Tôi là một phụ huynh, cũng là giáo viên. Khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi là Thông tư 29) có hiệu lực từ 14/2/2025, rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tôi cũng xin góp vài ý kiến như sau:
Tại sao dẫn đến hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan
Trước đây, học sinh chỉ học trên lớp 1 buổi, thầy cô giao thêm nhiệm vụ về nhà và phải hoàn thành, nếu bài khó hôm sau có thể hỏi thầy cô giảng giải thêm.
Sau này, việc học thêm để bổ trợ kiến thức là nhu cầu thật sự của một số học sinh khi cần ôn luyện để thi cử (thường là học sinh cuối cấp). Khi được báo môn thi tốt nghiệp, nhà trường sẽ sắp xếp lại phân công giáo viên, ai dạy ôn thi thì bớt việc khác.
Công việc kiêm nhiệm được san sẻ cho những người không ôn thi, và nhà trường sắp xếp giáo viên dạy ôn thi cho học sinh (không thu tiền).
Số học sinh tham gia cũng chỉ là các em cuối cấp cần thi tốt nghiệp. Học sinh trung học phổ thông nếu muốn ôn thi đại học, phải đến các lớp luyện thi cấp tốc tại các trường đại học mở ra, theo khối thi mình chọn.
Đó là nhu cầu thật sự, không ai bắt buộc cả. Và thấy giáo viên dạy tốt thì theo, không thì thôi.
Ảnh minh họa
Khi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm có thu tiền ra đời, nhiều địa phương có quy định về dạy thêm, học thêm ở địa phương.
Theo đó, các trường được phép dạy thêm có thu tiền, và đề ra mức thu rất cụ thể: Với từng lớp sĩ số như nào thì thu bao nhiêu 1 tiết, không hạn chế số buổi dạy, môn dạy trên trường, thì các nhà trường thấy đây là nguồn thu nhập đáng kể.
Vì thế có những trường trung học cơ sở cho dạy cả các môn không liên quan đến thi cử (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa), và các khối chưa cần ôn luyện.
Khi thực hiện chương trình mới, có những nội dung bố mẹ không tự dạy được con. Thầy cô tìm đủ mọi cách lôi kéo học sinh về nhà học thêm. Có không ít người bớt kiến thức trên lớp chính khóa, mang về lớp dạy thêm để dạy.
Họ lý giải rằng 45 phút không đủ để truyền tải kiến thức. Đa số học sinh đến học ở nhà thầy cô đều vì sợ bị phân biệt đối xử, sợ bị điểm kém. Thậm chí có những phụ huynh đóng tiền học cho con ở nhà cô, nhưng không đưa con đến học.
Học thêm còn xuất phát từ tâm lý đám đông của phụ huynh: con người ta học thêm, con mình không có. Nhiều người đến cơ quan còn khoe như kiểu nhà mình có điều kiện cho con học thầy này cô kia, học ca này ca khác. Đó cũng là một kiểu tiếp tay dẫn đến việc dạy thêm tràn lan như hiện nay.
Có nhiều đứa trẻ còn học không kịp ăn, học “không kịp thở”. Sáng đến lớp học chính khóa, chiều học thêm tại trường. Sau đó ăn tạm gói xôi cái bánh rồi lại đến học nhà cô, về đến nhà mệt nhoài vì bài vở các môn khác. Có những đứa trẻ không có thời gian vui chơi, thành cỗ máy, bị trầm cảm vì áp lực điểm số để đẹp lòng bố mẹ, vì các tấm giấy khen để bố mẹ sống ảo.
Về phía phụ huynh: Bố mẹ nai lưng kiếm tiền, áp lực kinh tế đè nặng. Và một trong những khoản chi trả lớn của phụ huynh trong nhiều năm vừa qua là dành cho học thêm.
Thông tư 29 ảnh hưởng thế nào?
