Vùi hè trong màn hình

Vùi hè trong màn hình
13 giờ trướcBài gốc
Thế giới trẻ thơ bị thu hẹp vào khung hình chữ nhật của màn hình cảm ứng điện thoại thông minh. Ảnh: N.K
Trong góc quán cà phê dưới chân một cao ốc tại quận 1, TPHCM. Buổi sáng, người mẹ là nhân viên văn phòng công ty bảo hiểm phải chở hai đứa con nhỏ đến nơi mình làm việc, mua cho chúng đồ ăn sáng và gọi hai ly trà sữa, rồi giao cho chúng hai chiếc điện thoại. Chị không quên dặn dò nhân viên quán cà phê vốn đã quen mặt giúp trông chừng bọn nhỏ.
Hai đứa nhóc, một học cấp một và một đầu cấp hai, đang từng ngày như thế, đi qua hè với hai chiếc điện thoại ở quán cà phê cạnh văn phòng làm việc của mẹ. Chúng dán mắt vào TikTok, YouTube, các ứng dụng game và chat. Chúng thậm chí rất kiệm lời với nhau. Thế giới của từng đứa bị thu hẹp vào khung hình chữ nhật của hai màn hình cảm ứng điện thoại thông minh.
Trong phòng đọc thiếu nhi của thư viện, mặc dù thủ thư nhắc nhở các em đã vào đây thì bớt coi điện thoại mà hãy đọc sách, nhưng cũng có những bé vừa đọc sách vừa check điện thoại, thậm chí đi ra hành lang để thoải mái với thế giới trong chiếc điện thoại được xem là hấp dẫn hơn các trang sách.
Trải nghiệm trên chiếc điện thoại tưởng chừng như đủ cho một thế giới quan của những đứa trẻ. Những tương tác xã hội xung quanh trở nên thứ yếu.
Tại một vùng quê miền Trung, một bà ngoại đã than thở rằng, đứa cháu từ thành phố về quê nghỉ hè nhưng suốt ngày nó chỉ nằm trong phòng ôm cái điện thoại, không nói năng gì. Bà kể lại rằng nhiều năm trước, mỗi khi về quê, nó lăng xăng cùng bà đi chợ, ra vườn khám phá cây trái và chim chóc, còn bây giờ, chỉ cần rời cái điện thoại ra là nó như mất hồn. Tâm trí nó bị cầm tù trong chiếc điện thoại. Rồi bà cảm thán rằng không phải trẻ nhỏ đâu, bây giờ người ở quê cũng vậy, có khi chòm xóm đi thăm nhau, người ta không còn xởi lởi, vì ai cũng dán mắt vào điện thoại.
Làm gì để kéo con cái ra khỏi chiếc điện thoại thông minh?
Đó là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Có người đã phải ẩn danh, đăng nhập vào các game mà con mình đang chơi để tìm cách giám sát chúng “từ hang ổ”, nhưng cũng bất lực vì bọn trẻ rất nhạy, chúng dễ dàng nhận ra “gián điệp” đang ở ngay trong nhà. Có người tìm cách cài đặt app giám sát hay chặn một số ứng dụng game, nhưng đó là cách dễ bị bọn trẻ phản ứng cực đoan. Và rồi cha mẹ cũng không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận chiều theo ý con.
Trong các phiên tư vấn tâm lý hay khóa học kỹ năng hè ngắn hạn, các chuyên gia và huấn luyện viên phải xử lý rất nhiều trường hợp trẻ em bị chứng mất tập trung, lờ đờ trước cuộc sống chỉ vì lậm sâu vào các thiết bị công nghệ.
Đồng hành cùng con - cách nói đó xem ra dễ dàng và phổ biến trong các khóa dạy kỹ năng parenting (làm phụ huynh) nhưng để áp dụng vào các tình huống con cái bị “chìm đắm” vào thế giới ảo của công nghệ là điều vô cùng khó khăn. Không ít phụ huynh đã chấp nhận “gục ngã” trước cuộc chiến “giành lại” con mình trước một đối thủ không cân sức là chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng.
Những thách thức mới cho “nghề làm cha mẹ”
Qua rồi thời cha mẹ sinh con và thả cho chúng tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng sống trong xã hội, tự trưởng thành. Cũng phải chấp nhận một thực tế có thể đau lòng hơn: đã qua rồi thời trẻ con chủ động đồng cam cộng khổ với cha mẹ để lo cho chính cái ăn, cái học của mình để từ trong khốn khó, có những bài học quý giá về cuộc sống làm hành trang bước vào đời. Lứa phụ huynh có tuổi thơ trong thời bao cấp và đổi mới thường kể với con cái về những kỷ niệm đẹp, đầy tiếc nhớ về “ngày xưa” của mình. Nhưng không phải trẻ em nào trong thời đại này cũng có hứng thú để có thể lắng nghe cho hết câu chuyện.
Các bài học từ khốn khó sẽ dễ dàng trở thành một thứ giáo điều đối với bọn nhỏ sinh ra và lớn lên trong một thế giới mà mọi thứ được đáp ứng nhanh, có sẵn từ thức ăn vật chất cho đến các phương tiện tìm kiếm kiến thức. Chính ở điểm này, tiếng nói của phụ huynh không còn “thiêng” như tiếng nói của các KOL (người có sức ảnh hưởng) thức thời và biết nuông chiều thị hiếu của bọn nhỏ. Kinh nghiệm mồ hôi nước mắt của cha mẹ không đem lại nguồn hứng thú cho chúng bằng một vlog trải nghiệm thực tế của một YouTuber mà chúng được xem. Bài học từ sự dấn thân nhọc nhằn dễ bị coi là lý thuyết suông, không thể quyến rũ hơn một trò game đòi hỏi người chơi liên tục tham gia vào các trải nghiệm vượt cấp mà không cần phải kham khổ mới có được.
Trải nghiệm trên chiếc điện thoại tưởng chừng như đủ cho một thế giới quan của những đứa trẻ. Những tương tác xã hội xung quanh trở nên thứ yếu. Đến mức, nếu một đứa bé nghiện điện thoại, hình phạt tịch thu điện thoại có thể dẫn đến xung đột, gây ra sự choáng váng, mất động lực sống, xa hơn là sự trầm cảm. Những giám sát, cưỡng chế trong trường hợp này nhân danh quyền làm cha mẹ có khi dẫn đến những hệ quả khó lường trong mối quan hệ với con cái.
“Làm cha mẹ bây giờ khó thật”, đã nhiều lần người viết nghe những lời cảm thán đó từ các phụ huynh. Có quá nhiều lớp chia sẻ cách sống cùng con trên lý thuyết, nhưng không có một công thức chung quyết cho các vấn đề đang đặt ra. Các nhà trị liệu tâm lý thì thường giống như cảnh sát trong phim Hollywood, họ đến muộn, lúc các sự việc đã đâu vào đó.
Nhưng không lẽ không còn cách nào khác, để một đứa trẻ đang ở độ tuổi khám phá thế giới được bắt rễ suy nghĩ, nhận thức vào chính đời sống và háo hức trước thực tế? Và phải chăng mọi việc được quy về sự may hay không may ở chính tố chất tự nhiên của đứa trẻ trong việc tự giác, tự chủ trong cách thức sử dụng công nghệ?
Mùa hè của khám phá thiên nhiên, của sự xả hơi bên bạn bè hay của những nỗ lực cộng tác cùng gia đình để hình thành những bài học quý giá từ thực tế đã qua. Chúng ta đang cảm thấy tiếc nhớ vô cùng khi đứng trước mặt mình là những đứa trẻ dù đi đến đâu, ở thành phố hay về thôn quê, ở bãi biển hay trong nhà hàng, cũng chỉ muốn đóng cửa với chiếc điện thoại thông minh trên tay như tràng chuỗi hạt của người cuồng tín.
Là phụ huynh, liệu bạn có thấy cuộc sống như vậy là bình thường hay không?
Nguyễn An Nam
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/vui-he-trong-man-hinh/