Làng hoa xã Mỹ Phước, huyện Mang Thích, tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị hoa vụ Tết.Ảnh: Trung Kiên
Cách đây ít ngày, một số hộ nông dân trồng cúc mâm xôi, loại hoa phổ biến dịp tết ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) buộc phải vứt bỏ hàng ngàn chậu cúc mâm xôi khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nguyên nhân là các chậu cúc này sẽ bị chậm ra bông (búp, nụ) sau Tết dù cây vẫn phát triển bình thường.
Cúc mâm xôi hút hàng sớm
Cúc mâm xôi là một trong những loại hoa dài ngày nhất dịp Tết được nông dân gieo trồng. Bắt đầu từ khoảng tháng 5-6 là nông dân đã xuống giống loại hoa này. Do thời gian chăm sóc dài nên chi phí nguyên vật liệu và công sức người dân bỏ ra khá lớn. Việc cúc chậm ra bông, không theo đúng kế hoạch đã buộc nông dân phải vứt bỏ bởi đặc thù hoa kiểng Tết phải đúng ngày.
Ông Trần Hữu Nghị - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết, địa phương là khu vực sản xuất cúc mâm xôi với sản lượng rất lớn. Tết năm nay dự kiến có khoảng 1,5 triệu sản phẩm cúc mâm xôi cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, sự cố cúc chậm nảy mầm đã ảnh hưởng khoảng 10% lượng cúc mâm xôi của địa phương. Toàn bộ số cúc này đều do một hộ dân ở địa phương tự ý nhân giống từ cúc mâm xôi của vụ hoa trước sau đó bán lại cho những hộ khác.
Theo ông Nghị, qua tìm hiểu thông tin từ người dân và phân tích mẫu cây thực tế thì cúc vẫn phát triển bình thường nhưng chưa ôm nụ theo dự kiến vì vậy nhiều hộ dân quyết định chặt bỏ cây. Bởi nếu tiếp tục chăm sóc thì sẽ tốn công sức nhưng không thu lợi nhuận do cúc mâm xôi chỉ bán được duy nhất dịp tết. Được biết, sau khi xác định những thiệt hại của các hộ dân này, ngành nông nghiệp địa phương đã có kế hoạch cam kết sẽ hỗ trợ giống cây, kỹ thuật trong những vụ hoa tới cho nông dân.
Tuy nhiên, việc nhiều hộ dân trồng cúc bị sự cố này đã vô tình mang tới tác động tích cực cho thị trường hoa kiểng tết của những nông dân khác ở miền Tây Nam bộ. Không riêng gì cúc mâm xôi bất ngờ tăng giá mà một số loại hoa kiểng khác cũng được nhiều thương lái hỏi mua sớm với giá cao hơn năm trước. Anh Nguyễn Văn Nhân, 42 tuổi, chủ một vườn hơn 2.000 giỏ cúc mâm xôi ở xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) cho biết mấy ngày gần đây có 3 thương lái gọi điện đặt cúc của nhà anh.
“Mấy năm trước thường qua năm mới người ta mới gọi điện nhưng nay họ gọi sớm vì sợ hết hàng. Giá cúc cũng cao hơn nhiều. Năm ngoái loại chậu lớn thì 200 ngàn một cặp nhưng nay lên chừng 230 ngàn rồi. Có thể giá sẽ còn lên nữa vì năm nay thời tiết không thuận lợi, cúc đẹp không dễ có đâu. Tôi mới chỉ nhận cọc của hai người quen trên Đắc Lắc thôi. Còn lại mình tiếp tục nghe ngóng thêm thời gian nữa rồi mới quyết định. Giờ cây đang đơm nụ nên phải chăm sóc kỹ để có hoa đẹp” - anh Nhân cho biết. Cũng theo người nông dân này, mức giá trên là bán tại vườn và ngoài chậu lớn thì các nhà vườn ở đây cũng sản xuất cúc mâm xôi chậu vừa và nhỏ, giá cũng có thay đổi tùy theo số lượng nhánh (cây con).
Nông dân ở Sa Đéc tất bật chăm sóc vụ hoa Tết 2025. ẢNH: ĐOÀN XÁ.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường tăng, một số hộ nông dân ở Chợ Lách chuyển hướng trồng thêm một số loại cúc ngắn ngày như cúc pha lê, vạn thọ để kịp vụ tết này. Anh Đặng Văn Huy, 38 tuổi ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) cho biết quyết định đầu tư thêm 40 triệu đồng để mua cây con, giỏ nhựa và đất vi sinh… trồng thêm hơn một ngàn giỏ cúc pha lê và vạn thọ.