Trong quy định trước đây, mức chi tiền dạy thêm theo tỉ lệ: Giáo viên trực tiếp dạy hưởng 70%, công tác quản lý 15%, hỗ trợ cơ sở vật chất 15%. Như vậy giáo viên không dạy thêm sẽ không được hưởng từ nguồn dạy thêm trong trường.
Có nhiều giáo viên trong nhóm được dạy thêm mắc bệnh “sao” với đồng nghiệp, thậm chí coi thường đồng nghiệp ở các môn không được dạy thêm.
Có nhiều giáo viên tìm nhiều cách để được phân công dạy lớp “ngon”, đông học sinh (tăng thu nhập cho mỗi buổi dạy).
Bây giờ, khi Thông tư 29 được ban hành, nhiều giáo viên kêu ảnh hưởng đến nguồn thu nhập. Là người trong cuộc, tôi thấy Thông tư 29 chỉ ảnh hưởng nguồn thu của giáo viên Toán, Văn, Tiếng Anh và Ban giám hiệu nhà trường, mà không ảnh hưởng đến giáo viên các môn khác. Như vậy khi áp dụng Thông tư 29 sẽ tạo sự công bằng trong toàn bộ giáo viên.
Nhìn ra toàn xã hội, so mặt bằng chung với viên chức các ngành nghề khác thì giáo viên đều thu nhập cao hơn khi được hưởng 30-40% phụ cấp đứng lớp.
Định mức tiết dạy tối đa mỗi tuần 19 tiết (tiết 45 phút), nghĩa là 855 phút mỗi tuần, bằng khoảng 15 giờ làm việc.
Nếu cộng với việc chấm bài soạn giáo án, quy đổi 1/1 thì tổng khoảng 30 giờ làm việc (vẫn lợi hơn các ngành khác 10 giờ 1 tuần). Chưa kể mỗi năm nghỉ 2 tháng hè, hưởng toàn bộ lương và phụ cấp đứng lớp.
Nhìn sang giáo viên dạy các môn học khác (ngoài Toán, Văn, Anh) không có dạy thêm, họ vẫn đang sống với mức lương hiện tại.
Vậy các ý kiến phản ứng Thông tư 29 chỉ đại diện cho một bộ phận nhỏ giáo viên được lợi từ việc dạy thêm. Họ coi dạy thêm là miếng bánh ngọt, tìm mọi cách lôi kéo học sinh, hợp thức hóa với phụ huynh.
Với phụ huynh và học sinh: Thông tư 29 giảm rất nhiều áp lực tài chính với phụ huynh.
Bên cạnh đó cũng giảm áp lực học hành với học sinh. Các em có nhiều thời gian phát triển khả năng bản thân như đàn hát, vẽ, thể thao, kỹ năng sống, làm việc nhà giúp bố mẹ, quan tâm đến ông bà, bạn bè hơn.
Các em có những không gian riêng để thể hiện bản thân. Không bị cảm giác nơm nớp lo sợ khi không đến học nhà cô.
Khía cạnh nào đó, có người nói vui là “trả lại tuổi thơ cho trẻ em” khi chúng được ngủ đủ giấc, ăn bữa cơm đàng hoàng thay vì ăn vội cái bánh hộp sữa trong lúc ngồi sau xe bố mẹ để di chuyển từ lớp học thêm này đến điểm học thêm khác.
Giải pháp nào để quản lý dạy thêm học thêm?
Quan điểm của cá nhân tôi: Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29, nên thực hiện triệt để, tránh kiểu “chuyển từ hình thức dạy thêm này sang hình thức dạy thêm khác” do lách luật như một số hiện tượng gần đây.
Nếu đã cho phép dạy thêm như một ngành nghề kinh doanh, thì phải là kinh doanh có điều kiện: Đây là dạy chữ, dạy người nên phải là người có bằng sư phạm mới được phép đứng ra mở trung tâm (như bên ngành y phải có bằng cấp về y tế).
