Vùng cao Bình Thuận vươn mình, hướng đến tương lai bền vững

Vùng cao Bình Thuận vươn mình, hướng đến tương lai bền vững
34 phút trướcBài gốc
Kết nối những vùng quê
Tại thôn 1, xã Đông Tiến, ông K’Văn Cảnh đang say sưa đan gùi bên hiên ngôi nhà mới khang trang. Với mỗi chiếc gùi bán được hơn 500.000 đồng, đây là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình. Ông Cảnh không giấu được niềm vui khi con đường trước nhà vừa được hoàn thành. "Trước đây toàn là ổ gà ổ voi, nay đường làm xong đi lại ổn hơn, không còn sình lầy như hồi trước nữa. Trước đây mỗi lần ra đường mỗi lần khó, ai đi cũng té. Giờ công trình đường làm xong, thấy cũng mừng." Ông Cảnh nói.
Ông K' Văn Cảnh đang đan gùi
Đông Tiến, xã thuần đồng bào K’ho với 1.121 nhân khẩu/337 hộ, đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn ban đầu trong xây dựng nông thôn mới do cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, hạ tầng của xã đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã và các công trình văn hóa, thể thao. Kết quả là Đông Tiến đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Ông K’Văn Góa, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến, cho biết chương trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều công trình thiết thực, như: nâng cấp đường vào khu sản xuất Sông Do - Kà Tót; kè chống xói mòn, sạt lở sông Do, sông Kà Tót; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; cầu qua kênh Bằng Lăng. Điều này không chỉ cải thiện đời sống mà còn hỗ trợ hiệu quả cho sản xuất của người dân.
Ông Góa nhấn mạnh: "Các hạng mục khác cũng phải đi song song với việc tăng thu nhập của bà con là chính để giảm bớt sự trông chờ, ỷ lại vào cấp trên hỗ trợ và tự vươn lên chính mình. Đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh là cầu nối để thu mua nông sản của bà con, làm giảm bớt việc tư thương bên ngoài ép giá, đó cũng là cái thuận lợi để bà con phát triển."
Thi công hạng mục cống thoát nước dự án khu dân cư Nách Nai - Trũng Bí xã Đông Tiến
Từ Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi đến với đồng bào Raglai ở xã miền núi Phan Dũng, huyện Tuy Phong. Con đường đèo quanh co với cảnh quan hùng vĩ đã mở ra tiềm năng du lịch cho địa phương. Nhờ tuyến đường trekking Phan Dũng – Tà Năng, người dân Phan Dũng đã bước đầu phát triển du lịch, cải thiện đời sống.
Phan Dũng có hơn 250 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Raglai. Hầu hết các hộ đều có điện và nước sạch. Ông Mang Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phan Dũng, cho biết xã đã có trạm y tế, trường học khang trang và đặc biệt là cầu qua đập tràn Phan Dũng (tại Km15+600) đã được đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản.
"Từ khi có chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương cũng nhận được ba chương trình khác nhau. Thứ nhất là chương trình nông thôn mới, hai là chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và thứ ba nữa là chương trình giảm nghèo bền vững. Đối với xã Phan Dũng, địa phương cũng đã tổ chức triển khai đồng bộ, đặc biệt là chương trình nông thôn mới đã xây dựng được các cơ sở vật chất", ông Hạnh chia sẻ.
Trong 5 năm qua, gần 208 tỷ đồng đã được đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS Bình Thuận, trong đó có vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chương trình đã góp phần tăng cường kết nối giữa các vùng, tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới.
Công trình cầu qua đập tràn Phan Dũng cuối tháng 11/2024
Tiếp tục đầu tư cho tương lai
Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số với gần 106.000 người/26.335 hộ, chiếm trên 8,4% dân số của tỉnh. Hơn 50% số hộ DTTS sống ở miền núi, xa trung tâm, gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Mặc dù kết cấu hạ tầng đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đồng bộ, đặc biệt là giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi và cơ sở chế biến sau thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Song, người dân tộc Rai ở xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ, đối với bản thân hết sức mong muốn Đảng, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm công tác dân tộc hơn nữa, để các vùng dân tộc thiểu số theo kịp các xã đồng bằng, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư các hạng mục thiết yếu. Ưu tiên sẽ dành cho giao thông kết nối liên vùng, đường đến trung tâm xã, thôn, bản, công trình nước sinh hoạt.
Một cở sở giáo dục ở miền núi Phan Dũng
"Tỉnh sẽ tiếp cận những phương pháp, nội dung, cách làm và suy nghĩ mới đối với đồng bào DTTS, để thay đổi nếp nghĩ cách làm. Trong giai đoạn tới, Bình Thuận tập trung đưa khoa học kỹ thuật vào cho đồng bào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế hàng hóa, từ đó tạo nền tảng cho kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển vững chắc", ông Tân nhấn mạnh.
Với nguồn lực đầu tư đáng kể và sự vào cuộc đồng bộ, Bình Thuận đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, để những thành quả này bền vững và thực sự đưa đồng bào vươn lên, cần tiếp tục những giải pháp thiết thực, tập trung vào phát triển hạ tầng đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và khơi dậy nội lực của chính cộng đồng.
Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/vung-cao-binh-thuan-vuon-minh-huong-den-tuong-lai-ben-vung-post1147994.vov