Vùng biên bứt phá, vươn mình mạnh mẽ

Vùng biên bứt phá, vươn mình mạnh mẽ
2 giờ trướcBài gốc
ĐTO - Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp, nơi từng oằn mình dưới những biến động lịch sử, hôm nay đang trỗi dậy mạnh mẽ, khẳng định sức sống bằng chính nội lực phi thường. Biên giới nơi đây không chỉ là những đường ranh giới trên bản đồ, mà đã trở thành biểu tượng của tình đất nồng ấm, tình người son sắt và thế trận lòng dân vững như thành đồng.
Đô thị TP Hồng Ngự nhìn từ trên cao
VƯƠN LÊN ĐẦY TỰ HÀO
Trong ánh bình minh rạng rỡ, đứng trên cầu Hồng Ngự, nơi dòng sông Tiền cuồn cuộn chảy về phía biên giới, lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi khi nghĩ về chặng đường nửa thế kỷ đã qua. Mảnh đất Hồng Ngự kiên cường, từng gánh chịu bao đau thương của chiến tranh, giờ đây đang “khoác lên mình chiếc áo mới” của bình yên và hy vọng.
Với giọng nói trầm ấm, cựu chiến binh Huỳnh Thanh Dũng (87 tuổi, ngụ phường An Thạnh, TP Hồng Ngự), chia sẻ: “Hơn 50 năm trước, biên giới này chẳng lúc nào ngớt tiếng súng, đất ruộng bỏ hoang, đồng bào ly tán. Nhưng chúng tôi luôn tin tưởng rằng, giữ vững từng tấc đất này thì đất nước sẽ được bình yên. Vậy là, bao lớp thanh niên như tôi đã ở lại, vừa chiến đấu, vừa cùng người dân khôi phục cuộc sống”.
Khi biên giới Tây Nam hoàn toàn bình yên, Hồng Ngự dần lấy lại nhịp sống thanh bình. Nhưng bài toán về đói nghèo, thiếu thốn vẫn là nỗi trăn trở khôn nguôi. Những năm đầu thập niên 80, người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào cây lúa và mưu sinh theo mùa nước nổi. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương lòng và vết thương trên đất đai vẫn còn âm ỉ. Thế nhưng, từ trong gian khó, những con người nơi “đầu sóng ngọn gió” này đã kiên cường đứng lên, không chỉ để tồn tại mà còn biến vùng biên thành nơi khơi nguồn cho niềm tin và khát vọng. Từ một thị xã nhỏ sát biên giới, Hồng Ngự ngày nay đã vươn mình trở thành một thành phố trẻ trung, đầy sức sống. Năm 2020, thị xã Hồng Ngự chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển.
Nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và sự giúp đỡ tận tình của bộ đội, người dân vùng biên Hồng Ngự không chỉ đảm bảo cuộc sống no đủ mà còn vươn lên làm giàu. Giờ đây, cánh đồng xã Tân Hội (TP Hồng Ngự) đã canh tác 2 vụ lúa, xen canh hoa màu và nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, phát triển các trang trại chăn nuôi với thu nhập mỗi héc ta hàng trăm triệu đồng/năm. Lão nông Nguyễn Văn Niếu (ngụ ấp Tân Hòa Trung, xã Tân Hội), xúc động bày tỏ: “Ở đây, bộ đội không chỉ làm nhiệm vụ tuần tra, giữ vững biên cương, mà còn là những người bạn đồng hành của dân, giúp xây cầu, làm đường, xây dựng nông thôn mới và tận tình hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.
Ông Nguyễn Văn Niếu là một điển hình cựu chiến binh năng động trong sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Tân Hội. Thời tuổi trẻ, ông cống hiến cho cuộc chiến bảo vệ biên giới, ngày trở về xây dựng gia đình chỉ còn lại một phần sức lực. Nhưng với bản lĩnh và ý chí bất khuất của người lính, ông đã biến giấc mơ thành hiện thực, xây dựng mái ấm khang trang, cho 2 con ăn học thành đạt. Vẫn giữ nếp tỉ mỉ của người lính, ông không để đất nghỉ ngơi, áp dụng phương thức lấy ngắn nuôi dài, tận dụng bờ đất trống để trồng trọt, chăn nuôi bò..., vợ chồng ông miệt mài trên 2ha đất lúa và hoa màu, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng.
Thương lái đưa ghe tải trọng lớn vào tận bờ đê thu mua lúa của nông dân ở huyện Hồng Ngự
KHÁT VỌNG VƯƠN XA
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp không ngừng đẩy mạnh các giải pháp, ban hành nhiều chủ trương, tạo điều kiện để các địa phương, nhất là vùng biên giới phát huy nội lực, vươn lên mạnh mẽ. Cầu Sở Thượng 2, bắc qua sông Sở Thượng, kết nối trung tâm TP Hồng Ngự với 2 huyện Tân Hồng, Hồng Ngự giúp việc đi lại thuận lợi. Quốc lộ 30 được mở rộng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồng Ngự đến TP Cao Lãnh chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ. Hệ thống trường học, bệnh viện cũng được đầu tư mạnh mẽ.
Bước ngoặt thực sự cho vùng biên là khi cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sông Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) thông suốt với tỉnh PreyVeng (Campuchia). Việc khai thông cửa khẩu quốc tế này đã đồng bộ hóa hoạt động xuất nhập khẩu cả đường bộ và đường sông với cửa khẩu Kaoh Roka (Campuchia), tiến thêm một bước quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia.
