Do chủ quan trong phòng chống đói rét nên năm 2021, gia đình ông Vừ A Nếnh, bản Pa Khuông, xã Co Mạ, có 5 con bò bị chết, gây thiệt hại về kinh tế. Rút kinh nghiệm, gia đình ông đã làm chuồng, dự trữ thức ăn cho đàn vật vật.
Ông Nếnh cho biết: Hiện nay, gia đình có 13 con trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ; trồng gần 1 ha cỏ voi, cây chuối làm thức ăn. Mùa đông chuồng trại phải che chắn phòng rét.
Nông dân bản Pa Khuông, xã Co Mạ, chăm sóc đàn vật nuôi.
Từ tháng 10, gia đình ông Thào Só Dơ, bản Chà Mạy, xã Long Hẹ, đã chủ động thu gom rơm rạ để làm thức ăn dự trữ cho 6 con trâu, bò. Ông Dơ chia sẻ: Trước đây, tôi cũng như nhiều bà con trong bản thả trâu bò ngoài đồi, hoặc thả trong thung lũng vài ngày mới lên kiểm tra một lần. Do trời lạnh nên có con đã chết. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, tôi đã biết cách dự trữ thức ăn, vệ sinh chuồng trại; quây kín chuồng vào mùa đông; định kỳ phun khử trùng, nên trâu bò không bị dịch bệnh, chết đói do rét.
Sau những vụ rét chịu thiệt hại về chăn nuôi, bà con đã chủ động tích trữ thức ăn, chú trọng giữ ấm bảo vệ đàn gia súc. Các xã thành lập các đoàn tuyên truyền, vận động nhân dân theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, chống đói rét, bảo vệ đàn vật nuôi. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo nhân dân thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò; chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện khác thường, báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời xử lý.
Nông dân xã Co Tòng trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, xã Co Tòng có gần 3.000 con gia súc. Ông Bạc Cầm Cảm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã cử cán bộ về từng bản thống kê số hộ chăn nuôi chưa có chuồng, hoặc chuồng tạm, vận động bà con sửa chữa, làm mới, đảm bảo ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại. Một số hộ trên địa bàn có điều kiện hơn đã xây chuồng trại kiên cố. Các hộ chưa thực hiện được thì quây bạt che chắn gió để giữ ấm cho vật nuôi trong chuồng... Vì vậy, nhiều năm nay, mặc dù thời tiết giá rét kéo dài, tình trạng gia súc bị chết đói, chết rét đã giảm đáng kể.
Trước đây, nhân dân xã É Tòng có thói quen đốt bỏ rơm rạ sau thu hoạch. Bây giờ, rơm được bà con tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Ông Quàng Văn Tâm, cán bộ thú y xã É Tòng, chia sẻ: Chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con chú ý cho trâu, bò ăn thức ăn thô trước rồi mới cho ăn thức ăn tinh, uống nước. Vì nếu cho ăn thức ăn tinh hay uống nước trước thì trâu, bò có cảm giác no dẫn đến ăn ít thức ăn thô. Đồng thời, khuyến cáo bà con cần chú ý bổ sung vitamin tổng hợp và muối khoáng; cho trâu bò uống thêm nước muối bằng cách pha nước ấm với muối nồng độ 0,1 – 0,3% tương đương 10 – 30 gam muối/10 lít nước để trâu, bò mới có đủ năng lượng chống lại giá rét.
Cán bộ thú y bản Co Nhừ, xã Co Tòng, tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.
Đa số người chăn nuôi trên địa bàn các xã vùng cao Thuận Châu đã có ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ có chuồng trại khá sơ sài, nhất là thói quen thả rông gia súc vào rừng, thiếu sự quản lý. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, cơ quan chuyên môn và các xã khuyến cáo người chăn nuôi trồng cỏ, trồng ngô dày trên diện tích đất không sử dụng, đất hoang, đất ven đồi để cung cấp thức ăn thô cho trâu, bò. Đặc biệt, trong những ngày giá rét, nhiệt độ ngoài trời dưới 100C phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không thả rông; bổ sung kịp thời thức ăn, nước ấm cho gia súc. Đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Với các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc từ sớm, các xã vùng cao Thuận Châu phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do rét đậm, rét hại có thể xảy ra.
Hiền Ngọc
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/xa-hoi/vung-cao-thuan-chau-bao-ve-dan-vat-nuoi-H5jDOUMNg.html