Thành lập Trung tâm dạy thêm bắt buộc có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, bảng, ánh sáng, quạt mát… (thậm chí còn quạt trên đèn theo đúng quy chuẩn để tránh hỏng mắt).
Mọi quy định về cơ sở vật chất phải theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Người dạy thêm cũng phải cam kết với trung tâm là không dạy trước chương trình sách giáo khoa. Về sĩ số cũng cần có quy định cụ thể, tránh nhồi nhét theo kiểu giáo viên nhờ chồng đứng tên, sau đó kê vài cái bàn vào nhà, và dạy.
Người kiểm tra các cơ sở này là những ai, cần quy định cụ thể, gắn trách nhiệm, tránh việc bắt cóc bỏ đĩa. Nếu thật sự sát sao, thì nên gắn với hiệu trưởng các trường, không để cho giáo viên của mình dạy thêm trá hình (nếu có thì áp dụng các hình thức kỷ luật.)
Thiết nghĩ, khi một thông tư trước khi ban hành đều đã được cân nhắc kỹ càng, dù còn một vài điều cần bàn, nhưng đã ban hành thì nên thực thi triệt để, tránh nhờn luật.
Hiện tại, một số giáo viên Toán, Văn, Tiếng Anh kêu ca là nếu không dạy thêm thì không thi được - đặc biệt kỳ thi chuyển cấp. Điều đó thật vô lý. Làm gì có một chương trình học mà nếu không học thêm thì không thi được? Lỗi tại chương trình quá nặng ư? Tại đề thì quá sức ư? Hay tại cái tâm của người đứng lớp?
Với các trường phổ thông: Giáo viên nào kêu không dạy hết bài, thì phải tự khắc phục, chứ cùng lượng kiến thức mà người dạy hết người không thì do trình độ truyền đạt của giáo viên yếu kém.
Trước thềm kỳ thi chuyển cấp, để đảm bảo kiến thức ôn tập cho học sinh và phụ huynh yên tâm, các trường nên xếp tăng 2 tiết mỗi tuần cho giáo viên các môn Toán, Văn, Anh, đồng thời chuyển bớt việc kiêm nhiệm sang giáo viên môn khác, sao cho tổng số đều là 19 tiết sau quy đổi, thì không phải thu tiền học sinh, mà vẫn đảm bảo đủ cơ số tiết theo quy định.
Về phía giáo viên dạy Toán, Văn, Tiếng Anh, phải tự ra thêm bài cho học sinh giỏi, kèm thêm cho học sinh yếu (trước đây gọi là học sinh hai đầu), đó là nhiệm vụ, là cái tâm của người giáo viên, là trách nhiệm với đầu ra của “sản phẩm đặc biệt” – là con người.
Đừng chỉ chăm chăm tìm cách lách luật để hợp pháp hóa chuyện dạy thêm. Cũng đừng vội kêu ca bị giảm thu nhập (hãy nhìn vào môn dạy khác, ngành nghề khác)
Về phía phụ huynh: Cần sắp xếp lại thời gian, hãy sống chậm một chút để gần gũi con hơn. Nếu giai đoạn nước rút có thể thuê gia sư về kèm trong thời gian ngắn trước khi thi. Đừng tạo áp lực điểm số cho con, không thỏa hiệp, tiếp tay cho cái sai.
Hiện tại, trên nền tảng số, rất nhiều chương trình ôn tập online miễn phí, hỗ trợ cho học sinh tự học, tự nghiên cứu, ôn tập. Có nhiều thầy cô tâm huyết cũng đưa các video bài giảng của mình chia sẻ trên mạng, để học sinh tự học tại nhà mà không cần đến lớp học thêm. Bố mẹ nên hướng dẫn con tham khảo các kênh dạy trực tuyến online này để củng cố thêm kiến thức bản thân.
Tôi ủng hộ Thông tư 29.
Nếu toàn thể xã hội đều vào cuộc, chắc chắn vấn nạn dạy thêm tràn lan sẽ tự hết.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguyễn Sang Đồng