Trong tháng 9/2024, nhà cửa, người thân, tài sản, hoa màu… bị cơn bão số 3 (Yagi) cuốn đi trong chốc lát nhưng chúng tôi vẫn vượt lên đau thương, mất mát bởi có các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời, đến nay gia đình tôi sắp có ngôi nhà mới - Bà Triệu Mùi Lai, xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (Nguyên Bình) đôi mắt ngấn lệ chia sẻ với chúng tôi và chỉ tay về phía công trường đang hối hả thi công những ngôi nhà tại khu tái định cư mới sau bão. Mặc dù bị thiệt hại đứng thứ 2 toàn quốc do cơn bão số 3, Cao Bằng đã và đang vực dậy, đẩy mạnh chiến lược thích ứng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.
Bài 1: Thiên tai - nỗi đau - trách nhiệm không của riêng ai
Đến nay, nhiều gia đình có người thân chết, mất tích, nhà cửa bị cuốn trôi, hư hỏng, thiệt hại hoa màu… do bão số 3 gây ra tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An… vẫn không dễ quên thảm họa đau thương. Đó không chỉ là nỗi đau của riêng những gia đình bị thiệt hại mà là vấn đề đặt ra cho cả nước và toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất kể quốc gia, khu vực nào…
Nỗi đau giữa đại ngàn
Cơn bão số 3 trước khi đổ bộ vào miền Bắc nước ta được dự báo là siêu bão và có sự chuẩn bị, ứng phó. Nhưng vì sức càn quét và hoàn lưu siêu bão quá mạnh nên Cao Bằng mặc dù có tỷ lệ che phủ rừng 55 - 60% vốn yên bình, chưa từng hứng chịu thiên tai nào khốc liệt nhưng đã bị thiệt hại nặng nề (đứng thứ 2 sau tỉnh Lào Cai.
Sau hơn 3 tháng (9 - 11/2024), anh Đặng Tòn San, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc (Nguyên Bình) vẫn còn chưa nguôi ám ảnh về thảm họa bất ngờ ập đến chỉ trong một đêm cướp đi 3 người trong gia đình. Anh San bùi ngùi kể lại: Đêm hôm đó, bản làng tĩnh lặng, cả nhà tôi đang ngủ bất ngờ đất, đá từ trên núi đổ ập xuống ào ào, đẩy ngôi nhà tôi trượt theo dốc núi khiến mỗi người cuốn văng đi theo đất, đá, rồi vùi lấp… tôi bị đất, đá lèn chặt, người lạnh toát và giãy giụa kêu la thảm thiết rồi lịm đi trong hoảng loạn. Hơn 1 giờ, mấy anh em trong xóm mới bới tìm thấy tôi và khiêng cáng đi trạm xá cấp cứu. Lúc đó, toàn thân tôi đau đớn rã rời, hoảng loạn, không biết bố mẹ, anh chị và các con ở đâu trong đất, đá sạt lở giữa đêm mưa gió thét gào… Hôm sau, khi dân quân tự vệ chuyển tôi đến ngã ba xã Ca Thành, tôi biết tin con gái và bố mẹ tôi đã chết vì bị đất, đá lở vùi lấp. Đôi chân tôi như thân cây bị chặt gốc, muốn đổ gục xuống bởi chỉ trong một đêm khối đất, đá vô tình kia đã cướp đi 3 người thân của tôi và nhà cửa… Đêm tai họa kinh hoàng cứ ngỡ như vừa hôm qua…
Cơn bão số 3 (Yagi) làm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành (Nguyên Bình) gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, hoa màu.
Anh L.V.D, huyện Bảo Lạc rưng rưng ngấn lệ kể lại: Sáng 9/9/2024, khi nhận được hung tin, tôi cố gượng đi xe đến nơi sạt lở ta luy xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành (Nguyên Bình), nhìn cảnh tượng nửa quả đồi hở hoác lở trượt, hàng nghìn tấn đất, đá sạt lở đang vùi lấp 2 chiếc xe ô tô và mấy chục người, trong đó có con trai tôi…, tôi bàng hoàng rụng rời chân tay, không ai có thể ngờ được 2 chiếc xe ô tô dừng lại bởi tắc đường lại trở thành điểm đỗ định mệnh vì bị đất, đá từ trên núi trượt lở cuốn xuống dưới vực sâu hun hút… Sau nhiều ngày các lực lượng chức năng dùng mọi phương tiện nỗ lực tìm kiếm mới thấy 2 chiếc xe ô tô bị nghiền thành nhiều mảnh nhỏ và xác những nạn nhân xấu số... Con trai tôi mới hơn 20 tuổi đã ra đi mãi mãi… Sinh mạng con người quá nhỏ bé, mong manh trước thảm họa thiên tai!
