'Vực dậy' ngành tôm: gợi ý từ mô hình công nghệ cao ở Bạc Liêu

'Vực dậy' ngành tôm: gợi ý từ mô hình công nghệ cao ở Bạc Liêu
8 giờ trướcBài gốc
Chi phí biến đổi và khấu hao thấp giúp tôm của E.S.G Farm có khả năng cạnh tranh cao. Ảnh: E.S.G Farm
Tại một hội nghị về ngành tôm diễn ra mới đây ở tỉnh Bạc Liêu, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nếu không có giải pháp đột phá, đến năm 2030, nếu đạt kim ngạch xuất khẩu 5-6 tỉ đô la Mỹ thì đã là điều đáng mừng với ngành tôm, khó mong có kết quả cao hơn. Lý do là giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao, cạnh tranh kém nên khó "bứt phá".
Thực trạng nêu trên đòi hỏi ngành tôm phải có hướng đi khác. Trong đó, trang trại tôm công nghệ cao ở ĐBSCL cho thấy hiệu quả hơn so với những mô hình khác.
Chi phí biến đổi và khấu hao thấp
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Thanh Triều, ngụ xã Long Điền, huyện Long Hải, tỉnh Bạc Liêu, hộ nuôi tôm công nghệ cao quy mô 10 héc ta, cho biết việc ứng dụng công nghệ vào quy trình nuôi có mức độ đầu tư khác nhau, tùy từng trang trại.
Tuy nhiên, ngoài lót bạt đáy ao, một số công nghệ được ứng dụng phổ biến, gồm quy trình cho ăn tự động dựa trên cảm biến theo dõi lượng thức ăn trong ao nuôi, thiết bị theo dõi chất lượng môi trường nước trong ao nuôi.
Ngoài ra, một số mô hình đầu tư lớn có thể áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS- Recirculating Aquaculture System) để lọc và tái sử dụng nước, giúp kiểm soát chất lượng tốt hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường hoặc ứng dụng công nghệ Biofloc, tức sử dụng vi sinh để phân hủy chất hữu cơ, giảm thiểu việc thay nước..
Bên cạnh ứng dụng công nghệ để kiểm soát rủi ro thì việc chuẩn hóa mô hình nuôi cũng là yếu tố cần được xem xét kỹ để chọn phương thức tiếp cận hiệu quả nhất, tức giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Trao đổi với KTSG Online, ông Triều cho biết, việc tiếp cận nguồn đầu vào (thức ăn) trực tiếp từ nhà máy giúp tiết kiệm khoảng 50% chi phí nhưng ông đang mua trả chậm qua trung gian vì mua nợ. Điều này, khiến giá thành sản xuất tôm rất cao, loại 100 con/kg, khoảng 80.000-100.000 đồng/kg, cao hơn so với mua từ nhà máy 20.000 đồng/kg.
Theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bạc Liêu, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nuôi tôm công nghệ cao, thức ăn cho tôm loại 40 đạm mua qua đại lý có giá 40.000 đồng/kg, mua trực tiếp từ nhà máy chỉ 27.000-28.000 đồng/kg, tức mỗi tấn thức ăn cao hơn từ 12-13 triệu đồng. Với diện tích ao nuôi 12.000 m2 như trang trại của ông, nếu mua qua đại lý, chi phí cho mỗi vụ nuôi cao hơn khoảng 700 triệu đồng so với mua trực tiếp từ nhà máy.
Đánh giá về khía cạnh khấu hao tài sản đầu tư, hai trang trại tôm nêu trên có mức khấu hao cao do vòng đời dự án ngắn, chỉ từ 3-5 năm. Chẳng hạn, với mức đầu tư 12 tỉ đồng cho trang trại 10 héc ta của ông Triều, vòng đời dự án 5 năm, tức khấu hao mỗi năm khoảng 2,4 tỉ đồng. Điều này, bắt buộc chủ nuôi phải thả ở mật độ nuôi cao để đảm bảo lợi nhuận nhưng mật độ nuôi càng cao thì nguy cơ dịch bệnh càng lớn.
Trao đổi với KTSG Online, TS Trần Hữu Lộc, người sáng lập, điều hành Công ty TNHH EcoSeafood Group và là giảng viên khoa thủy sản Trường đại học Nông lâm TPHCM, cho biết chi phí biến đổi và khấu hao của nhiều trang trại nuôi tôm công nghệ hiện nay cao, khó mở rộng.
Vì vậy, hai năm trước, EcoSeafood Group đã xây dựng E.S.G Farm, quy mô 30 héc ta, với 40 ao nuôi, đồng bộ ao ương dưỡng, xử lý nước thải, hệ thống lấy nước dài hơn 2km để xử lý mầm bệnh và dành 30% diện tích trồng rừng. Để mô hình nuôi dễ thành công thì phải kéo cả chi phí sản xuất và khấu hao cùng xuống thấp.