Biên giới tỉnh Đồng Tháp từng chứng kiến bao mất mát, nhưng chính từ nơi đây, khát vọng hòa bình và thịnh vượng đã được ươm mầm. Những cánh đồng, những khu chợ vùng biên ngày càng đông đúc, những con đường, cây cầu khai thông huyết mạch đang minh chứng một điều: Đau thương không phải là cái cuối cùng. Hồng Ngự, nơi đã trải qua một chặng đường dài từ những ngày khói lửa chiến tranh đến một đô thị vùng biên đầy tiềm năng, đang từng ngày thay da đổi thịt.
Giữa trưa, không khí nhộn nhịp của mùa thu hoạch lúa trên cánh đồng dọc theo tuyến Kênh Cũ thuộc Ấp 3, xã Thường Phước 2, dường như xua tan đi cái oi bức đặc trưng của vùng biên giới huyện Hồng Ngự. Bên ruộng lúa 1ha, lão nông Phan Văn Thu (72 tuổi) nở nụ cười mãn nguyện vì lúa được giá, thu lãi cao sau khi trừ hết các chi phí. Ông Thu chậm rãi kể, vợ chồng tôi về Hồng Ngự sinh sống từ trước giải phóng. Khi vùng biên giới xảy ra chiến sự, vợ chồng đùm bọc nhau về Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) lập nghiệp. Đến năm 1980, khi tuyến biên giới an toàn, 2 vợ chồng mới trở về Kênh Cũ gầy dựng sự nghiệp cho đến ngày hôm nay. Nhà tôi có 7 nhân khẩu, các con đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, đi làm ăn xa. Tôi còn sức khỏe nên ở lại canh tác ruộng lúa.
Khi nghĩ về những năm tháng chiến tranh loạn lạc, về một vùng đất nghèo khó, quanh năm chịu ảnh hưởng của lũ lụt... đến những đổi thay hôm nay đã khiến những người lớn tuổi như vợ chồng ông Thu không nỡ rời xa Kênh Cũ. Bà Huỳnh Thị Yên (69 tuổi, vợ ông Thu), hào hứng kể: “Hồi đó vùng này chỉ có đường mòn, nay có đê cao, đường ô tô đi lại thông thoáng, lưới điện đầy đủ. Dù tuổi đã cao nhưng vợ chồng tôi vẫn gắn bó với ruộng đồng. Làm nông dân thời nay nhàn lắm vì cơ giới, máy móc thay thế sức người gần hết. Dưới sông, thương lái đưa ghe tải trọng lớn vào tận bờ đê thu mua lúa, trên đồng, máy gặt, máy chở lúa hoạt động liên tục, nhân công bốc vác không còn vất vả như xưa”.
16 năm kể từ ngày huyện Hồng Ngự tái lập (năm 2009), cũng là khoảng thời gian Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hồng Ngự không ngừng nỗ lực, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc. Những cố gắng cùng với sự hỗ trợ từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang đã và đang phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới Hồng Ngự. Đây thực sự là cầu nối vững chắc, thể hiện “Ý Đảng, lòng dân” trong công cuộc vươn lên xây dựng miền biên giới ngày càng thêm khởi sắc.
“KHOÁC CHIẾC ÁO MỚI”
Với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự chung tay góp sức của Nhân dân, huyện Tân Hồng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Huyện huy động được 4.590 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện giảm mạnh xuống còn 2,36%.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (ngụ ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng), sinh ra và lớn lên ở vùng đất có nghề chăn nuôi trâu, bò truyền đời. 20 năm trước, anh bắt đầu gây dựng cơ nghiệp bằng nghề thu mua, vỗ béo trâu, bò. Anh Tùng chia sẻ: “Tập quán của địa phương là chăn nuôi trâu, bò thả rông ra đồng từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch. Gia đình tôi không làm như vậy, mà nuôi nhốt chuồng. Tôi quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn và khu vực chăn thả đàn. Giờ thì quy mô trang trại gia đình tôi đảm bảo nguồn thức ăn cho 80 con bò và 50 con trâu” - anh Tùng nói với niềm tự hào.
Nghề chăn nuôi trâu, bò đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con vùng biên giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ năm 2017, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề thu mua trâu, bò vùng biên giới, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai xây dựng chợ mua bán trâu, bò theo hình thức chợ đầu mối ở huyện Tân Hồng, vừa cung ứng và phân phối sản phẩm, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Thời gian qua, người dân khu vực biên giới còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực về nguồn bò giống từ Chương trình hỗ trợ sinh kế cho Nhân dân vùng biên giới của Đoàn kinh tế Quốc phòng 959 (Quân khu 9). Theo phương pháp hỗ trợ cặp bò bố mẹ, sau khi bê con ra đời sẽ hoán trả một con bê giống. Nhờ đó, chương trình không chỉ giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần tăng đàn bò thương phẩm và bò giống chất lượng cao.
Trải qua 50 năm - một hành trình cho ước vọng hòa bình và thịnh vượng, kết quả giờ đây, dọc theo tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp là những đổi thay diệu kỳ: kết cấu hạ tầng phát triển, giao thương ngày càng nhộn nhịp, đời sống Nhân dân khởi sắc trên nhiều phương diện.
DƯƠNG ÚT
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/vung-bien-but-pha-vuon-minh-manh-me-131238.aspx