Quang cảnh Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Trường Giang
Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình được thành lập cách đây 67 năm (1957-2024) và đã nhiều lần thay đổi tên gọi (Trường Đảng tỉnh Ninh Bình, Trường Đảng Trần Kiên, Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ).
Từ năm 1996 đến nay, Trường mang tên Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình. Gần 7 thập kỷ qua, Trường vẫn luôn kiên định với sứ mệnh cao cả: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà. Từ mái trường này, biết bao thế hệ cán bộ đã trưởng thành, cống hiến tài năng và trí tuệ cho quê hương, đất nước. Để nâng tầm hệ thống trường Đảng ở địa phương, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường Chính trị chuẩn (Quy định số 11).
Cụ thể hóa Quy định 11 vào điều kiện thực tiễn, ngày 17/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình tự đổi mới, vươn lên một tầm cao mới. Khi bắt tay thực hiện Đề án, Trường mới đạt 22/55 chỉ tiêu theo Quy định số 11 của Ban Bí thư.
Trước khó khăn trên, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nắm chắc các quy định, hướng dẫn của Trung ương tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án một cách khoa học, bài bản, phát huy cao tinh thần đổi mới, sáng tạo trong mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động. Tập thể Nhà trường cùng chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước bổ sung, hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt chuẩn, chỉ tiêu thiếu, quyết tâm hoàn thành việc chuẩn hóa theo quy định.
Trên cơ sở các quy định của Trung ương và địa phương, Trường đã ban hành 33 quy chế, quy định, quyết định, hướng dẫn để quản lý, điều hành. Nỗ lực, đoàn kết giải quyết nhanh chóng những khó khăn đã tạo nên khí thế mới để cán bộ, viên chức, người lao động và học viên của Trường thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về công tác đào tạo cán bộ: Xác định vấn đề cốt lõi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Nhà trường đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Trường đã động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các giảng viên học tập nâng cao trình độ: Đào tạo sau đại học, lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong 3 năm qua, có 19 giảng viên được cử đi đào tạo; 28 giảng viên được bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 8 giảng viên được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; hơn 50 lượt giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ giảng viên của Nhà trường không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu của trường chuẩn theo quy định mới.
Hiện nay, Trường có 31/31 giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, đạt 100% (vượt 10% so với quy định), trong đó có 2 tiến sĩ, 1 nghiên cứu sinh; Trường có 27/31 giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạt 87,09% (vượt 7,09% so với quy định); đặc biệt Trường có 25/31 giảng viên chính, đạt 80,64% (vượt chuẩn mức 2).
Về công tác giảng dạy: 100% giảng viên hoàn thành vượt mức nhiệm vụ giảng dạy theo quy định; 100% giảng viên thao giảng cấp khoa đạt từ loại giỏi trở lên; 100% giảng viên dự thi giảng viên giỏi cấp trường đạt loại khá trở lên. Có 4 giảng viên dự thi giảng viên giỏi cấp quốc gia, trong đó 1 giảng viên được công nhận danh hiệu giảng viên dạy xuất sắc, 3 giảng viên được công nhận danh hiệu giảng viên dạy giỏi.
Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Trong nhiều năm qua, Nhà trường luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo cán bộ, giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xuất bản sách phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2020 đến năm 2024, Trường đã thực hiện thành công 16 nhiệm vụ khoa học cấp trường (vượt chỉ tiêu 1 đề tài), 16/16 đề tài nghiên cứu đều đạt chất lượng, trong đó 2 đề tài đạt xuất sắc. Chủ đề nghiên cứu của các đề tài đa dạng trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác quản lý dạy-học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Các đề tài nghiên cứu có giá trị thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học, tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau; xuất bản được 5 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo và 1 kỷ yếu hội thảo khoa học cấp Bộ; 15 cuốn “Thông tin Lý luận và Thực tiễn”.
Có thể thấy, trong 5 năm qua, Trường Chính trị tỉnh luôn hoàn thành nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có nhiều bước phát triển: Quy mô đào tạo được mở rộng; loại hình đào tạo ngày càng đa dạng; nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao.
Các chương trình đào tạo được thiết kế khoa học, nội dung sát thực, phương pháp giảng dạy đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn. Chú trọng phát huy năng lực thực hành, phương pháp làm việc khoa học nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra trong thực tế. Cách giảng dạy đổi mới giúp học viên vừa nâng cao kiến thức lý luận chính trị, vừa tăng hiểu biết thực tế và kỹ năng thực hành. Công tác xây dựng văn hóa trường Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được Nhà trường quan tâm toàn diện.
Từ năm 2020-2024, Trường đã trực tiếp giảng dạy và phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương mở 215 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 22.966 học viên (trong đó có 32 lớp Trung cấp lý luận chính trị với 2.076 học viên).
Ngoài ra, Trường còn phối hợp với các học viện tổ chức 88 lớp (bồi dưỡng ngạch chuyên viên/chuyên viên chính, bồi dưỡng cấp ủy cơ sở, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã) với 8.808 lượt người học; mở 32 lớp Trung cấp lý luận chính trị-hành chính, Trung cấp lý luận chính trị (vượt chỉ tiêu đề ra).
Với quyết tâm xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, Trường đã không ngừng nâng cao môi trường giáo dục đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức triển khai đồng bộ, sáng tạo gắn với xây dựng các giá trị cốt lõi và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua. Mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên đều nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo, đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị để đáp ứng tốt yêu cầu và nhiệm vụ chính trị của Trường; giữ vững kỷ luật trong công tác; đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Văn hóa trường Đảng trở thành yếu tố quan trọng, góp phần vào sự thành công của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong 3 năm qua, Trường đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đào tạo và chuẩn hóa. Hiện nay, Trường có tổng diện tích sử dụng là 24.908 m2 (vượt so với quy định chuẩn mức 1 là 4.909 m2 ) gồm các hạng mục công trình phòng học, phòng làm việc, phòng họp, phòng hội thảo, phòng truyền thống, phòng khách, hội trường lớn, thư viện, ký túc xá, sân thể thao, khuôn viên cây xanh...
Cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật hiện đại với hệ thống phần mềm quản lý, giảng dạy, các trang thiết bị gắn với chuyển đổi số... đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy và học tập của cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, đáp ứng cơ bản yêu cầu tăng quy mô đào tạo tập trung tại Trường.
Được công nhận đạt chuẩn mức 1 là một thành tựu đáng tự hào của Nhà trường. Để có được kết quả này trước hết là sự quan tâm sâu sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình; sự ủng hộ của các sở, ban, ngành của tỉnh.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên của Nhà trường. Đây là bước khởi đầu cho một hành trình mới, với những mục tiêu cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phấn khởi, tự hào về những giá trị được tạo dựng, mỗi cán bộ, giảng viên tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực cao hơn nữa, phấn đấu xây dựng Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn mức 2 trước năm 2030; xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu khoa học uy tín, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Tạ Hoàng Minh
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình