sản phẩm đã nhanh chóng thu hút sự chú ý. Không chỉ được phụ huynh và trẻ em đón nhận, sản phẩm của ông Dũng còn thu hút cả truyền thông quốc tế.
Phóng viên của Reuters, sau khi trò chuyện, tìm hiểu về ý tưởng và quá trình làm việc đầy tâm huyết của ông, đã gọi ông là "Vietnam Toy King" trong một bài báo quốc tế. Danh xưng "Vua đồ chơi Việt Nam" ra đời từ đó, như một sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực tiên phong và đóng góp độc đáo của kỹ sư Hà Trọng Dũng.
Triết lý làm đồ chơi: Không chỉ là kinh doanh
Danh hiệu "Vua đồ chơi" đã truyền cảm hứng để kỹ sư Hà Trọng Dũng tiếp tục sứ mệnh của mình. Ông mời các lãnh đạo bộ ngành, chuyên gia giáo dục, phóng viên đến tham quan, trải nghiệm tại nhà trẻ và xưởng sản xuất của mình, để họ thấy được giá trị thực sự của đồ chơi đối với sự phát triển của trẻ.
Niềm vui trên gương mặt các em nhỏ là một phần động lực để "vua đồ chơi" Hà Trọng Dũng nỗ lực làm ra những sản phẩm tốt hơn. Ảnh: NVCC.
Kỹ sư Hà Trọng Dũng làm việc không ngừng nghỉ, vừa thiết kế, vừa giám sát sản xuất, vừa trực tiếp tham gia cùng thợ. Với ông, làm đồ chơi không đơn thuần là kinh doanh kiếm lời. “Tôi làm với ý tưởng làm sao để thay đổi nhịp sống của trẻ em, vì trẻ em, chứ mục tiêu cao nhất không phải là kinh doanh", ông khẳng định. Dù vậy, khi cần, ông vẫn thể hiện mình là một nhà kinh doanh giỏi để duy trì và phát triển tâm huyết của mình.
Đồ chơi của kỹ sư Hà Trọng Dũng từ xưởng sản xuất ban đầu dần có mặt ở nhiều nơi. Đến năm 2015, với suy nghĩ "miền Bắc có đồ chơi thì trẻ con miền Nam cũng phải có", ông quyết định Nam tiến, chuyển một phần hoạt động sản xuất vào Bình Dương với sự giúp đỡ của bạn bè. Ông muốn lan tỏa những sản phẩm đồ chơi ý nghĩa đến với trẻ em trên mọi miền đất nước, cho thấy, đồ chơi không chỉ để giải trí, mà còn là công cụ giáo dục quan trọng, là phương tiện để trẻ khám phá thế giới, phát triển trí tuệ, nuôi dưỡng tâm hồn.
Từ một kỹ sư cơ khí đến phiên dịch y tế rồi thành "Vua đồ chơi", hành trình của kỹ sư Hà Trọng Dũng là cả một nỗ lực sáng tạo không ngừng. Ông đã góp phần làm giàu thêm thế giới tuổi thơ của biết bao trẻ em nước nhà.
Mai Loan
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/vua-do-choi-ha-trong-dung-hanh-trinh-danh-thuc-tuoi-tho-viet-2097274.html