Đường lên thôn Lủng Lầu được đổ bê tông từ nguồn vốn Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ.
Ngày mùng 8 Tết Ất Tỵ 2025, UBND xã Đôn Phong (Bạch Thông), tổ chức Hội xuân, Trưởng thôn Lý Văn Khé và nhiều người dân thôn Nặm Tốc cùng xuống chung vui. Con đường từ thôn xuống trung tâm xã nay như gần hơn vì đã được bê tông. Đối với vùng đất từng được ví là “ốc đảo” như Nặm Tốc thì việc có đường kiên cố vượt núi lên bản giống như “giấc mơ” có thật.
Nhớ về thời gian mới chuyển từ Cao Bằng về Nặm Tốc sinh sống, anh Triệu Văn Tá, một người dân kể lại: 30 năm trước vì không có đường đi nên muốn mua mắm muối và vật dụng sinh hoạt, người dân Nặm Tốc phải băng rừng, vượt núi men theo đường mòn, vác thóc sang xã Rã Bản, huyện Chợ Đồn (nay là xã Đồng Thắng) để bán đổi. Không điện, không đường, không sóng điện thoại khiến cuộc sống của nhiều hộ dân trong thôn vô cùng khó khăn.
Đến năm 2015, tuyến đường dài hơn 8km nối từ thôn Nà Pán lên Nặm Tốc được đầu tư phá thế cô lập của thôn. Dù đường được mở nhưng chỉ là dải cấp phối, trong điều kiện địa hình núi cao, dốc tức nên việc đi lại vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa. Năm 2024, từ nguồn vốn Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG), Nặm Tốc được làm đường giao thông liên thôn, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung. Trước đó, tháng 4/2024, người dân Nặm Tốc được hưởng niềm vui vì điện lưới quốc gia đã đưa ánh sáng về từng gia đình.
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án bố trí, ổn định tập trung dân cư vùng thiên tai tại khu Pù Pèn, thôn Nà Chảo - Nà Tậu, xã Công Bằng (Pác Nặm).
Trưởng thôn Nặm Tốc, anh Lý Văn Khé bày tỏ niềm tin: Dù cuộc sống hiện tại của đồng bào Dao Nặm Tốc còn khó khăn nhưng với việc được làm đường, đưa điện lưới quốc gia về tận thôn, được hỗ trợ các mô hình sản xuất, nhất định tương lai của người dân sẽ đổi khác.
Cùng với Nặm Tốc, thôn đồng bào Dao còn khó khăn khác của xã Đôn Phong là Lủng Lầu cũng được hưởng lợi từ Dự án bố trí, ổn định dân cư tại chỗ với tổng vốn đầu tư hơn 12,5 tỷ đồng, giúp đồng bào có nơi ở ổn định, an tâm sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Người dân thôn Cốc Lùng, xã Thượng Quan (Ngân Sơn) được hỗ trợ téc chứa nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG.
Chủ tịch UBND xã Thượng Quan (Ngân Sơn), ông Chu Văn Hướng khẳng định: “Nếu không có Chương trình MTQG thì rất khó để địa phương bố trí làm hơn 10km đường lên các thôn vùng cao Cốc Lùng, Pác Đa vì suất đầu tư lớn. Thành quả bước đầu của dự án đã đem lại những đổi thay tích cực cho người dân, hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới”.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Bình Trung (Chợ Đồn), ông Hoàng Văn Hỷ cho rằng: Các hạng mục công trình được đầu tư xây dựng đều rất cần thiết đối người dân vùng cao, nhất là về đường giao thông. Điều này không chỉ tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện 07 dự án sắp xếp ổn định dân cư tại 06 huyện với tổng kinh phí thực hiện năm 2024 là 62,7 tỷ đồng. Đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành khối lượng công việc và chuẩn bị bàn giao, mang lại những tác động tích cực đến các địa phương trong vùng hưởng lợi. Với nguồn lực đầu tư lớn, dự án đã giải quyết được những nhu cầu thiết yếu từ cơ sở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, mang lại những tác động tích cực cả về mặt kinh tế, xã hội đối với người dân vùng dự án./.
Xuân Nghiệp