Theo ông, muốn chi phí sản xuất thấp thì phải nuôi quy mô lớn để có lợi thế để có đầu vào trực tiếp từ nhà máy (như với thức ăn cho tôm) với giá thấp. Chẳng hạn, nhập hàng từ nhà máy, giá thức ăn có thể chỉ còn 20.000-22.000 đồng/kg thay vì là 40.000 đồng/kg khi mua trả chậm qua trung gian. Đây là cách làm giúp giảm chi phí biến đổi trong sản xuất.
Nhờ vậy, giá tôm loại 50 con/kg (loại được nhà máy chế biến sử dụng nhiều nhất) ở E.S.G Farm chỉ có 50.000 đồng/kg, thấp hơn 30.000-40.000 đồng/kg so với nông hộ nuôi nhỏ lẻ bên ngoài.
Với chi phí cố định (đầu tư hạ tầng), nhờ kéo dài vòng đời dự án lên đến 10 năm nên khấu hao được kéo xuống thấp. Nhờ vậy, khối lượng tôm cần để hòa vốn cũng thấp. Vì vậy, E.S.G Farm không bị áp lực phải nuôi mật độ cao như những trang trại công nghệ cao khác.
Chi phí biến đổi ở trang trại nêu trên là 50.000 đồng/kg, nếu giá tôm nguyên liệu bán ra 100.000 đồng/kg thì cứ mỗi kg tôm lãi 50.000 đồng. Nếu trang trại có vốn đầu tư 20 tỉ đồng, tồn tại được trong 10 năm thì mỗi năm khấu hao 2 tỉ đồng, tức khối lượng hòa vốn sẽ là 40 tấn (lấy khấu hao chia cho lợi nhuận mỗi ký tôm).
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Lộc khuyến cáo, khi thiết kế trang trại nuôi cần lưu ý để đạt được khối lượng hòa vốn thấp, giúp người nuôi có thể nuôi tôm với mật độ thấp vẫn vượt qua được khối lượng hòa vốn hay nói cách khác có lãi.
Giảm chi phí để cạnh tranh với Ecuador, Ấn Độ
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, chi phí sản xuất tôm nguyên liệu của Việt Nam quá cao khiến khả năng cạnh tranh xuất khẩu với các đối thủ đến từ Ecuador, Ấn Độ là rất thấp. Ecuador nuôi tôm loại 30-35 con/kg giá thành chỉ 2,6 đô la Mỹ/kg trong khi giá của con tôm Việt Nam cao hơn cho nên phải hạ giá mới bán được.
Theo “vua tôm” Minh Phú, Việt Nam còn bán được tôm là nhờ vào phân khúc sản phẩm chế biến còn hàng “không giá trị gia tăng” đang là sân chơi của doanh nghiệp đến từ Ấn Độ và Ecuador. Đây cũng là lý do khiến tôm Việt xuất khẩu chỉ loanh quanh trên dưới 4 tỉ đô la Mỹ trong nhiều năm qua.
Bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh văn phòng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng để gia tăng thị phần khai thác của tôm Việt, điểm mấu chốt cần giải quyết là phải cạnh tranh hơn, tức phải giảm giá thành.
Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình của E.S.G Farm “có thể là gợi ý” tạo đột phá trong việc giảm giá thành cho ngành tôm ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều mô hình như thế trong thực tế để chứng minh được sự phù hợp và hiệu quả thì mới có thể đi đến quyết định phát triển theo hướng này.
Ông Lộc của EcoSeafood Group cho biết, đang làm việc với chính quyền tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, để nhanh chóng mở rộng mô hình. Khi có nhiều trang trại thành công thì nông dân sẽ dần thay đổi cách nghĩ, nhận ra rằng muốn tối ưu hóa chi phí sản xuất thì phải liên kết để có quy mô đủ lớn, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để đạt lợi thế về giá, thậm chí phải đăng ký doanh nghiệp nhằm tiếp cận được vốn vay.
“Nông dân phải có suy nghĩ như chủ doanh nghiệp hoặc hợp tác theo hướng người có đất, người có tiền và người có kinh nghiệm quản lý”, ông nói và kỳ vọng, khi hàng trăm ngàn hộ nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ hiện nay gom lại thì sẽ tạo nên vài ngàn nông trại có quy mô lớn, nuôi tôm với công nghệ cao, hiệu quả tốt để đem lại nguồn lợi không chỉ cho nông dân mà còn cho cả ngành tôm Việt Nam.
Trung Chánh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/vuc-day-nganh-tom-goi-y-tu-mo-hinh-cong-nghe-cao-o-bac-lieu/