Chỉ trong 4 ngày (7 - 10/9/2024) do ảnh hưởng bão số 3, riêng tại Cao Bằng mưa to dài ngày, gió lốc xuất hiện lũ dâng cao trên sông, suối gây ngập lụt, sạt lở đất diễn ra nghiêm trọng tại các huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình và Thành phố đã cướp đi sinh mạng của 55 người, 16 người bị thương, 2 người mất tích; 1.986 nhà ở bị thiệt hại, ảnh hưởng do sạt lở đất, ngập nước; 1.061 nhà ở phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt; 53 cơ sở giáo dục, 161 công trình thủy lợi, 29 cầu cống, 5 trạm y tế, 8 công trình văn hóa, 13 công trình cấp nước sinh hoạt; 109 cột điện bị đổ, gãy; 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 2 hệ thống lưới điện và nhiều công trình khác bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước…; thiệt hại 4.612 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp, cây trồng lâu năm, hoa quả; trên 22 ha nuôi cá, cá ruộng và 26 lồng, bè nuôi cá các loại bị trôi, hư hỏng; 6.595 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng, nhiều khu vực dân cư chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề.
Giải pháp “kép” thích ứng và chống biến đổi khí hậu
Thời điểm cơn bão số 3 càn quét gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc, tại Cao Bằng (từ ngày 8 - 15/9/2024) diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024. Thiệt hại cơn bão số 3, hậu quả của BĐKH được hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế quan tâm, đưa chống BĐKH toàn cầu lên làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, khuyến nghị các quốc gia xây dựng chương trình hành động để bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại. Cao Bằng là thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đã chủ động hưởng ứng triển khai các nhiệm vụ trước mắt và chiến lược dài hạn chống BĐKH toàn cầu.
Ngay trong buổi chào xã giao của bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên với Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh, bà Lidia Brito bày tỏ: Vẻ đẹp tự nhiên của Non nước Cao Bằng như một viên ngọc quý bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 là thông điệp gửi đến mỗi chúng ta và thành viên CVĐC toàn cầu về trách nhiệm và hành động, sớm xây dựng kế hoạch tái thiết đời sống và có chiến lược lâu dài thích ứng với chống BĐKH, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ hành tinh xanh - ngôi nhà chung của chúng ta.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh đồng tình hưởng ứng. Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề từ BĐKH. Do vậy chủ động triển khai nhiệm vụ “kép”: Ứng cứu kịp thời giảm thiểu rủi ro thiên tai cho nhân dân. Tái thiết ban đầu để người dân sớm ổn định đời sống. Xây dựng chiến lược lâu dài chống BĐKH với các nhóm nhiệm vụ sau: Rà soát lại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét để xây dựng hệ thống cảnh báo, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, hướng tới thị trường bán tín chỉ các - bon để nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm áp lực lên rừng khai thác tài nguyên; tích cực thực hiện khuyến nghị của UNESCO về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng; bảo tồn đa dạng sinh học…; kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên, thiên nhiên, môi trường.
Cao Bằng báo cáo kinh nghiệm về thực hiện khuyến nghị của UNESCO từ năm 2018 - 2024 về xây dựng, vận hành hiệu quả CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng theo hướng phát triển xanh, bền vững với Bộ Ngoại giao và Hội đồng Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO để xây dựng “Tuyên bố Cao Bằng” với nhiệm vụ trọng tâm khuyến nghị các thành viên CVĐC Toàn cầu UNESCO của các quốc gia tích cực xây dựng chiến lược chống BĐKH toàn cầu đã được toàn thể đại biểu dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 đồng tình hưởng ứng.
Nhiệm vụ cấp bách ứng cứu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chống BĐKH toàn cầu được toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện. Cao Bằng vực dậy sau cơn bão số 3, đồng thời sớm triển khai các nhiệm vụ chiến lược dài hạn chống BĐKH toàn cầu, thực hiện khuyến nghị của UNESCO và “Tuyên bố Cao Bằng”.
Bài 2: Chạy đua với tử thần, giúp dân vượt qua rủi ro thiên tai
Trường Hà - Kim Dung - Minh Hòa