“Tôi mua sẵn cây giống để kịp tết này. Cúc pha lê thì chỉ hơn hai tháng là bông nở đẹp rồi. Ngoài ra cũng trồng thêm mấy trăm chậu vạn thọ nữa. Đây là các loại bông giá rẻ và bình dân nhưng hy vọng năm nay sẽ hút khách. Ở đây mấy nhà họ cũng gấp rút trồng thêm các loại bông ngắn ngày cho kịp tết đó. Nếu với cúc mâm xôi chỉ bán ngày tết thì cúc pha lê, vạn thọ có thể bán quanh năm nên cũng bớt rủi ro hơn” - anh Huy chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài huyện Chợ Lách, cúc mâm xôi được trồng nhiều ở thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang)… Ngoài loại màu vàng đặc trưng, một số nông dân cũng lai tạo và trồng cúc mâm xôi có màu sắc khác để tạo sự mới mẻ và tăng nhu cầu của thị trường. Với nhiều nông dân, vụ cúc mâm xôi tết hứa hẹn sẽ mang tới lợi nhuận cao dù thời gian vẫn còn khá dài.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) cách đây ít ngày phải bỏ hàng ngàn chậu cúc mâm xôi do khó ra bông trước Tết. Ảnh: CTV.
Tất bật vụ hoa cuối năm
Ngoài cúc mâm xôi, thời gian này những vựa trồng hoa kiểng lớn ở miền Tây cũng đang hối hả bước vào vụ hoa kiểng tết với nhiều loại đặc trưng khác. Trong đó sôi động nhất là thành phố Sa Đéc, vựa hoa kiểng lớn nhất phía Nam. Những năm gần đây, hoa kiểng của nông dân Sa Đéc không chỉ cung cấp cho thị trường TPHCM và các tỉnh lân cận mà còn được bán ra Hà Nội hay sang cả Campuchia.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, trong vụ hoa Tết năm nay, địa phương đã xuống giống khoảng 100ha, tương đương như mọi năm, chủ yếu là cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, hoa hồng, cát tường, vạn thọ...
Riêng hoa cúc, nông dân Sa Đéc đã xuống giống khoảng 275.000 cây các loại để kịp phục vụ thị trường dịp Tết Ất Tỵ 2025. Hiện tại, một số loại hoa cúc được gần 100 ngày tuổi và đang trong giai đoạn phát triển tốt. Đây là giai đoạn quan trọng nhằm đảm bảo hoa đạt chất lượng, vì vậy, bà con trồng hoa cẩn thận chăm sóc từ việc bón phân, tưới nước đến quản lý dịch bệnh...
Bà Ngọc cũng cho biết, năm nay, nguyên liệu đầu vào như: phân rơm, phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc... tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngành hàng hoa kiểng vụ Tết Nguyên đán 2025. Do vậy, ngành chuyên môn đang vận động, khuyến cáo nông dân chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, sử dụng phương pháp 4 đúng, góp phần hạn chế chi phí trong canh tác hoa kiểng.
Có kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa kiểng, ông Nguyễn Văn Hòa ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc) cho biết vụ tết này vườn nhà ông có hơn 7.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là cúc, hồng lửa, đồng tiền kép, mào gà…
“Vụ hoa kiểng Tết thường đem lại thu nhập cao hơn vụ thường 2-3 lần nên mình cũng phải bỏ công sức nhiều hơn, chăm chút cẩn thận. Tôi chỉ trồng những loại hoa bình dân và bán tại vựa chứ không đem đi xa như một số người khác. Bây giờ cũng có mấy bạn hàng liên hệ rồi. Ở đây nhiều nhà vườn họ bắt đầu bán hàng trên mạng cho khách nhưng tôi chỉ bán cho thương lái quen thôi. Thời tiết năm nay mưa ít nên mình phải chăm sóc cây nhiều hơn. Từ nay tới cuối năm chắc chắn phải thuê thêm người nữa chứ một mình làm không xuể. Bởi gần Tết là mình cũng bắt đầu xuống giống cho vụ hoa tiếp theo nữa rồi” - ông Hòa cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này hàng trăm hộ dân ở Sa Đéc đang tất bật chăm sóc cho vụ hoa kiểng cuối năm. Trồng hoa không chỉ là nghề mà hiện nay còn là thương hiệu của thành phố nằm ven bờ sông Tiền này.
Ngoài những festival hoa dịp cuối năm, Sa Đéc còn thu hút một lượng lớn khách du lịch tới tham quan những vườn hoa dịp gần tết, mang tới thu nhập không nhỏ cho nhiều nông dân. Đây cũng địa phương mà nông dân có thói quen trồng hoa kiểng trên giàn ngập nước và sử dụng ghe thuyền để di chuyển chăm sóc hoa kiểng rất đặc trưng, tạo ra nét riêng cho thành phố này.
Những ngày này hàng trăm hộ dân ở Sa Đéc đang tất bật chăm sóc cho vụ hoa kiểng cuối năm. Trồng hoa không chỉ là nghề mà hiện nay còn là thương hiệu của thành phố Sa Đéc.
Đoàn Xá